Tình trạng thiếu giáo viên trước năm học mới: Vẫn nỗi lo cũ
Một câu chuyện đã cũ nhưng trong năm học mới 2017 - 2018 này một số địa phương trong tỉnh lại phải xoay xở để giải quyết: thiếu giáo viên (GV). Vì sao có tình trạng này và giải pháp ra sao?
Nhu cầu về giáo viên bậc học mầm non tăng cao do số lượng học sinh những năm gần đây gia tăng mạnh.Ảnh: XUÂN PHÚ |
THIẾU GIÁO VIÊN TIỂU HỌC, MẦM NON
Nhu cầu trường lớp gia tăng, trong khi đợt thi tuyển vừa qua nhiều địa phương không tuyển dụng đủ số lượng GV nên phải chọn biện pháp “chữa cháy” để đảm bảo đội ngũ giảng dạy trong năm học mới.
Nhu cầu tăng
Trước thềm năm học mới 2017 - 2018, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp đã có sự chuẩn bị chu đáo thì ngành GD-ĐT thị xã Điện Bàn lại có phần lo lắng trước việc làm cách nào để có GV đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Theo ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT Điện Bàn, với tổng cộng 70 trường công lập từ mầm non, tiểu học đến THCS, năm học mới này, toàn thị xã sẽ thiếu 230 GV, trong đó chủ yếu là ở bậc mầm non với 136 GV và tiểu học 87 GV. Nguyên nhân, theo ông Ngọc, kế hoạch tuyển dụng GV năm 2016 của địa phương là 252 người. Tuy nhiên, qua kỳ thi tuyển viên chức giáo dục do tỉnh tổ chức hồi đầu năm 2017, kết quả chỉ có 66 người trúng tuyển. Hơn nữa, trong thời gian qua, số lượng học sinh (HS) mầm non và tiểu học tăng khá nhanh, nhất là ở vùng đông, nơi có Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Từ đó dẫn đến nhu cầu phát triển trường, lớp, kéo theo đội ngũ GV khá lớn. “Nhờ mạng lưới trường tư thục trên địa bàn phát triển khá mạnh, đến nay đã có 21 trường mầm non tư thục và hàng chục nhóm trẻ, lớp tư thục đã góp phần không chỉ nuôi dạy trẻ mà còn giải quyết bài toán GV. Dù vậy, hiện nay thị xã đang thiếu 230 GV so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2017” - ông Ngọc nói.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết, trong những năm qua, quy mô trường, lớp bậc học mầm non cả tỉnh phát triển khá mạnh do số lượng học sinh tăng khá lớn (năm học 2016 - 2017 tăng hơn 6.000 học sinh, còn năm học 2017 - 2018 tăng hơn 2.000 học sinh). Cùng với đó là số trường, lớp tổ chức dạy bán trú cũng tăng nhanh với 250/267 trường mở bán trú, tăng 32 trường; tỷ lệ trẻ mầm non học bán trú 88,8%, tăng 3% so với trước đó. Điều đó làm cho nhu cầu GV ở bậc học mầm non hiện nay là rất lớn vì từ chỉ 1 GV/lớp khi dạy buổi/ngày chuyển sang bán trú phải hơn 2 GV/lớp. |
Trong khi đó, huyện Núi Thành cũng là địa phương đang đối mặt với tình trạng thiếu GV khá lớn. Hiện tại, địa phương chờ tỉnh tổ chức thi tuyển để tuyển dụng tổng cộng 213 GV cho bậc học mầm non (94), tiểu học (107) và THCS (12). Không chỉ vậy, huyện đã có tờ trình xin tỉnh cho thêm 100 biên chế GV trong năm 2018 để bổ sung đội ngũ, đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Lý giải nguyên nhân thiếu GV hiện nay, ông Trần Công Hiệu - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Núi Thành cho biết trong thời gian qua, số lượng GV nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ hưu trước tuổi khá nhiều nhưng chưa kịp bổ sung. Cạnh đó, địa phương cũng đang có sự phát triển nhanh số lớp mầm non bán trú, xây dựng trường chuẩn quốc gia nên nhu cầu GV rất lớn, từ chỗ 1,2 GV/lớp tăng lên 2,2 GV/lớp. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác đó là số lượng HS là con em công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn huyện những năm gần đây tăng đột biến.
Ngoài thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành, một số địa phương khác, dù thiếu ít hơn, cũng đang loay hoay trước việc thiếu cả trăm GV mầm non và tiểu học trong năm học mới như Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc. Trái ngược với thực trạng đó, các địa phương miền núi gần như không thiếu GV, như huyện Nam Giang chỉ có nhu cầu 8 người, thậm chí huyện Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My hiện tại không có nhu cầu tuyển dụng. Một phần nhờ sự ổn định trong phát triển số lượng, mặt khác do các địa phương trong những năm qua tuyển dụng khá nhiều.
