Nơi niềm tin lấp lánh…

ALĂNG NGƯỚC 08/09/2017 09:56

Thầy giáo Trần Minh Hiệu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (TP.Hội An) cho rằng sau 32 năm, ngôi trường đã đạt được những thành quả quan trọng, đồng thời chuẩn bị triển khai đề án phát triển toàn diện, đáp ứng với nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ cho các huyện miền núi.

Niềm vui của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Niềm vui của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

1. Trở lại thăm trường cũ, thầy Hiệu thông tin: “Kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, với tỷ lệ 99,3%, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh thuộc tốp số ít trường THPT có kết quả tốt nghiệp cao nhất tỉnh, và đạt 91,2% tỷ lệ học sinh đỗ nguyện vọng 1 vào các trường đại học trên toàn quốc”. Như để minh chứng điều vừa nói, thầy Hiệu đưa ra danh sách 134 HS của trường vừa đỗ đại học. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt của người thầy hiệu trưởng có hơn 30 năm gắn bó với ngôi trường này. Gọi đó là kỳ tích, nghĩ cũng không có gì sai. Bởi lần đầu tiên, kết quả thi đỗ đại học cao nhất từ trước đến nay được hiện thực, với học trò đồng bào miền núi.

Học sinh lớp 10 nhập trường chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Học sinh lớp 10 nhập trường chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh được thành lập vào năm 1985, mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh, với quy mô ổn định hàng năm 450 học sinh. Năm 2012, trường trở thành đơn vị giáo dục đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh ở bậc THPT, và đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 vào năm 2015. Hiện nay toàn trường có 62 cán bộ, viên chức, trong đó có 100% giáo viên đạt chuẩn, gần 30% đã và đang học cao học. Đảng bộ nhà trường có 3 chi bộ trực thuộc với tổng số 30 đảng viên.
Năm học 2016-2017, toàn trường có 46,3% số học sinh đạt học lực khá giỏi. Hàng năm, luôn có nhiều học sinh đoạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi, thi Olimpic cấp tỉnh; tài năng tiếng Anh; thuyết trình văn học và thi vận dụng kiến thức liên môn cấp quốc gia.

Gần 5 năm trước, tôi cũng đã từng ngạc nhiên khi hay tin có gần nguyên một lớp học sinh của trường “dắt” nhau bước chân vào giảng đường đại học với số điểm rất cao. Lúc đó, số lượng không nhiều như bây giờ, chỉ khoảng vài chục, nhưng rất sáng giá. Như Ating Toàn (dân tộc Cơ Tu), một lúc đậu cả hai trường đại học vào năm 2012. Năm ngoái, Toàn tốt nghiệp loại giỏi ngành sư phạm Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Huế, trở về mảnh đất quê hương miền núi lập nghiệp, phục vụ đồng bào. Rồi xa hơn nữa, khoảng chục năm trở về trước, cậu học trò Cơ Tu - Alăng Thớ cũng trở thành niềm tự hào cho thầy cô, bạn bè tại ngôi trường “đặc biệt” này, khi hiện thực hóa ước mơ vào giảng đường đại học. Sau bốn năm, Alăng Thớ tốt nghiệp đại học, được trường giữ lại giảng dạy, rồi thành công bằng chính nghị lực và sự học hỏi không ngừng. Năm 2013, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cao học tại Đài Loan, Alăng Thớ trúng tuyển học bổng tiến sĩ của Chính phủ Úc và hiện nghiên cứu sinh tại Trường Kinh doanh RMIT (thuộc Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne, Úc). Hay như Vũ Thế Hùng (dân tộc Bh’noong), năm 2003 được tuyển du học đại học và tiếp tục học cao học tại Nhật Bản… Những tấm gương như thế trở thành những bông hoa lấp lánh niềm tin cho lớp học trò miền núi sau này. Điểm lại để thấy rằng, trong hơn 30 năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh luôn hoàn thành sứ mệnh, với thành quả chung đáng tự hào là các lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhận Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Ước mong “phát triển toàn diện”
Từ nhu cầu đổi mới phát triển chất lượng đào tạo toàn diện, tháng 9.2014, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tham mưu xây dựng “Đề án phát triển toàn diện Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh” theo tinh thần Thông báo số 497, ngày 10.9.2014 của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, dù đã qua nhiều cuộc hội thảo, thẩm định, đề án này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Và mới đây, tại Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 28.8.2017 của UBND tỉnh về một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018, tiếp tục khẳng định “Đề án phát triển toàn diện Trường Phổ thông DTNT tỉnh” là cần thiết. Cán bộ, giáo viên nhà trường hy vọng câu chuyện “phát triển toàn diện nhà trường” sẽ được hiện thực hóa trong thời gian không xa.

2. Buổi sáng trước ngày khai giảng năm học 2017-2018, thầy giáo trẻ Zơrâm Duy “chỉ huy” một đội tình nguyện của trường cùng hướng dẫn, giúp đỡ những học sinh khối lớp 10 vừa mới xuống trường nhập học. Zơrâm Duy là người con đồng bào Cơ Tu, cũng là cựu học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, sau khi tốt nghiệp đại học đã tình nguyện về đây dạy. Duy trở thành tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho chính học trò miền núi, từ khắp bản làng. Zơrâm Duy nói, lợi thế của mình là có nhiều năm được rèn luyện tại ngôi trường nội trú này, rồi lại được trở về giảng dạy ở chính ngôi trường mà mình từng học tập, nên rất am hiểu tâm lý học trò. Trước Duy, từng có một số cán bộ giáo viên người dân tộc thiểu số được nhận công tác tại trường, như cô Choáng Thị Hiền Sen - nguyên Bí thư Chi bộ nhà trường (nay là đảng bộ); cố thầy giáo Aviết Ngai - nguyên Phó Hiệu trưởng; cô giáo Lê Thị Kiều Oanh - giáo viên bộ môn Hóa học… được đánh giá cao cả về năng lực chuyên môn lẫn nhân cách sống. Trong số họ, có người cũng là cựu học sinh của trường.

Cuối trưa, thầy Hiệu trưởng Trần Minh Hiệu đưa tôi đến gặp gỡ một vài học sinh lớp 10 vừa mới nhập trường. Những khuôn mặt rạng rỡ, mang vẻ đẹp núi rừng. “Toàn bộ học sinh vào lớp 10 năm nay đều phải trải qua kỳ thi tuyển sinh lần đầu tiên được tổ chức. Chất lượng đầu vào khá tốt” - thầy Hiệu nói. Có 167 học sinh thi đỗ vào lớp 10, đa số là con em đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng, Bh’noong, Xê Đăng. “Từ tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển, sẽ mở ra triển vọng tốt về nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng mục tiêu đề án phát triển toàn diện nhà trường trong tương lai” - thầy Hiệu cho biết thêm.

Tôi rảo bước trên khuôn viên trường cũ, mà lòng khắc khoải. Dáng trường vẫn thế. Vẫn những phòng học xưa cũ, nhưng sạch sẽ, khang trang, đã đón biết bao lớp học trò vùng cao trở về, rồi ra đi, trở thành những cán bộ chủ chốt tại các địa phương, từ Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, đến Phước Sơn, Hiệp Đức… Ký ức một thời học sinh ùa về.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC