Hơn 1.840 học sinh không còn hưởng trợ cấp: Tỉnh tiếp tục hỗ trợ đến hết năm 2017
Năm học 2017-2018, học sinh (HS) một số xã miền núi của tỉnh gặp khó khăn trong việc ăn học do chế độ hỗ trợ của Nhà nước bị cắt giảm. Để hỗ trợ bước đầu cho số HS này, tỉnh và các địa phương, ngành đã triển khai nhiều giải pháp.
Học sinh miền núi thuộc các thôn, xã đặc biệt khó khăn trước đây được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và mới nhất là Nghị định 116 (18.7.2016) của Chính phủ, gồm tiền ăn, gạo, được ở bán trú hoặc hỗ trợ tiền ở nếu nhà trường không thể bố trí chỗ ở. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định 582 (28.4.2017) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì một số HS của tỉnh không còn được hưởng chế độ do thuộc thôn, xã đã thoát khỏi danh sách đặc biệt khó khăn. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, số lượng HS của tỉnh thuộc các xã miền núi không còn nằm trong danh sách đặc biệt khó khăn theo Quyết định 582 (tức là không còn hưởng chế độ theo Nghị định 116) là 1.843 trường hợp; trong đó THPT có 699 HS, cấp tiểu học và THCS 1.144 HS.
Để giải quyết khó khăn này, thời gian qua, một số địa phương đã chủ động và linh hoạt đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm chống tình trạng HS vì không có chế độ mà bỏ học. Chẳng hạn như huyện Tây Giang đã trích 800 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ 5 tháng đầu năm học 2017-2018; đồng thời chỉ đạo các xã hỗ trợ HS ăn ở bán trú. Cạnh đó, huyện tập trung tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chủ trương của Nhà nước, vận động phụ huynh tăng cường vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc học tập của con em, tự lo ăn ở. Ngoài hỗ trợ kinh phí, một số địa phương còn đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Nhờ đó, đến nay, HS các huyện miền núi vẫn tiếp tục được ăn ở bán trú, có điều kiện thuận lợi cho việc học tập.
Vừa qua, sau khi khảo sát tình hình thực hiện chế độ chính sách đối với HS theo Nghị định 116 tại huyện Tây Giang, nắm bắt thực trạng khó khăn của số HS không còn được hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã chỉ đạo địa phương có biện pháp huy động từ nhiều nguồn để có thể hỗ trợ HS hết học kỳ 1 năm học 2017-2018 (huyện Tây Giang có 636 HS bán trú các cấp không còn được hưởng chế độ như trước đây). Đồng thời giao cho Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành liên quan tổng hợp, đề xuất các cấp điều chỉnh chế độ chính sách cho HS dân tộc thiểu số cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, do điều kiện của nhiều gia đình vẫn còn rất khó khăn, nếu HS không tiếp tục được hưởng chế độ hỗ trợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em. Bởi vậy, Sở GD-ĐT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương hỗ trợ chế độ cho HS các xã không còn đặc biệt khó khăn theo Quyết định 582 để các em có điều kiện ăn học. Trong đó, đề xuất tỉnh hỗ trợ cho HS khối THPT, còn HS các cấp học do huyện quản lý thì tỉnh và địa phương cùng hỗ trợ. Thời gian thực hiện dự tính đến hết năm 2017, song về lâu dài, gia đình HS phải tự lo cùng với chính sách hỗ trợ thêm của các địa phương.
XUÂN PHÚ