Kỷ niệm 20 năm thành lập Trường THPT Khâm Đức: Nơi nuôi dưỡng những ước mơ
Ra đời nhằm giải quyết nhu cầu được học cấp 3 của học sinh miền núi, Trường THPT Khâm Đức (Phước Sơn) đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, tạo được môi trường học tập tốt và là nơi để con em địa phương nuôi dưỡng những ước mơ trên con đường học vấn.
Với những nỗ lực của đội ngũ thầy cô giáo, chất lượng dạy và học của Trường THPT Khâm Đức không ngừng nâng cao. Ảnh: N.D |
Giành giật học sinh với... bãi vàng
Trong ký ức của những thầy cô giáo đã từng gắn bó với Trường THPT Khâm Đức từ những ngày đầu thành lập, sự học của con em địa phương quá đỗi gập ghềnh. “Lúc đó người đổ về đây làm vàng đông nghịt, nhiều học sinh bị cuốn vào vòng xoáy ấy. Nói đến chuyện đi học nhiều khi là thứ xa xỉ lắm” - thầy giáo Lê Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Khâm Đức hồi tưởng. Phần vì cuộc sống khó khăn nên học sinh nơi đây phải sớm lao vào cuộc mưu sinh, phần vì lúc đó tại Phước Sơn chỉ đào tạo cấp 1, 2, nếu muốn học lên lớp 10 thì phải khăn gói xuống tận Hội An. “Mà chỉ những nhà có điều kiện mới cho con theo học tiếp được thôi. Học sinh học hết cấp 2 hầu hết là đi cõng chuyến cho bãi vàng, khỏe hơn thì vào bến bãi tìm giấc mơ đổi đời, cứ thế đi hết!” - thầy Tâm nói.
Trước tình hình thực tế đó, ngày 3.9.1997, Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Khâm Đức được thành lập, đến ngày 26.4.2002 trường được đổi tên thành Trường THPT Khâm Đức. Tiền thân của trường là sự hợp nhất hai cơ sở giáo dục: Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện và Trường THCS Lý Tự Trọng. Sự ra đời của ngôi trường bấy giờ như một cơ hội mở ra cho nhiều học sinh vẫn còn ấp ủ giấc mơ đến trường. Đó cũng là chuỗi ngày dài các thầy cô giáo nơi đây tỏa đi khắp bản làng, thậm chí còn vào tận bãi vàng để tìm học sinh về tiếp tục việc học. “Khi chưa có trường, nhiều em do không đủ điều kiện xuống Hội An nên đã vào bãi vàng hay vào rừng làm gỗ để mưu sinh. Chúng tôi phải tìm về tận nhà, vào tận bãi để thông báo cho các em được biết. Mà lúc đó, đường đã có đâu, toàn phải cắt rừng mà đi, có lúc mất 3 ngày mới về tới nhà” - thầy Tâm kể.
Nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi đó, dần dần trường đã kéo được học sinh về theo học ngày một đông. Từ ngày mới thành lập, trường chỉ có 10 lớp, gồm 8 lớp cấp THCS và 2 lớp THPT với 65 học sinh, đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên chỉ có 25 người, có những bộ môn không có giáo viên (một giáo viên phải nghiên cứu dạy 2 - 3 môn). Cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, thậm chí trường phải mượn đến cả 2 cơ sở là Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện và Trường Tiểu học Lê Văn Tám để làm nơi sinh hoạt, giảng dạy. “Bởi thế, nhìn lại chặng đường đã qua và những gì đã đạt được hôm nay mới thấy được sự nỗ lực của cả thầy và trò và thêm trân quý những thành quả đã đạt được” - thầy giáo Hồ Hữu Trang, Hiệu phó Trường THPT Khâm Đức chia sẻ.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Những năm qua, Trường THPT Khâm Đức đạt danh hiệu tập thể tiên tiến xuất sắc nhiều năm liền (từ 2003 đến năm học 2015 - 2016), 4 Bằng khen của UBND tỉnh, 3 Bằng khen của Bộ GD-ĐT. Năm học 2013 - 2014 vinh dự nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Năm học 2014 – 2015 nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. |
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trường THPT Khâm Đức đã có 20 lớp THPT với hơn 755 học sinh với 65 cán bộ giáo viên tham gia giảng dạy. Cơ sở vật chất cũng đã được đầu tư xây dựng tương đối đảm bảo cho việc dạy và học. Chất lượng đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên không ngừng được nâng cao. “Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi hiện nay là chất lượng học sinh lớp 10 đầu vào rất thấp. Có đến 65% học sinh là người dân tộc thiểu số nên việc học của các em còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngoài giờ lên lớp, chúng tôi phải tổ chức phụ đạo, học kèm ngoài giờ để từng bước bổ sung kiến thức nền, đảm bảo các em theo kịp với bạn bè” - thầy giáo Lê Đình Chuẩn, Tổ trưởng bộ môn Toán của nhà trường cho biết.
Chính sự tận tâm, nỗ lực của các thầy cô giáo trong trường đã tạo một môi trường dạy và học đầy hứng khởi. Em Hoàng Thị Thành (học sinh lớp 12/1, Trường THPT Khâm Đức) chia sẻ: “Đối với em, các thầy cô trong trường giống như cha mẹ, bởi ngoài truyền đạt kiến thức, các thầy cô còn tận tình chỉ bảo giúp em có thêm tự tin và động lực. “Phải sống thế nào, ứng xử ra sao cho phù hợp với lứa tuổi của tụi em đều được thầy cô chia sẻ rất thân tình. Những tiết học ngoại khóa được lồng ghép vào chương trình giảng dạy làm chúng em thấy nhẹ nhàng, dễ gần gũi hơn nên tiếp thu bài cũng tốt hơn” - em Thành cho hay. Chính vì có được môi trường học tập tốt, những năm qua, nhà trường đạt được nhiều thành tích đáng kể.
Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn ổn định ở mức hơn 90%, tỷ lệ vào đại học - cao đẳng ở mức hơn 45%. Trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, trường luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu khu vực trung du, miền núi. Đặc biệt, trong năm học 2016 - 2017, trường có 1 học sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia, dự thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh đạt 16 giải cá nhân, 4 giải đồng đội (trong đó có 1 giải nhất môn Toán cấp tỉnh). Tại kỳ thi Olympic 24/3 cấp tỉnh, nhà trường cử đoàn học sinh lớp 10, 11 gồm 41 em tham gia, kết quả đạt 27 huy chương (gồm 6 huy chương vàng, 10 huy chương bạc, 11 huy chương đồng) và 4 giải nhất đồng đội... Ông Hồ Quang Hường - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói: “Những thành tích đã đạt được hôm nay như một phần thưởng xứng đáng, khích lệ cho những cố gắng của thầy và trò nhà trường. Với truyền thống đó, hy vọng thời gian tới trường sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả, vững bước hơn nữa trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho huyện Phước Sơn. Chính quyền địa phương sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện về vật chất, tinh thần để nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học”.
NGUYỄN DƯƠNG