Giao ban phòng GD-ĐT: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

XUÂN PHÚ 23/01/2018 09:11

Nhiều vấn đề “nóng” đã được lãnh đạo phòng GD-ĐT các địa phương nêu lên tại hội nghị giao ban về tình hình thực hiện nhiệm vụ học kỳ 1 và triển khai phương hướng học kỳ 2 năm học 2017-2018, do Sở GD-ĐT vừa tổ chức, để cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Dù liên tục tổ chức 2 kỳ thi tuyển trong năm 2017 nhưng các địa phương hiện nay vẫn thiếu giáo viên. Ảnh: XUÂN PHÚ
Dù liên tục tổ chức 2 kỳ thi tuyển trong năm 2017 nhưng các địa phương hiện nay vẫn thiếu giáo viên. Ảnh: XUÂN PHÚ

Quyết liệt đổi mới

Theo báo cáo tại hội nghị, năm học 2017-2018 toàn ngành GD-ĐT tỉnh tập trung triển khai nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy. Những đổi mới liên quan đến công tác chuyên môn đã được thực hiện như xác lập kế hoạch dạy học theo hướng tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, tiếp cận quan điểm đổi mới về chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy học theo chủ đề, vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học… Ngành cũng tăng cường công tác kiểm tra hoạt động sư phạm của nhà giáo thông qua việc thăm lớp, dự giờ. Xác định kiểm tra chuyên môn giáo viên (GV) ở các trường là hoạt động thường xuyên, đồng hành với các cấp quản lý ở cơ sở để kịp thời nắm bắt tình hình tổ chức dạy học, qua đó điều chỉnh công tác quản lý, điều hành. Đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra chung ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa và Tiếng Anh lớp 9 nhằm hướng đến mục tiêu đồng bộ thang đánh giá trong toàn ngành, hạn chế tiêu cực trong dạy thêm học thêm. Giáo dục tiểu học có nhiều chuyển biến trong việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày, dạy học môn Tiếng Anh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện cả tỉnh có 245/295 trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày; trong đó các địa phương Quế Sơn, Hội An, Tam Kỳ có 100% học sinh (HS) học 2 buổi/ngày; 267 trường giảng dạy Tiếng Anh cho các lớp 3, 4, 5 với thời lượng 2 - 4 tiết/tuần, một số trường thí điểm dạy làm quen Tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2.

Về công tác chuẩn bị triển khai chương trình sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng thực hiện theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc, các đơn vị phải thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý và GV. Đồng thời tổ chức điều tra, nắm rõ thực trạng về đội ngũ, cơ sở vật chất và số lượng HS ở từng đơn vị để tham mưu thực hiện chương trình mới đạt kết quả. Đối với việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, các địa phương phải rà soát, đánh giá thực trạng, tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện”. (GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT HÀ THANH QUỐC)

Lãnh đạo phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố cho biết, với trách nhiệm của ngành đến nay đã kịp thời tham mưu cho địa phương ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 11 (25.4.2017) của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Nhờ đó, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được quan tâm đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Chất lượng giáo dục cũng từng bước được nâng lên, trong đó chú trọng hơn đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân của học trò. Việc đổi mới công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá cũng được nhiều địa phương triển khai. Tiêu biểu như ngành GD-ĐT Duy Xuyên thí điểm kiểm tra Tiếng Anh học kỳ 1 vừa qua bằng hình thức vấn đáp ở bậc THCS và tiểu học nhằm phát triển năng lực giao tiếp cho HS. “Qua thí điểm ở 4 trường THCS và 3 trường tiểu học, có thể thấy chất lượng học Tiếng Anh của các em khá tốt” - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên Phùng Hoàng thông tin.

Thiếu giáo viên

Đề cập những khó khăn, vướng mắc hiện nay, nhiều địa phương cho rằng đó là tình trạng thiếu phòng học và đội ngũ GV, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học, tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Ngoại trừ một vài địa phương có tỷ lệ HS tiểu học được học 2 buổi/ngày khá cao như Tam Kỳ, Quế Sơn, Hội An, Điện Bàn thì vẫn còn một số huyện khá thấp như Núi Thành 68%, Thăng Bình 64,9%; các địa phương miền núi còn ít hơn như Tây Giang 48,6%, Nông Sơn 51%, Bắc Trà My 54%, Nam Trà My 61%, Hiệp Đức 62%. Lý giải nguyên nhân, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My Võ Đăng Thuận cho rằng, việc dạy 2 buổi/ngày yêu cầu phải đảm bảo 1 lớp/phòng và tỷ lệ 1,5 GV/lớp nhưng Nam Trà My chỉ có 1,2 GV nên chỉ mới tổ chức dạy cho 60% số HS.

