Thư viện "mở"
Thư viện Trường Tiểu học Kim Đồng (TP.Tam Kỳ) có cách đem sách đến với bạn đọc rất sáng tạo, gần gũi và hàng ngày thư viện luôn mở cửa đón bạn đọc là học sinh, giáo viên, thậm chí cả phụ huynh…
Giờ đọc sách ở thư viện của học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (Tam Kỳ). ảnh: C.NỮ |
Mở và mới
Bước vào thư viện Trường Tiểu học Kim Đồng, không gian khá bắt mắt và sinh động với tranh 3D vẽ cây cối, thú rừng; có thảm cỏ và hoa tươi. Bên cạnh những bộ bàn ghế gỗ đủ màu sắc xinh xắn, “bàn” đọc sách còn được biến thể từ những chiếc lốp ô tô. Ngoài kho sách, thì sách không trưng bày trong tủ kính mà để ở giá, vừa tầm tay của học sinh tiểu học. Phòng đọc của giáo viên và học sinh thông nhau. Cô Nguyễn Thị Lài - cán bộ thư viện cho biết, không gian trong phòng đọc luôn đổi mới sau một vài tuần. Từ thay đổi vị trí bàn ghế, tủ sách đến thay đổi vị trí sách ở các giá. Ngoài mua sách từ ngân sách, sách cũng được bổ sung mới với sự ủng hộ của phụ huynh, giáo viên và học sinh. Theo cô Lài, việc thay đổi không gian đọc thường xuyên mất nhiều thời gian nhưng bù lại sẽ góp phần tạo hứng thú cho bạn đọc nhỏ tuổi đến với thư viện.
Thư viện nhà trường luôn tổ chức nhiều hoạt động và là “điểm đến” hấp dẫn nhất đối với học sinh. Mỗi tuần, nhà trường dành 1 tiết đọc sách cho học sinh và giáo viên khối lớp 1, 2, 3. Nhiều giáo viên rảnh tiết cũng đến thư viện đọc sách, tra cứu. Ngoài sách, các phòng đọc đều có máy vi tính nối mạng internet. Thư viện Trường Tiểu học Kim Đồng có gắn camera nên phụ huynh cũng dễ dàng quan sát giờ đọc sách của con em mình và hoạt động của thư viện trường. Dường như, đối với thầy và trò Trường Tiểu học Kim Đồng, đọc sách không chỉ là phong trào, mà đã trở thành thói quen, niềm say mê được nuôi dưỡng qua từng năm học. Trong giờ sinh hoạt lớp hàng tuần, một số em sẽ trình bày nội dung câu chuyện hoặc quyển sách mình đã đọc trong tuần và rút ra bài học mà sách mang lại.
Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2 chia sẻ, từ khi nhà trường tổ chức giờ đọc sách, học sinh trở nên đam mê đọc sách. Ngoài giờ đọc sách, các em đọc thêm vào giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa. Góc thư viện thường xuyên bổ sung sách mới cũng là điều khiến các em thích thú. Còn Võ Thục Nghi - học sinh lớp 3/2 chia sẻ, ở nhà em cũng tủ sách, ba mẹ em thường xuyên cùng con đọc sách nên với em, đọc sách là thói quen và giờ đọc sách ở trường thật thú vị.
Hình thành thói quen đọc
Năm 2016, thư viện Trường Tiểu học Kim Đồng được công nhận thư viện đạt chuẩn xuất sắc. Thư viện hiện có 5.972 bản sách, trong đó, sách tham khảo hơn 4.400 bản; số lượng sách tham khảo đạt 4,5 bản/học sinh. 100% giáo viên và 95% học sinh thường xuyên sử dụng sách báo ở thư viện. Năm học 2016-2017, phụ huynh, học sinh và giáo viên ủng hộ 978 bản sách cho thư viện nhà trường với giá trị hơn 41 triệu đồng. |
Tại thư viện, các em được tự do chọn sách, thậm chí được chọn tư thế đọc. Có em ngồi bệt dưới thảm cỏ, có em ngồi ngay ngắn trên bàn, có em đang đọc sách vội chạy lại 2 chiếc máy vi tính để ở thư viện tra cứu thông tin gì đấy, có em chơi cờ vua. Đang ngồi, có em nằm ngửa, em nằm sấp trên sàn đọc sách. Nhiều em chưa tìm được sách phù hợp, lại nhờ cô giáo chủ nhiệm và cô thủ thư hướng dẫn. Cô giáo chủ nhiệm cùng chọn sách và đọc với học trò. Hết tiết đọc sách, các em lại cất sách gọn gàng vào chỗ cũ và trật tự rời thư viện, nhường phòng đọc cho lớp kế tiếp.
Đến giờ ra chơi, thư viện lại tiếp tục nhộn nhịp khi được đón học sinh khối lớp 4, 5. Cô Nguyễn Thị Hòa - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2 cho biết, ở mỗi lớp đều có góc thư viện và tủ sách ở lớp cũng được bổ sung, luân chuyển thường xuyên nên luôn có sách mới để phục vụ và thu hút học trò. Cô Hòa chia sẻ, với nhiều học sinh, đọc sách trong giờ ra chơi đã thành thói quen. Ngoài truyện tranh, đa số học sinh lớp 4, lớp 5 thích đọc sách giáo dục kỹ năng, giáo dục đạo đức, lịch sử và sách tham khảo. Với học sinh lớp 1, các em chưa đọc được nhiều và chưa biết hết mặt chữ, nên trong giờ đọc sách, các em thường xem tranh, chơi đố vui... Mà như cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Như Anh thì ở lứa tuổi này, quan trọng là hình thành thói quen, xây dựng văn hóa đọc cho các em. Cô giáo sẽ tìm hiểu nhu cầu, sở thích, thói quen để tư vấn cho các em đọc sách phù hợp. “Và quan trọng hơn là để các các em tiếp cận sách với tâm thế thật thoải mái, đọc sách là sự tự nguyện, tự giác như một nhu cầu, chứ hoàn toàn không gò bó, ép buộc, như vậy mới “thẩm thấu” được sách, việc đọc mới đem lại hiệu quả” - lời cô Như Anh.
Trường Tiểu học Kim Đồng có nhiều cách đem sách đến với bạn đọc: giới thiệu sách theo chủ đề, giới thiệu sách trên bảng trước thư viện. Ví như ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 vừa qua, thư viện giới thiệu sách “Xin đừng làm mẹ khóc”; giới thiệu trên website của Phòng GD-ĐT Tam Kỳ và của trường. Trang web của trường cũng đang cải tiến, trong đó có mục “Mỗi ngày mỗi cuốn sách”. Chưa dừng lại ở đó, cô Như Anh còn ý định đưa thư viện đến với phụ huynh vào năm học tới. Theo đó, sẽ xây dựng tủ sách dành cho phụ huynh, có thể là sách tham khảo, sách nuôi dạy con... để tạo thói quen cho phụ huynh đọc sách cùng con và cũng có thể đọc sách trong thời gian chờ đưa đón con, hoặc khi đến trường liên hệ công tác. Trong số gần nghìn cuốn sách mà phụ huynh ủng hộ nhà trường năm học qua, có nhiều bộ sách quý, sách kinh điển. Một phụ huynh tâm sự, giờ đọc sách của nhà trường rất bổ ích, đã tạo thói quen đọc sách cho trẻ em, giúp các em hạn chế được trò chơi điện tử nên sẵn sàng.
CHÂU NỮ