Ngôi trường mơ ước

NGUYỄN SỰ 01/09/2017 13:37

Ngày 4.9 tới, Trường THPT Hồ Nghinh sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học đầu tiên 2017 - 2018. Ngôi trường này hình thành đã thỏa ước mong của nhiều thế hệ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là phụ huynh và học sinh ở những xã thuộc vùng đông huyện Duy Xuyên.

Những học sinh khóa đầu tiên hớn hở trước thềm năm học mới. Ảnh: VĂN SỰ
Những học sinh khóa đầu tiên hớn hở trước thềm năm học mới. Ảnh: VĂN SỰ

Thỏa ước mong

Nhiều năm qua, học sinh vùng đông của huyện Duy Xuyên phải vượt quãng đường xa để theo học cấp THPT, bởi khu vực này chưa có trường cấp 3. Năm nay, Trường THPT Hồ Nghinh hoàn thành và khai giảng khóa đầu tiên tạo thuận lợi cho các em bước vào năm học mới. Em Trịnh Thị Thanh Luận (thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) chia sẻ: “Gia đình em có cả thảy 4 anh chị em, em là con út. Những năm trước, khi chưa có ngôi trường này, các anh chị của em phải khăn gói lên thị trấn Nam Phước thuê phòng trọ ở để theo học tại Trường THPT Sào Nam, bởi quãng đường từ nhà đến trường quá xa, không thể đi về mỗi ngày. Năm nay em vào lớp 10, với ngôi trường mới này em không còn cảnh xa nhà trọ học như các anh chị”.

Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, hàng chục năm nay bao thế hệ học trò ở các xã vùng đông của huyện gồm Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Thành và một phần xã Duy Phước phải vượt quãng đường xa để theo học cấp 3 tại một số trường như THPT Sào Nam, Nguyễn Hiền thuộc huyện Duy Xuyên hoặc THPT Trần Quý Cáp, Nguyễn Trãi của TP.Hội An. Theo ông Cường, trước đây khi hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, nhiều học sinh không thể đạp xe hơn 20 cây số đến trường hàng ngày nên buộc các bậc phụ huynh phải thuê những phòng trọ gần trường cho con em mình ở. Trọ học xa nhà, không chỉ các em học sinh vất vả mà cả bậc làm cha làm mẹ cũng hết sức lo lắng. Từ thực tế trên, việc hình thành ngôi trường cấp 3 tại vùng đông huyện Duy Xuyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập của học sinh ở những xã vừa nêu là ước mơ của lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh, chính quyền địa phương và hàng nghìn người dân trong vùng hơn 40 năm qua.

Nhờ sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, ngày 8.10.2015, UBND tỉnh chính thức ban hành Quyết định số 3671/QĐ-UBND về việc thành lập Trường THPT Hồ Nghinh. Theo ông Lê Trung Cường, ngôi trường này có tổng kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và một phần vốn đối ứng của huyện Duy Xuyên, được xây dựng trên khu đất rộng gần 4ha thuộc địa bàn thôn Thi Thại của xã Duy Thành. Sau hơn 8 tháng thi công, đến nay giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành gồm các hạng mục chính như khu nhà hiệu bộ, 2 dãy phòng học có quy mô 2 tầng (không kể tầng thoát lũ), tường rào cổng ngõ với tổng giá trị xây lắp khoảng 30 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhà thầu sẽ tập trung thi công giai đoạn 2 gồm những hạng mục như khu thí nghiệm thực hành, nhà thi đấu đa năng, sân vận động, đường nội bộ, sân vườn…

Phấn đấu khẳng định “thương hiệu”

“Mọi sự khởi đầu bao giờ cũng gian khó nhưng tôi tin tưởng rằng, với tinh thần quyết tâm cao, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường sẽ đưa Trường THPT Hồ Nghinh trở thành một ngôi trường có “thương hiệu”, tiêu biểu của ngành giáo dục tỉnh nhà”.
(Thầy giáo Nguyễn Hữu Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Nghinh)

Sau khi cơ sở hạ tầng của giai đoạn 1 được xây dựng hoàn thiện, các đơn vị liên quan nhanh chóng mua sắm những trang thiết bị cần thiết và đặc biệt là kịp thời bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp để đảm bảo phục vụ việc dạy - học ngay từ đầu năm học mới 2017 - 2018 này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc điều động thầy giáo Nguyễn Hữu Hưng - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học trực thuộc Sở GD-ĐT về làm Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Nghinh, ngành giáo dục tỉnh cũng đã điều chuyển 20 giáo viên đang công tác tại các Trường THPT Sào Nam, Nguyễn Hiền, Lê Hồng Phong (huyện Duy Xuyên) và THPT Phạm Phú Thứ (thị xã Điện Bàn) về giảng dạy ở ngôi trường mới này. Thầy giáo Nguyễn Hữu Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Nghinh nói: “Trong đội ngũ giáo viên được điều chuyển về đây nhận nhiệm vụ, phần lớn là giáo viên dạy giỏi nhiều năm của các trường vừa nêu và tất cả đều tâm huyết với nghề”. Thầy Hưng cho biết thêm, theo phân tuyến, khóa đầu tiên này nhà trường đã tuyển sinh 10 lớp 10 với tổng cộng 379 học sinh, chủ yếu ở các xã thuộc vùng đông của huyện Duy Xuyên gồm Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Thành và một phần xã Duy Phước. Ngoài ra, khoảng 20 em học sinh ở xã Bình Giang (huyện Thăng Bình) - địa phương lân cận trường cũng có nguyện vọng xin vào học, việc này đã được lãnh đạo Sở GD-ĐT cho phép và Trường THPT Hồ Nghinh sẵn sàng đón nhận.

Cũng theo lời thầy giáo Nguyễn Hữu Hưng, khoảng 2 năm nữa, tức là vào năm học 2019 - 2020 Trường THPT Hồ Nghinh sẽ có đủ 3 khối lớp gồm 10, 11, 12 với hơn 1 nghìn học sinh. Để đảm bảo việc giảng dạy, thời gian tới Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục điều chuyển, tuyển dụng giáo viên cho trường theo phương thức điều hòa chất lượng và dự kiến năm học 2019 - 2020 đội ngũ giáo viên của nhà trường sẽ hơn 60 người. Thầy Hưng chia sẻ: “Trong những năm đến, nhà trường sẽ tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía để đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị cần thiết nhằm phục vụ tốt việc dạy và học. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường sẽ không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi kiến thức, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng sự kỳ vọng và lòng tin yêu của lãnh đạo các cấp, nhất là nhân dân vùng đông huyện Duy Xuyên cũng như các địa phương lân cận”.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