Trong khi đó, dạy môn Tiếng Anh cho HS tiểu học cũng gặp khó, mới chỉ tổ chức tại điểm trường chính, vì điểm trường lẻ quá xa, khó cho các thầy cô giáo đi lại trong một buổi. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bắc Trà My chia sẻ thêm, việc thực hiện Nghị quyết 11 của địa phương đang gặp trở ngại lớn. Đầu năm học tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày chiếm 78% thì đến nay giảm xuống còn 56% vì số lượng GV giảm do đến tuổi nghỉ hưu. Huyện cũng không còn hợp đồng GV Tiếng Anh nên hiện nay 6 trường tiểu học không thể tổ chức dạy cho HS. Tương tự, ông Phùng Hoàng cho biết, chỉ sau 1 học kỳ số lượng GV của huyện Duy Xuyên nghỉ hưu khá nhiều. Dù vừa tổ chức thi tuyển với chỉ tiêu 100 nhưng hiện tại địa phương thiếu 85 GV. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nông Sơn Trần Hữu Tuấn cũng cho hay, từ ngày thành lập huyện đến nay đã 10 năm nhưng vẫn giữ con số 428 biên chế dù ngành liên tục kiến nghị bổ sung, điều này gây rất khó khăn cho ngành trong công tác chuyên môn và nâng cao chất lượng giáo dục.

Một vấn đề cũng gây nhiều trăn trở hiện nay là tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ quản lý. Theo lãnh đạo các phòng GD-ĐT, quy định chuẩn GV mầm non, tiểu học, THCS không phải là đại học nhưng khi bổ nhiệm cán bộ quản lý đòi hỏi phải có trình độ đại học chính quy là bất cập. Ông Võ Đăng Thuận thông tin, hiện nay Nam Trà My có 6 trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học không có phó hiệu trưởng khiến cho công tác chỉ đạo, điều hành gặp khó khăn. Nguyên nhân là các thầy cô phó hiệu trưởng trước đó đã chuyển công tác, nhưng khi đơn vị tham mưu bổ nhiệm người khác lại vướng quy định sinh sau năm 1975 phải tốt nghiệp đại học chính quy, nếu không có bằng đại học chính quy thì phải có bằng thạc sĩ.

Tháo “điểm nghẽn”

Khắc phục tình trạng trên đang là bài toán nan giải và ngoài thẩm quyền của các địa phương. Vì vậy, lãnh đạo Phòng GD-ĐT các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh đề nghị tỉnh nên giải quyết theo hướng tuyển dụng đối với những thí sinh tham gia kỳ thi tuyển viên chức giáo dục vừa qua nhưng không trúng tuyển để kịp thời bổ sung cho các địa phương mà không cần phải tổ chức thêm kỳ thi để đỡ tốn kém. Còn ông Trần Thanh Hải - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Phước đề xuất giải pháp có chính sách hợp đồng để giúp cho các trường học đủ GV giảng dạy chứ không thể chờ thi viên chức vì thời gian quá lâu.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, tháng 4.2018 là tròn một năm Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT được ban hành. Nhìn lại việc triển khai thực hiện, trước hết, có thể nói toàn ngành đã bước đầu triển khai có kết quả các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; vấn đề đổi mới công tác quản lý, chuyên môn được quan tâm; đội ngũ nhà giáo ngày càng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng; việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, cũng như dạy Tiếng Anh đạt tỷ lệ khá cao. Ông Quốc nhìn nhận, những kết quả đó là thành công rất lớn của ngành, cho thấy hiệu quả trong việc đầu tư vào giáo dục. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu như nghị quyết đề ra, các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, xây dựng kế hoạch và lộ trình đầu tư cơ sở vật chất, phòng học.

Liên quan đến tình trạng thiếu GV hiện nay, ông Quốc đề nghị ngành GD-ĐT các địa phương rà soát, sắp xếp lại, báo cáo tình hình đội ngũ cho UBND huyện, thị xã, thành phố và Sở GD-ĐT để báo cáo cho tỉnh, tham mưu giải pháp khắc phục, không để xảy ra chuyện thiếu GV kéo dài như huyện Nông Sơn vừa qua, ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Đối với dạy thêm học thêm, thời gian qua UBND tỉnh và Sở GD-ĐT đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này nhưng các địa phương, trường học chưa có sự quan tâm đúng mức. Vì vậy, thời gian tới sở thực hiện kiểm tra không báo trước, nếu phát hiện sẽ xử lý kiên quyết nhằm chấn chỉnh vấn đề này, trong đó lãnh đạo phòng GD-ĐT, trường học phải chịu trách nhiệm trước tiên.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