Năm học 2017-2018: Hướng đến mục tiêu đổi mới
Sáng nay 5.9, hơn 800 trường học với tổng số gần 338.000 học sinh (HS) các cấp trên toàn tỉnh bước vào khai giảng năm học mới 2017-2018. Đây là năm học mà toàn ngành giáo dục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đổi mới “căn bản, toàn diện”, chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018-2019.
Các trường trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để học sinh bước vào năm học mới. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đổi mới tuyển sinh
Tiếp tục triển khai thực hiện theo tinh thần đổi mới “căn bản, toàn diện”, chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018, ngành GD-ĐT có 2 thay đổi đáng chú ý trong công tác tuyển sinh vào lớp 10. Thứ nhất, tuyển sinh vào Trường Phổ thông DTNT tỉnh, thay vì xét tuyển như lâu nay, vừa qua Sở GD-ĐT tổ chức thi tuyển cạnh tranh. Cụ thể, không còn xét tuyển dựa trên kết quả học tập, rèn luyện 4 năm học THCS và giao chỉ tiêu cho từng huyện, học sinh (HS) 9 huyện miền núi sẽ tham gia thi tuyển cạnh tranh một cách công bằng (dự thi 2 môn Văn và Toán), lấy điểm từ cao xuống thấp, không phân biệt địa bàn tuyển sinh. Kết quả, đã có 167 HS trúng tuyển trong tổng số 380 thí sinh dự thi. Theo đánh giá của Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT tỉnh Trần Minh Hiệu, tuyển sinh theo phương án mới tạo điều kiện cho nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đầu vào cũng như chất lượng tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lần đầu tiên tổ chức nên còn một số bất cập, vì vậy theo Sở GD-ĐT, năm học tới sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để công tác tuyển sinh có hiệu quả hơn, vừa nâng cao chất lượng, vừa đảo bảo yếu tố tạo nguồn đào tạo cán bộ cho vùng núi.
Thay đổi đáng chú ý thứ hai, đó là hạ thấp chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 ở các huyện miền núi từ 100% xuống còn 90% trong số HS đã tốt nghiệp THCS nộp hồ sơ dự tuyển. Phương án này trước đây đã áp dụng ở khu vực đồng bằng, và thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều, song có một thực tế là các trường THPT rất ủng hộ nhờ “chất lượng tuyển sinh đầu vào cao, giúp trường có điều kiện nâng cao chất lượng, giảm bỏ học giữa chừng”. Có một chi tiết rất đáng chú ý là tình trạng bỏ học ở bậc THPT khá cao, năm học qua cả tỉnh có hơn 1.400 HS. Theo phân tích của Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, ngân sách tỉnh đầu tư cho 1 HS là 4 triệu đồng/năm thì với hơn 1.400 HS bỏ học rõ ràng ngân sách đầu tư cho giáo dục đang bị lãng phí rất lớn. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh phân luồng ngay sau khi HS học xong THCS để tránh tình trạng bỏ học, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Theo Sở GD-ĐT, năm học 2018-2019 sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 với chỉ tiêu phù hợp nhằm nâng dần tỷ lệ phân luồng theo chủ trương của Trung ương và tỉnh. Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, sở yêu cầu các đơn vị trường học trong năm học này cần tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, nâng cao nhận thức trong HS và phụ huynh.
Học sinh Trường THPT Hồ Nghinh (Duy Xuyên) khai giảng năm học mới. Ảnh: VĂN SỰ |
Chuẩn bị chương trình giáo dục mới
Kết quả đạt được trong năm học vừa qua đã tạo động lực và niềm lạc quan cho ngành GD-ĐT bước vào năm học mới 2017-2018 với khí thế mới. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ vừa qua, ngành GD-ĐT đã thể hiện quyết tâm trong việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với những nhiệm vụ cụ thể, sát thực tế. Trong đó, những công việc hàng đầu của năm học này là rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, chủ động cho các cơ sở giáo dục, trước hết là xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục. Cạnh đó, những công việc còn “nợ” của năm học trước như đề án “Phát triển giáo dục miền núi giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” và đề án “Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục Trường Phổ thông DTNT tỉnh đáp ứng yêu cầu tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới” cũng sẽ tiếp tục hoàn chỉnh để sớm tham mưu cho tỉnh xem xét ban hành nhằm tạo động lực cho ngành phát triển. Tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc THPT thời gian qua khá chậm. Do đó, đẩy nhanh tiến độ được ngành xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với các trường THPT Phạm Phú Thứ (Điện Bàn), THPT Lê Quý Đôn, Phan Bội Châu (Tam Kỳ), THPT Cao Bá Quát (Núi Thành), Phổ thông DTNT Nước Oa (Bắc Trà My), THPT Trần Quý Cáp (Hội An). Cũng trong năm học 2017-2018 phấn đấu hoàn thành xây dựng Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang) để có thể bắt đầu hoạt động từ năm học 2018-2019.
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, năm học 2018-2019 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm của năm nay là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chương trình giáo dục phổ thông mới “chạy” tốt ngay từ khi triển khai. Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, để có thể thực hiện hiệu quả, yêu cầu đặt ra với toàn ngành là phải chuẩn bị đội ngũ đủ về số lượng và có chất lượng. Hiện sở đã có kế hoạch mở 2 lớp dành cho cán bộ quản lý và giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời rà soát đánh giá thực trạng để sớm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình sách giáo khoa mới.
XUÂN PHÚ