Điều tiết GV
Theo tìm hiểu, không phải năm học 2017 - 2018 này mà năm học trước, tình trạng thiếu đội ngũ GV đã xảy ra ở khá nhiều địa phương. Lý do là những năm trước đó các địa phương tuyển dụng không đủ chỉ tiêu biên chế tỉnh giao. Vả lại, kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục cho chỉ tiêu biên chế năm 2016 được tổ chức hồi đầu năm 2017, kết quả đã không được như kế hoạch ban đầu. Cụ thể, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng lên đến 1.193 GV thì chỉ có hơn 300 người trúng tuyển.
Năm học mới 2017 - 2018 đã cận kề. Bên cạnh việc tiếp nhận và phân công nhiệm sở cho số GV vừa trúng tuyển trong kỳ thi tuyển hồi đầu năm 2017, các địa phương còn phải tìm những cách “chữa cháy” khác nhau để giải quyết bài toán thiếu GV trong năm học mới. Theo ông Trần Công Hiệu, ngành đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện Núi Thành giải pháp luân chuyển, điều hòa GV trong toàn huyện. Trường nào thừa GV sẽ điều chuyển sang trường thiếu để ổn định đội ngũ, có thể đáp ứng giảng dạy đầu năm học. Cạnh đó, ngành cũng có giải pháp tăng tiết, phân công GV dạy tăng thêm ngoài định mức; đồng thời mời GV thỉnh giảng. Được hỏi vì sao không hợp đồng GV để giảng dạy, ông Hiệu cho rằng kể từ khi tỉnh chỉ đạo dừng, không cho hợp đồng thì địa phương không còn thực hiện phương án này nữa.
Tại thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Tấn Ngọc cho hay, trong khi chờ kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của tỉnh năm 2017 để bổ sung GV, địa phương đang tính đến phương án hợp đồng thỉnh giảng GV nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các trường. Tương tự, ông Hồ Đắc Thiện - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Ninh cho biết năm học mới, để khắc phục vấn đề thiếu 46 GV tiểu học và mầm non, huyện sẽ hợp đồng thời vụ GV dạy theo tiết. Còn theo ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên, kể từ năm 2016, tỉnh không cho địa phương hợp đồng GV có đóng bảo hiểm xã hội mà chỉ được thỉnh giảng. Kỳ thi tuyển GV vừa qua, huyện tuyển không đủ chỉ tiêu khi chỉ được 35 GV/90 chỉ tiêu, trong khi đó số lượng GV nghỉ hưu trước tuổi trong 2 năm gần đây lên đến 100 người làm cho địa phương thiếu khá nhiều GV trong năm học mới, tập trung ở bậc mầm non và tiểu học. “Trước thực trạng này, chuẩn bị cho năm học mới, chúng tôi đã cân đối số lượng đội ngũ hiện có. Nơi nào thiếu thì hợp đồng GV thỉnh giảng theo tiết dạy. GV dạy bao nhiêu tiết thì trả tiền bấy nhiêu theo thỏa thuận giữa nhà trường và người dạy, chờ khi nào tỉnh tổ chức thi tuyển bổ sung đội ngũ” - ông Hoàng chia sẻ. (XUÂN PHÚ)
CHỦ ĐỘNG TUYỂN DỤNG GIÁO VIÊN
Để ngành GD-ĐT không phải xoay xở bằng các giải pháp “chữa cháy” cho tình trạng thiếu hụt đội ngũ giáo viên (GV) mà có sự chuẩn bị căn cơ, cần có kế hoạch tổ chức tuyển dụng GV chủ động và sớm hơn.
Bậc tiểu học cũng đang thiếu giáo viên.Ảnh: TƯỜNG VY |
Đối với ngành GD-ĐT, việc bổ sung đội ngũ nhà giáo hàng năm là nhu cầu cần thiết và khá lớn. Đặc biệt trong vài năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng GV tăng rất nhanh. Bởi lẽ, bên cạnh bổ sung để đáp ứng nhu cầu giảng dạy do số lượng học sinh (HS) tăng, quy mô trường, lớp phát triển, ngành GD-ĐT còn có nhu cầu để bù đắp cho số nhà giáo đến tuổi nghỉ hưu, nhất là nghỉ hưu trước tuổi ngày càng nhiều. Đó là chưa kể đến việc, các trường học hiện nay tập trung đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, dạy 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú. Theo tiêu chí trường chuẩn, tỷ lệ GV/lớp phải đảm bảo đúng quy định, rồi sĩ số HS/lớp giảm xuống đòi hỏi số lượng GV nhiều hơn. Đơn cử như bậc học mầm non, nếu dạy 1 buổi/ngày chỉ cần 1 GV/lớp, song khi chuyển sang bán trú phải hơn 2 GV. Tương tự, trường tiểu học dạy 1 buổi/ngày bố trí 1,2 GV/lớp nhưng dạy 2 buổi/ngày thì phải 1,5 GV/lớp. Tất nhiên, việc tăng thêm biên chế hiện nay là rất khó khi mà cả nước đang tập trung thực hiện việc tinh giản biên chế. Đó là chưa kể không thể cứ tăng số lượng HS thì kéo theo tăng GV mà phải tính toán thật kỹ nhu cầu, dự báo khả năng phát triển, tránh trường hợp sụt giảm số lượng HS dẫn đến thừa GV như đã từng xảy ra.
