Nhiều điểm mới trong tuyển sinh liên thông
Có hiệu lực từ ngày 5.11 tới đây, Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH (gọi tắt là Thông tư 27) quy định đào đạo liên thông (ĐTLT) giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Quy định này liên quan đến nhiều trường cao đẳng, trung cấp, người học liên thông... nên nhận được khá nhiều sự quan tâm.
Quy định mới siết chặt tuyển sinh liên thông đối với khối ngành sức khỏe. Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam thực tập trên mô hình. Ảnh: C.N |
Cụ thể, thông tư nêu trên quy định về ĐTLT giữa các trình độ theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học, bao gồm: ĐTLT giữa trình độ sơ cấp với trung cấp và giữa trình độ trung cấp với cao đẳng.
Siết chặt tuyển sinh liên thông đối với khối ngành sức khỏe
Thông tư 27 quy định, các trường tổ chức ĐTLT khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đối với những ngành, nghề trường dự kiến đào tạo liên thông ở trình độ tương ứng. Bên cạnh đó, yêu cầu trường đã ban hành chương trình ĐTLT cho những ngành, nghề trường dự kiến ĐTLT theo quy định. Cụ thể là: chương trình ĐTLT được xây dựng theo nguyên tắc kế thừa và tích hợp để giảm tối đa thời gian học lại kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích lũy ở các chương trình đào tạo khác. Chương trình ĐTLT phải phản ảnh đúng mục tiêu, nội dung, thời gian đào tạo; phương pháp dạy, học và đánh giá. Đồng thời chương trình phải bảo đảm cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng mà người học còn thiếu và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới của ngành, nghề tương ứng với trình độ đào tạo. Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào chương trình đào tạo quyết định mô-đun, môn học hoặc nội dung mà người học không phải học lại.
Đối với ĐTLT khối ngành sức khỏe, trường phải bảo đảm thêm điều kiện có ít nhất một khóa học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng hình thức đào tạo chính quy đã tốt nghiệp. Như vậy, Thông tư 27 đã “siết” tuyển sinh liên thông đối với các ngành sức khỏe.
Tăng cường trách nhiệm nhà trường
Thông tư 27 quy định, quyết định tuyển sinh ĐTLT của nhà trường phải nêu rõ tên ngành, nghề, trình độ, phương thức và hình thức ĐTLT đối tượng và hình thức tuyển sinh. Nhà trường có trách nhiệm ban hành quy định về tuyển sinh, ĐTLT. Trong đó, có nội dung quy định về tiêu chí, quy trình công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng đã tích lũy của người học được miễn trừ khi học chương trình ĐTLT. Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định tuyển sinh ĐTLT, các trường cao đẳng và các cơ sở giáo dục đại học báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp); các trường trung cấp báo cáo về Sở LĐ-TB&XH địa phương nơi trường đặt trụ sở chính. Báo cáo bao gồm các nội dung sau: ngành, nghề, trình độ ĐTLT; dự kiến chỉ tiêu đào tạo; đối tượng tuyển sinh; phương thức, hình thức đào tạo và cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo. Quyết định tuyển sinh, chương trình ĐTLT (quyết định ban hành chương trình ĐTLT kèm theo chương trình ĐTLT) và bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công bố công khai thông tin về: các ngành, nghề ĐTLT; chương trình đào tạo; bằng cấp sau tốt nghiệp; quy định về tuyển sinh, đào tạo liên thông; quy chế học sinh sinh viên; kế hoạch đào tạo; các điều kiện bảo đảm chất lượng; học phí; khối lượng kiến thức, kỹ năng được miễn trừ đối với từng người học. Ngoài ra, các trường phải thực hiện các yêu cầu bảo đảm chất lượng đào tạo. Hàng năm, báo cáo tình hình ĐTLT của trường về ngành, nghề tổ chức ĐTLT; kết quả tuyển sinh, tổ chức đào tạo; kết quả tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp trong năm; tình hình khen thưởng, kỷ luật đối với người học; những thuận lợi, khó khăn. Đồng thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động ĐTLT và các vấn đề khác có liên quan theo quy định.
TÙNG CHI