Tất bật dọn trường, đón học sinh sau lũ
Ngay sau khi nước lũ rút, nhiều địa phương đã huy động các lực lượng tập trung dọn dẹp vệ sinh trường lớp để sớm ổn định việc dạy và học.
Thầy cô Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) dọn vệ sinh sau lũ. Ảnh: XUÂN THỌ |
Xung kích khắc phục môi trường
Suốt mấy ngày liền, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ xung kích đã ra quân hỗ trợ các trường học ở Đại Lộc khắc phục hậu quả môi trường sau lũ, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại trường học. Tại hai trường Mẫu giáo Ái Nghĩa và Mẫu giáo Bình Minh, ngay sau khi nước rút vào chiều 7.11, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đại Lộc với cuốc, xẻng, xe rùa cùng các cô dạy trẻ đội mưa làm sạch từng mảng tường, lớp bùn non đặc quánh. Trong đoàn, có một số cán bộ quân sự là nữ như chị Bùi Thị Lệ Phi, Nguyễn Thị Thu (Ban Tham mưu, Ban Chỉ huy Quân sự huyện). Chị Bùi Thị Lệ Phi tâm sự: “Sau khi lũ rút, chúng tôi bắt tay vào dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại cơ quan xong thì lập tức hỗ trợ các trường, dù ai cũng khá mệt nhưng vẫn vui vì làm tốt công tác hậu phương cũng là nghĩa vụ của ngành. Hơn nữa, mỗi người một tay sẽ giúp các cô dạy trẻ đỡ bớt vất vả”. Thượng tá Nguyễn Hồng Quân - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đại Lộc trực tiếp chỉ huy tổ công tác, chia sẻ: “Đại Lộc có tới 61 trường học, nhiều trường bị ngập sâu tới 1,5m, nhu cầu cần hỗ trợ khắc phục sau lũ rất lớn, song lực lượng của đơn vị quá mỏng, lại đảm trách nhiều nhiệm vụ trong và sau lũ nên chỉ giúp đỡ được hai trường nói trên. Những ngày tới chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng tiếp tục giúp đỡ 7 trường học mầm non, mẫu giáo của 2 xã có địa hình trũng thấp là Đại An và Đại Hòa và một vài trường tiểu học của thị trấn”.
Bộ đội chung tay dọn vệ sinh tại Trường Mẫu giáo Ái Nghĩa (Đại Lộc). Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Sáng 8.11, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tập kết lực lượng tại Đại Lộc. Tại điểm trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa), hơn 50 cán bộ, chiến sĩ có mặt tại sân trường từ sáng sớm. Nằm ở vùng thấp lụt nên Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu bị ngập tới hơn nửa mét, lượng bùn non quá nhiều, khuôn viên trường lại rộng nên các thầy cô xoay xở cả ngày trời cũng chỉ mới dọn xong một vạt sân. Được sự trợ giúp của các chiến sĩ, sau một ngày mọi việc đã đâu vào đấy. Cả ngày ở sân trường, nhiều đợt mưa to trút xuống, các anh chỉ độc bộ quần áo lính nhưng vẫn nhiệt tình, hăng hái. Thầy Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm động trước tinh thần xung kích của các anh, từ chỉ huy tới chiến sĩ. Các anh về trường từ rất sớm, lực lượng đông, chuẩn bị sẵn thức ăn dự trữ cho buổi trưa rồi bắt tay ngay vào việc. Không chỉ dọn bùn cả ngày trời, các anh cũng chẳng nghỉ ngơi, ăn trưa xong là bắt tay vào việc luôn. Nhờ vậy, việc khắc phục hậu quả nhanh hơn dự kiến, đảm bảo từ ngày 9.11 trường sẽ tổ chức dạy học trở lại”.
Theo ông Huỳnh Ngọc Ánh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc, mạng lưới trường học của huyện quá lớn, 61 trường, phân bố rộng ở cả ba vùng nên công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ gặp khó khăn. Từ 7.11, những trường ở khu vực cao đã dọn vệ sinh xong. Đến 8.11, có 15/21 trường bị ngập sâu đã khắc phục xong nhờ sự hỗ trợ của lực lượng quân sự. Từ 9.11 trở đi, các trường vùng trũng cũng đã có thể ổn định, tổ chức dạy học trở lại.
