40 năm trước, ở vùng cao...

ĐÌNH HIỆP 21/11/2017 09:54

Năm 1977 - cách đây 40 năm, Sở GD&ĐT Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) chủ trương “Đem ánh sáng văn hóa” lên các huyện miền núi, khai sáng, đưa cái chữ Bác Hồ đến với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy giáo Hồ Văn Bình cùng với thầy Tống Xước, Lê Tấn Thành, Thái Diệu Thành, Nguyễn Văn Thắng đã không ngại bao khó khăn gian khổ, lội suối băng rừng từ đồng bằng lên vùng cao huyện Hiên (nay là Tây Giang) để dạy chữ. Tại đây, các thầy cùng với thầy cô bản địa như thầy Hồ Ơi, Ploong Jưp, Bling Giới, Phoong Bhi thành lập trường Tiểu học Tr’hy. Bây giờ trở lại thăm trường cũ, thầy giáo Hồ Văn Bình không giấu được cảm xúc của mình trước sự đổi thay của vùng cao Tây Giang. Ngôi trường tranh tre nứa lá do các thầy cùng với đồng bào chung tay làm ngày xưa, nay được xây dựng khang trang bề thế. Thầy Bình bảo, hồi ấy để dựng được ngôi trường là cả một sự quyết tâm vì tất cả bắt đầu bằng con số không.

Trường Tiểu học A Xan ngày nay. Ảnh: Đ.HIỆP
Trường Tiểu học A Xan ngày nay. Ảnh: Đ.HIỆP

Ngày mới thành lập, trường chỉ có 110 học sinh của hai xã A xan, Tr’Hy. Trường có 1 điểm trường chính đóng tại thôn Arầng 2 (xã A xan) và 4 điểm trường thôn tại các thôn Voòng, Dầm (Tr’Hy) và Arầng 1, Ganil (A xan). Chương trình dạy cũng đơn thuần là chữ và các phép tính bậc tiểu học. Ngoài ra, ban đêm các thầy còn dạy lớp mầm non tại nhà trưởng thôn, dạy phổ cập (tiếng Kinh) cho người lớn. “Hồi đó, trường tiểu học Tr’Hy ra đời, học sinh Cơ Tu được học chung một giáo trình do Bộ GD&ĐT ban hành, có giáo án giảng dạy bài bản, khoa học” - thầy Bình cho biết. Thầy Xước bảo, ngày xưa thanh niên sống lý tưởng, không ngại khó, ngại khổ, đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì. Anh em cũng không ngần ngại tự phong mình là những kiện tướng đi rừng của ngành giáo dục huyện Hiên. Con dốc Caravẽ, dốc Voòng thời ấy là nỗi ám ảnh, thế nhưng anh em vẫn vượt qua với một tinh thần lạc quan hơn bao giờ hết. Họ sống với một tâm hồn trong sáng, vô tư. Tôi hỏi thế ngày xưa lương hàng tháng có đủ sống không, thầy Bình bảo, ngày xưa lương cả năm trời mới nhận theo chế độ tem, phiếu. Dân nuôi thầy giáo, họ ăn gì mình ăn nấy. Sự đùm bọc của họ chính là niềm vui, niềm động viên cho anh em mình.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc là một trong những học sinh đầu tiên của trường, bồi hồi nhớ lại: “Ngày xưa học chữ khó khăn, không có sách giáo khoa. Thầy giáo viết lên tấm gỗ, học trò đọc theo. Ngày ấy, không có vở, bút. Học sinh lấy bồ hóng làm mực, lấy nứa vót nhọn làm bút, lấy lá chuối làm vở.  Không có phấn, thầy vào nhà dân xin sắn khô trên bếp gọt lại cho tròn như viên phấn để viết. Xong một buổi học, học trò lấm lem bồ hóng, tay thầy trắng non vì bụi sắn. Thầy trò lại xuống con suối Chuôr gần trường để rữa cho sạch sẽ”. Năm 1982 cậu học trò Bh’riu Liếc học xong lớp 5, rồi tiếp tục được huyện chọn đi học lớp sư phạm cấp tốc 6 tháng, rồi trở thành giáo viên của Trường PTCS Tr’Hy, trước khi được chọn đào tạo cán bộ nguồn tại TP.Đà Nẵng.

Một tấm ảnh hiếm hoi giữa thầy và trò năm 1977.
Một tấm ảnh hiếm hoi giữa thầy và trò năm 1977.

Cô giáo Phan Thị Xuân Bốn, nguyên giáo viên của trường trong những năm 1978 - 1982, là một trong những giáo viên nữ hiếm hoi lên đây công tác kể lại, năm 1978 thầy giáo Phan Quang Minh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hiên hỏi tôi, em thích chọn xã nào. Tôi bảo khu 7, xã nào cũng được. Thầy Minh bảo, em nên chọn Tr’Hy vì ở đó là xã gần nhất trong các xã vùng cao. Ở đó, có nhiều giáo viên người Kinh lên công tác nên cũng đỡ buồn hơn. Hôm tôi lên công tác đi bộ cả mấy ngày trời. Từ Prao lên A vương nghỉ lại đêm, lên A tiêng nghỉ lại một đêm nữa rồi tiếp tục lên Tr’Hy. Anh em ai cũng dép rọ có quai sau, còn tôi mang dép nhựa, leo lên dốc thì trượt, xuống dốc thì ngã, đứt cả dép đành lội bộ. Đường rừng vắt, muỗi, rồi bọ vàng cứ thế mà bu theo cắn vô số kể... Thấm thoắt, tôi dạy học ở đất Tr’Hy được 5 năm, 14 anh chị em giao viên gắn bó với nhau như ruột thịt. Mỗi người mỗi tính nết, anh Sinh gia trưởng nhưng hiền lành, cô Hương điềm đạm, anh Xước thật thà chất phác... Ngày xưa vùng Tr’Hy, A xan rau diếp cá, sắn, rồi bắp chuối rừng nhiều lắm, đó cũng là nguồn thức ăn chính. Thịt rừng thì lâu lâu mới có, dân làng đem cho. Bữa cơm lúa rẫy là thứ xa xỉ. Hạt muối lúc bấy giờ quý lắm, dùng nêm cho mọi thứ. Nhiều lúc kiểm tra, đong đếm, cất kỹ từng hạt.

Những kỷ niệm dạy học ở vùng cao huyện Hiên, nay là Tây Giang, kể hoài không hết. Hạ tuần tháng 11 năm nay, những giáo viên 40 năm trước có dịp gặp nhau nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Tiểu học A Xan - tiền thân là trường Tiểu học Tr’hy. Người mất, người còn, có người đã nghỉ hưu, có người chuyển công tác. Những gì mà các thầy cô để lại là một di sản lớn về tình người nơi vùng cao biên giới.

ĐÌNH HIỆP

ĐÌNH HIỆP