Giáo dục gắn kết hướng nghiệp
Cứ vào đầu năm, học sinh khối 12 lại lo lắng về việc ngành học, trường học để chuẩn bị đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Trên thực tế, chỉ một số ít học sinh lớp 12 đã có định hướng, chuẩn bị khối thi và trường dự kiến sẽ học, còn phần lớn thường không biết phải thi vào trường nào hoặc học ngành gì. Trong khi đó, sự chia sẻ, hướng nghiệp của gia đình và nhà trường lâu nay vẫn còn hạn chế. Đối với nhà trường, đáng tiếc là sự sâu sát có vẻ “càng ngày càng ít đi”, khi mà giáo viên thực sự quan tâm đến học sinh, họ có thể biết tương đối chính xác khả năng và thiên hướng của học trò mình và đưa ra những lời khuyên đúng nhất. Đối với gia đình, xác định “giáo dục đại học là đầu tư vào tương lai của con bạn” nên bố mẹ không nên đưa ra quyết định “một mình”. Là bố mẹ, bạn cần thảo luận với con về việc nên vào trường nào, học lĩnh vực gì, và nghề nào sẽ là tốt nhất, dựa trên một số sự kiện và dữ liệu.
Bạn và con bạn phải cùng khảo sát đại học nào có danh tiếng tốt, chương trình được tổ chức tốt và các thầy, các khoa có chất lượng. Bạn và con bạn cần thảo luận lĩnh vực học tập nào sẽ là phù hợp cho chúng mà có thể đem lại kết quả tốt nhất. Đây là những yếu tố xác định nghề nghiệp của con bạn, việc làm của chúng, cuộc sống và tương lai của chúng. Lựa chọn đại học đúng, lĩnh vực học tập đúng, chương trình đào tạo đúng là không dễ nên cần phải dành thời gian cùng nhau đưa ra quyết định giữa bố mẹ và con cái. Đây có lẽ là quyết định quan trọng nhất mà gia đình bạn sẽ đưa ra và điều đó yêu cầu nghiên cứu tập trung, tới thăm nhiều trường đại học, nói chuyện với giảng viên trong khoa cũng như với các sinh viên khác để có được mọi dữ liệu trước khi đưa ra quyết định.
Bên cạnh đó, xu hướng học theo bạn đeo đuổi các ngành “hot”,“thời thượng” lại khá phổ biến, nên nếu học sinh trong trường phổ thông được hướng dẫn, định hướng nghề nghiệp rõ ràng thì việc ảnh hưởng lẫn nhau của học sinh sẽ giúp các em càng dễ chọn nghề, chọn trường. Chính vì vậy, ngành giáo dục và địa phương, các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp, nhất là các bậc phụ huynh cần sớm chủ động triển khai tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay từ đầu cấp THPT chứ không chỉ đợi đến học kỳ II của năm lớp 12 mới thực hiện. Có như vậy, mới tránh được tình trạng xã hội khan hiếm thợ lành nghề, trong khi các trường lại đào tạo ra quá nhiều “thầy”…
THU CÚC