Sớm ổn định trường lớp
Các trường chủ động tổ chức dạy bù Ngày 9.11, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho biết đợt bão lụt vừa qua, nhờ toàn ngành GD-ĐT đã có sự chủ động trong phòng tránh ngay từ đầu mùa mưa bão như đưa sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học lên tầng 2 hoặc kệ cao nên nhìn chung đã hạn chế mức thấp nhất thiệt hại. Chỉ có một số trường học ngã đổ tường rào, ướt máy vi tính, thiết bị âm thanh do bị ngập sâu. Mất mát lớn nhất là 1 em học sinh THPT ở Nam Trà My tử vong. Hiện nay, ngành chỉ đạo phòng GD-ĐT các địa phương, trường học tập trung lực lượng, tích cực dọn dẹp vệ sinh để sớm ổn định việc dạy và học. Liệu thời gian nghỉ khá dài vừa qua có ảnh hưởng đến kế hoạch, chương trình dạy và học, nhất là các trường vùng ngập lụt nặng ở các địa phương như Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Nông Sơn… hay không, ông Quốc cho rằng “không ảnh hưởng nhiều”. Theo ông Quốc, kế hoạch năm học của tỉnh hàng năm đều đã tính đến thời gian bão lụt và quỹ thời gian năm học này tương đối rộng rãi. Hiện nay, hiệu trưởng các trường tính toán tổ chức dạy bù vào Chủ nhật hoặc buổi học thứ hai của ngày thứ Năm. Nói chung, ngành đã chủ động các phương án dạy và học trong mùa mưa lụt nên đợt lũ lụt vừa qua có ảnh hưởng song không lớn.Xuân Phú |
Tại Trường Tiểu học Quế Trung (huyện Nông Sơn), nước lũ đổ về đã gây ngập 20 phòng học, với mực nước 1,7m. Do nằm trong vùng trũng thấp, nước dâng cao và lâu nên lượng bùn đất rất dày, có chỗ gần nửa mét. Ngay khi nước lũ vừa rút ngang lưng, ban giám hiệu nhà trường đã huy động toàn bộ cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh tập trung lực lượng dọn vệ sinh trường lớp. Mặc dù gia đình nào cũng chịu ảnh hưởng và thiệt hại do mưa lũ, nhưng suốt 4 ngày qua, các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh vẫn tập trung tại trường để khắc phục thiệt hại sớm nhất có thể. Cùng với cán bộ giáo viên và phụ huynh nhà trường, địa phương cũng đã huy động lực lượng cán bộ chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Kho kỹ thuật K55, lực lượng xung kích hỗ trợ tổng dọn vệ sinh, tập trung vét bùn đất, đồng thời phun hóa chất tiêu độc khử trùng, xử lý vệ sinh môi trường, đảm bảo việc dạy học sớm trở lại bình thường. Ông Trần Hữu Tuấn - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, toàn huyện Nông Sơn có 13/17 trường (với 24 điểm trường) bị ngập từ 1 - 3m. Đến ngày 9.11, ba cấp trường trên địa bàn xã Quế Ninh chưa thể dạy học trở lại, 2 xã Sơn Viên và Quế Lộc đã đưa học sinh đến trường ở cả ba cấp mẫu giáo, tiểu học và THCS. Các trường ở những địa phương còn lại cũng đang tập trung khắc phục hậu quả. “Ngay sau khi nước lũ vừa rút, phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường trên địa bàn tập trung lực lượng, phương tiện tại chỗ khắc phục hậu quả, chủ động đảm bảo việc dạy và học trở lại tại mỗi trường trong thời gian sớm nhất. Với tình hình như hiện tại, phải đến hết ngày 11.11, các trường trên địa bàn huyện mới triển khai việc dạy và học như bình thường” - ông Tuấn cho biết thêm.
Ngay sau khi nước rút, các trường học tại Hội An cũng tiến hành dọn dẹp để học sinh sớm đi học trở lại. Ông Nguyễn Văn Dung - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Hội An cho biết, khi có dự báo bão số 12 và mưa lũ, phòng đã chỉ đạo các trường tuyên truyền cho giáo viên, học sinh phải chủ động, đảm bảo tính mạng, tài sản trong những ngày mưa bão. Các trường chủ động đưa trang thiết bị dạy học đến nơi cao ráo để đề phòng nước lũ. “Nhờ vậy, thiệt hại không nhiều, chỉ có một số bàn ghế bị hư do ngâm lâu trong nước. Học sinh cũng được cho nghỉ học từ ngày 6 - 9.11 để đảm bảo an toàn. Chúng tôi cũng có chỉ đạo, thông báo các trường trên thành phố cho học sinh đi học bù vào 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật này. Riêng giáo viên, học sinh tham gia đón đoàn APEC vẫn sẽ diễn ra như dự kiến” - ông Dung nói.
Cũng theo ông Dung, Hội An có 26 trường bị ngập, trong đó có trường ngập sâu, nhất là các trường ở xã Cẩm Kim, phường Cẩm Nam, Thanh Hà, Minh An. Từ ngày 8.11, khi nước rút, Phòng GD-ĐT Hội An đã kêu gọi các trường, cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng tại địa phương như đoàn thanh niên, công an, quân sự, sinh viên để tổng lực dọn vệ sinh. Chiều 9.11, Phòng GD-ĐT TP.Hội An cũng kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tiến hành phun thuốc khử trùng tại các trường học ở các phường Minh An, Cẩm Phô, Cẩm Nam, Thanh Hà. Riêng xã Cẩm Kim sẽ được Ban Chỉ huy Quân sự TP.Hội An điều động 200 cán bộ chiến sĩ giúp dọn dẹp cũng như phun thuốc khử trùng. “Khi nước bắt đầu rút, trường đã huy động tất cả 26 giáo viên, cán bộ, cùng một số phụ huynh tiến hành dọn dẹp. Trường phải dùng 2 xe bò, 10 xe rùa để chở bùn non đi đổ. Bùn non bám đầy sân trường, có nơi dày 40cm. Cũng may, nhờ anh em bên quân sự thành phố, thành đoàn mà việc dọn dẹp được nhanh hơn, kịp cho các em trở lại lớp” - thầy Trần Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Cẩm Kim cho biết. Cách đó không xa, 30 giáo viên, cán bộ của Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Cẩm Kim) cũng đang tất bật dọn dẹp sau lũ. Thầy Nguyễn Xiêm - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết vì nằm ở vùng thấp, nên trường ngập sâu, tuy nhiên do chủ động ứng phó nên thiệt hại không đáng kể.
HOÀNG LIÊN - TÂM LÊ - XUÂN THỌ