Dự thảo chương trình môn Toán: Khơi nguồn sáng tạo cho học sinh!
Cùng với các môn học khác, dự thảo chương trình môn Toán vừa được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến góp ý. Ngày 22.1, chia sẻ với TTXVN, GS. Đỗ Đức Thái - chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, dự thảo chương trình môn Toán được Ban soạn thảo biên soạn trên phương châm: tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo.
Theo GS. Đỗ Đức Thái nói, nội dung của chương trình môn Toán phải là những cái cốt lõi, vì toán học rất mênh mông, học suốt đời cũng không hết. Do đó, trong khuôn khổ số tiết có hạn của môn Toán, chương trình cần có kết cấu nội dung đơn giản, cốt lõi. Về sự thiết thực, nội dung chương trình phải có tính ứng dụng, gắn kết với đời sống thực tế, với các môn học khác, gắn với xu thế phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật của đất nước trong thời gian tới. Trong khi đó, nội dung môn Toán hiện nay nặng truyền thụ kiến thức, nặng ứng thí; học xong, ngoài đi thi, học sinh không biết để làm gì cho cuộc sống. Chương trình môn Toán cũng phải hiện đại và khơi nguồn sáng tạo cho học sinh.
Cụ thể hơn về sự thiết thực, gắn với cuộc sống của môn Toán, GS. Đỗ Đức Thái nêu ví dụ: Trong bài học thống kê ở lớp 6, học sinh học về cách tính trung bình cộng của một dãy số liệu. Nếu chỉ dạy theo kiểu cho một dãy số liệu và yêu cầu tính trung bình cộng, học sinh có thể cho đáp án đúng nhưng không hiểu thống kê, tính trung bình để làm gì. Nhưng nếu cho học sinh thống kê nhiệt độ nơi mình sống vào một thời điểm trong vòng tuần lễ, từ đó tính trung bình cộng, sẽ giúp học sinh nhận ra sự biến đổi thời tiết của địa phương mình trong tuần và có thể vẽ thành biểu đồ biến đổi thời tiết. Như thế, học sinh vừa học toán, vừa học kiến thức địa lý, vừa hiểu được một trong những vấn đề của địa phương. Qua đó, có thể trao đổi để học sinh hiểu thêm về biến đổi khí hậu, về bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của bất kỳ cải cách giáo dục nào, chương trình giáo dục mới nào, luôn là đội ngũ giáo viên. Đây cũng là vấn đề nhiều người băn khoăn. Song, GS. Đỗ Đức Thái khẳng định, việc tinh giản chương trình môn Toán chỉ còn những vấn đề cốt lõi sẽ tạo ra thời lượng vật chất để giảng dạy, cho phép giáo viên thay đổi cách tiếp cận, thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển năng lực cho người học, nhất là năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. “Tôi tin đội ngũ giáo viên toán về cơ bản đáp ứng ngay được đòi hỏi của chương trình môn Toán mới. Tất nhiên, Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch rất cụ thể để tập huấn cho giáo viên một cách bài bản, cẩn thận” - GS. Đỗ Đức Thái nói.
T.S