Hiệu quả từ mô hình bán trú
Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đã tiếp thêm nghị lực cho học sinh Nam Trà My trên hành trình tìm kiếm con chữ.
Bữa cơm trưa của học sinh bán trú ở Nam Trà My. Ảnh: Tuấn Tú |
Trước đây, chỉ học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú huyện mới được ăn ở sinh hoạt bán trú tại trường, còn các trường vùng cao khác đều không có mô hình bán trú, gây khó khăn không nhỏ đến việc dạy và học. Như Hồ Thị Thất (học sinh lớp 8/2 Trường PTDTBT-THCS Trà Tập) nhà cách trường cả chục cây số đường núi, nhưng hàng ngày vẫn phải lặn lội đến trường học chữ. Nhiều học sinh do nhà quá xa, phải mất nửa ngày đường mới đến được trường nên bạn nào gia đình đủ điều kiện còn thuê phòng cho trọ học, chứ trường hợp có hoàn cảnh khó khăn có khi phải làm cái lán ở cạnh trường để học. Vì vậy, khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 đã tiếp thêm nghị lực cho học sinh vùng cao nói chung, học sinh Nam Trà My nói riêng, trên hành trình đi tìm con chữ. Hồ Thị Thất tâm sự: “Bây giờ, em cũng như các bạn đã được ở bán trú nên yên tâm trong học tập. Thầy cô giáo trong trường quan tâm chăm sóc; việc ăn ở đảm bảo chất lượng, chúng em được ăn no, ăn ngon và luôn thay đổi món ăn”. Thầy Huỳnh Văn Tịnh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trà Tập cho biết: “Nhà trường rất quan tâm đến chế độ ăn uống của học sinh, chọn các nhà cung cấp thực phẩm có giá cả phù hợp và đảm bảo yêu cầu chất lượng. Từ khi có chế độ của học sinh bán trú, việc vận động và duy trì sĩ số học sinh trong nhà trường rất tốt. Phần lớn bà con ở địa phương nằm trong diện hộ nghèo nên với chính sách này phụ huynh rất yên tâm đưa con đến trường để học tập. Chính sách cũng đã tạo điều kiện rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”.
Ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My chia sẻ, áp dụng theo Nghị định 116, huyện Nam Trà My có tổng cộng 15 trường bán trú, gồm 5 trường tiểu học và 10 trường THCS, với tổng số 3.395 học sinh bán trú. Từ khi có chính sách, việc huy động học sinh ra lớp ở địa phương rất tốt. Đến thời điểm cuối năm học 2016-2017 tỷ lệ duy trì học sinh của ngành giáo dục đối với tiểu học đạt 98% và THCS 94,7%”. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh đã nhận thức được sâu sắc vai trò của sự học và quyết tâm cho con em mình theo học hết cấp.
TUẤN TÚ - NGỌC SÁNG