Mất an toàn giao thông học đường

CÔNG TÚ 12/09/2017 14:32

Tình trạng học sinh, sinh viên (HSSV) vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đang diễn ra ở mức báo động.

Một tiết học an toàn giao thông tại khu thực hành của Trường Mầm non Đại Hồng (Đại Lộc). Ảnh: C.T
Một tiết học an toàn giao thông tại khu thực hành của Trường Mầm non Đại Hồng (Đại Lộc). Ảnh: C.T

Nhiều hạn chế

Theo thống kê, hơn 90% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do người điều khiển phương tiện gây ra. Vì vậy, việc trang bị kiến thức pháp luật liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là giới trẻ rất quan trọng. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động “HSSV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông”. Thực hiện Chương trình số 21-CTr/TU ngày 17.01.2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4.9.2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Sở GD-ĐT đã ban hành các văn bản quán triệt, hướng dẫn các phòng GD-ĐT, đơn vị trường học đưa nội dung giáo dục pháp luật về ATGT vào học đường. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Trương Khuê cho biết thêm, các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề liên quan được tổ chức; giáo dục ATGT cũng được tăng cường vào chương trình chính khóa, ngoại khóa. Ban ATGT tỉnh còn hỗ trợ kinh phí xây dựng khu giáo dục trực quan ATGT tại một số trường và mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo trật tự ATGT nơi học đường đang đối mặt nhiều lực cản. Trước hết, một bộ phận phụ huynh chưa gương mẫu chấp hành quy định trở thành tấm gương xấu cho con em như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… Lãnh đạo Sở GD-ĐT thừa nhận thực tế, học sinh không chấp hành tín hiệu đèn giao thông diễn ra khá phổ biến; tình trạng điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm xuất hiện khắp nơi nhưng số lượng bị xử lý rất khiêm tốn. Chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về hậu quả của tai nạn giao thông và chưa thật sự tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, HSSV sử dụng xe máy phân khối lớn trái quy định xuất hiện nhiều. Còn theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Văn Chính, nhiều phụ huynh vẫn chưa quan tâm đúng mực đến việc sâu sát, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm luật giao thông. Thiếu dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt tiếp cận vùng xa, không ít trường hợp cha mẹ giao phó xe máy cho con em tự xử lý. Ngoài ra, tài liệu, thiết bị dạy học về ATGT thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay. Một số nơi chưa phát huy tốt chức năng khu giáo dục trực quan ATGT, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Cần vào cuộc đồng bộ

“Giáo dục ATGT cho HSSV là việc làm cấp thiết, thực tế và hoàn toàn có thể thực hiện được. Từ đó, hình thành nơi các em những hiểu biết, có ý thức chấp hành về Luật Giao thông. Các em cũng cần biết nguy hiểm mà phòng tránh và có kỹ năng thực hiện hành động an toàn trong các tình huống khi tham gia giao thông, nhất là biết lựa chọn phương tiện phù hợp để đảm bảo an toàn cho mình và bạn đồng hành”.
(Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Văn Chính)

Để “phổ cập” và dần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trong HSSV, nhiều người cho rằng cần nêu cao trách nhiệm, sự vào cuộc đồng bộ của gia đình, nhà trường và xã hội. Đối với nhà trường, cơ sở giáo dục này phải tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, lồng ghép tuyên truyền tại các buổi ngoại khóa, chính khóa và coi đây là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh. Đồng thời phải phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cần xóa bỏ ngay tư tưởng khi cho rằng việc xử lý HSSV vi phạm là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông, rồi tỏ ra bàng quan. Vì vậy, thời gian tới, các cấp, các đơn vị liên quan phải rà soát, kiểm tra các bãi giữ xe xung quanh khu vực trường học. Qua đó, người có trách nhiệm yêu cầu họ ký cam kết không giữ xe cho học sinh. Việc đánh giá lại hiệu quả thực hiện cam kết giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường cần thiết phải tiến hành. Lực lượng thực thi công vụ xử lý nghiêm học sinh vi phạm, sau đó gửi thông báo về nhà trường, gia đình để giáo dục, xử phạt. Những lỗi đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm; vượt đèn vàng, đèn đỏ; sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe cũng phải kiên quyết xử lý.

Để đạt hiệu quả cao hơn, các hoạt động giáo dục trật tự ATGT cần triển khai trong không khí thoải mái, dễ tiếp thu; thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa càng tốt. Qua đây, hình thành thói quen cho HSSV chấp hành luật pháp và kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Làm sao đó để các em biết lựa chọn con đường đi phù hợp, phòng ngừa tình huống nguy hiểm tại vị trí “điểm đen”, có như thế mới tạo tiền đề cho việc phát triển ý thức chấp hành về sau, làm nền tảng cho thái độ tham gia giao thông một cách văn minh. “Về phía Sở GD-ĐT, chúng tôi chỉ đạo các trường học ngay từ đầu năm học triển khai họp với phụ huynh để tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không giao xe máy cho học sinh và cam kết đội mũ bảo hiểm cho các em khi ngồi trên xe máy tham gia giao thông. Quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật với trường hợp HSSV vi phạm trật tự ATGT, trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Cạnh đó, lấy thái độ, hành vi chấp hành pháp luật ATGT của các em làm tiêu chí đánh giá, rèn luyện, xếp loại hạnh kiểm trong mỗi học kỳ và năm học” - ông Lê Văn Chính cho biết thêm về trách nhiệm của ngành GD-ĐT.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