Ông "Ái rùa"
“Ái rùa” là biệt danh mà người dân Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trìu mến gọi thạc sĩ Lê Xuân Ái. Mới nhìn, rất dễ lầm tưởng ông “Ái rùa” là một nghệ sĩ, bởi lúc nào cũng nói cười, đàn hát vui vẻ. Thật ra, ông là nhà khoa học thứ thiệt, chuyên gia nghiên cứu về biển, đặc biệt là rùa biển, hơn 30 năm cuộc đời dành cho Côn Đảo.
Ông “Ái rùa” (bên trái) và tác giả. Ảnh: M.QUÂN |
1. Tốt nghiệp kỹ sư ngành lâm nghiệp 1984, nhưng chàng thanh niên miền biển Tam Tiến (Núi Thành) không muốn gắn bó với rừng mà lại thích phiêu lưu với biển. Duyên nợ đưa ông dạt về Vũng Tàu, được Sở Lâm nghiệp mời làm giám đốc một lâm trường. Nhưng phải cái tội chỉ thích ăn cá biển, khiến ông tự “đày” mình ra Côn Đảo. Mới đầu nghĩ ít năm rồi về, ai ngờ gắn bó đến hơn nửa đời người. Ông cười, nhớ lại: “Hồi mới ra đảo còn hoang sơ lắm, lại thưa người, bước ra khỏi cửa gặp nhà ngục, đi xa ba bước gặp nghĩa trang hiu quạnh đến lạnh người. Mình cùng mọi người trong cơ quan suốt ngày đi vun mộ, trồng cây chắn gió, giữ cho hương hồn người nằm xuống bớt lạnh”.
“Điều gì quyến rũ anh ở lại Côn Đảo lâu đến vậy?”. Ông giãi bày: “Hồi đó người dân ngoài này có tiền là hướng vào đất liền sinh sống, để con cái được học hành tốt và có tương lai hơn. Nhưng mình ra, thấy hệ sinh thái rừng biển ở đây quá đẹp, phong phú chưa từng có, nó mê hoặc mình đến quên cả tuổi xuân. Đến khi cưới vợ rồi vẫn thích quay lại sống để khám phá và nghiên cứu. Thế rồi mấy chục năm trôi qua không hay…”. Ông lục tìm mấy chục bức ảnh chụp chung với các vị lãnh đạo cấp cao nhất đất nước, như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay những người từng là cựu tù Côn Đảo. “Có vị lãnh đạo đến tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo. Mỗi lần về đều thấy mình vẫn ngồi chức giám đốc vườn ni hoài, và nói thôi rút ra bộ, nhưng mình cảm ơn, xin ở lại để được làm chuyên môn là nghiên cứu thôi. Rứa đó!”.
Ông “Ái rùa” (bên phải) vui khi thấy rùa tự nhiên về đẻ trứng dưới biển Cù Lao Chàm. |
2. Nhớ lần đầu gặp ông ở Côn Đảo, nghe giọng Quảng, ông liền bắt chuyện, thân mật như người quen tự bao giờ. “Chú mi ở Quảng Nôm chỗ mô rứa?”, chưa kịp trả lời ông giới thiệu tiếp: “Mình ở Tam Tiến, Núi Thành”. Vẫn một giọng Quảng rặt. Nói chuyện quê nhà, lúc đó, thấy ông bồi hồi, nhắc đến chuyện nghỉ hưu thì sẽ về quê. Nhìn nụ cười ông héo hắt, tôi hỏi dò: “Anh nói đam mê sao xin nghỉ sớm vậy?”. Đến cuối cuộc rượu, ông tâm sự: “Chuyện dài lắm. Đã 10 năm qua, mình đứng ra đấu tranh không chấp nhận xây đường quanh đảo này, vì nếu xây đường thì phá rất nhiều hệ sinh thái đặc trưng ở đảo. Dự án được thiết kế và điều chỉnh nhiều lần, nhưng mình vẫn không chấp nhận. Vì đây là vườn quốc gia, muốn xây dựng gì thì phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Nhưng mỗi lần trình dự án lên Thủ tướng phê duyệt thì mình phản đối, cả chục năm nay như vậy. Giờ họ tìm cách chuyển công tác, để mình không còn liên quan chi mà phản đối được dự án mở đường. Mà mình là người nghiên cứu, nếu chuyển không đúng chỗ, thà mình nghỉ hưu sớm còn hơn!”.
Ông Nguyễn Văn Vững, cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo bảo: “Anh Ái đúng là người Quảng Nam cứng đầu, anh không ham quyền chức, chỉ say mê với khoa học”. Và ông Vững kể, hồi trước làm gì có tài trợ cho các dự án bảo tồn biển tại miền Nam. Khi anh Ái ra Hà Nội tham dự hội thảo của Tổ chức Quỹ Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, WWF Việt Nam, đã giới thiệu về hệ sinh thái quý giá của Côn Đảo, và nói rất căng chuyện thiếu quan tâm. Từ đó các vị này mới tìm vào, và sững sờ với hệ sinh thái Côn Đảo, đặc biệt là loài rùa biển và Dugong - một trong những động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy họ mới lập dự án hỗ trợ bảo tồn bền vững.
3. Sau ông “Ái rùa” nghỉ hưu sớm thật. Rời nơi cống hiến cả tuổi trẻ, ông trở về quê hương. Nhưng nỗi nhớ biển nhớ đảo vẫn cứ thôi thúc ông vác ba lô vượt sóng lang thang ở đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An). Và quần đảo này đã cuốn hút ông. “Máu” say mê nghề nghiệp nổi lên, ông tìm gặp lãnh đạo Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đề nghị được tư vấn về bảo tồn. “Mình thấy còn sức khỏe, mong muốn được cống hiến chút gì đó cho quê hương, và không lãng phí kinh nghiệm của mình. Nên từ đó mình lại sánh duyên với Cù Lao Chàm” - Lê Xuân Ái tâm sự.
Với con mắt của nhà chuyên môn, ông nhìn thấy tiềm năng bảo tồn rùa biển tại đây, và đề xuất khôi phục lại các bãi đẻ của rùa biển đã mất. Từ ý tưởng này, dự án được lập và thành phố rồi tỉnh đồng ý. Hơn một năm, nhiệt tình lăn lộn với Cù Lao Chàm, vào nam, ra bắc, vượt qua các trở ngại do phát triển du lịch tại chỗ, dự án khôi phục rùa biển tại Cù Lao Chàm đã có bước tiến lớn. Ông đưa từng nhóm cán bộ vào tận Côn Đảo học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật bảo tồn và ấp nở rùa con. Cuối cùng, những lứa trứng rùa đưa về từ Côn Đảo cũng nở tại đảo Cù Lao Chàm, từng lứa rùa về lại với mẹ đại dương trong niềm vui tràn ngập của mọi người. Ai cũng nuôi hy vọng mấy chục năm sau, những chú rùa kia tung hoành khắp đại dương sẽ trở về sinh sản những thế hệ tiếp nối tại nơi chúng ra đi…
MINH HẢI