Với một địa phương có đến 70 trường học mầm non, tiểu học và THCS, do đó hàng năm số lượng GV đến tuổi nghỉ hưu ở Điện Bàn khá nhiều. Ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho biết trung bình hàng năm toàn ngành có 70 - 90 GV nghỉ hưu. Vì vậy, nếu không bổ sung kịp thời sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác bố trí GV giảng dạy. “Theo tôi tỉnh nên có kế hoạch thi tuyển sớm hơn, có thể hoàn thành trong tháng 5 hàng năm để các địa phương chủ động trong phân công nhiệm sở. Các GV trúng tuyển cũng có điều kiện để tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng chính trị trong dịp hè cũng như sớm bắt tay vào công tác giảng dạy ngay từ đầu năm học. Hiện nay thiếu GV, buộc lòng địa phương phải tạm thời xoay xở bằng cách hợp đồng GV thỉnh giảng để chờ thi tuyển” - ông Ngọc đề nghị.
Thực tế công tác thi tuyển viên chức giáo dục của tỉnh vừa qua khá trễ, số lượng GV trúng tuyển quá ít cũng là nguyên nhân làm cho các địa phương rơi vào tình cảnh thiếu GV và năm nay càng “nóng” hơn. Tuyển dụng cho chỉ tiêu biên chế năm 2016 của các địa phương nhưng sang đến cuối tháng 2.2017 mới tổ chức thi tuyển và phải chờ đợi gần 5 tháng sau mới công bố kết quả. Trong khi đó, đến đầu tháng 8 vừa qua kế hoạch thi tuyển năm 2017 mới được ban hành và dự kiến tổ chức vào tháng 10. Theo kế hoạch này, cả tỉnh sẽ tuyển 1.174 GV, trong đó 674 mầm non, 430 tiểu học và 70 THCS. Có 14 địa phương có nhu cầu tuyển dụng, nhiều nhất là Điện Bàn 230 chỉ tiêu, Núi Thành 213, Thăng Bình 185, Duy Xuyên 100. Một số ý kiến cho rằng với tình hình này, có lẽ kết quả kỳ thi sẽ khó có được trong năm 2017. Điều đó cũng có nghĩa, các trường học không thể có đủ GV cho nửa đầu năm học mới 2017 - 2018. Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên Phùng Hoàng, hiện nay địa phương có kế hoạch chủ động chuẩn bị đội ngũ GV cho học kỳ 1 năm học 2017 - 2018 để chờ tỉnh tổ chức xong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục rồi mới tính tiếp. Rõ ràng, những giải pháp “chữa cháy” chỉ có thể khắc phục chuyện thiếu GV một cách tạm thời, song sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.
Trả lời câu hỏi việc thiếu GV phải chờ vào đợt thi tuyển sắp tới mới có thể bổ sung liệu có gây khó khăn cho công tác giảng dạy đầu năm học và tại sao không thể tổ chức thi sớm hơn để các trường chủ động trong công việc, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, việc thừa - thiếu GV xảy ra lâu nay và các trường học đã khắc phục bằng cách tổ chức bố trí GV dạy tăng thay hoặc hợp đồng thỉnh giảng. “Do đó, tôi cho rằng điều này sẽ không có gì khó khăn và đầu năm học mới này các trường vẫn có thể thực hiện như trước đây” - ông Quốc khẳng định. Về đề nghị kỳ thi tuyển viên chức giáo dục hàng năm cần được tổ chức sớm hơn, ông Quốc nói “rất chia sẻ với các địa phương và bản thân cũng mong muốn được tổ chức thi tuyển sớm để ngành chủ động trong sắp xếp công việc, chuẩn bị cho năm học mới”. Tuy nhiên, kỳ thi tuyển dụng GV vừa qua là lần đầu tiên tỉnh tổ chức nên cũng gặp không ít khó khăn. Sở GD-ĐT chỉ là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thi còn lãnh đạo UBND tỉnh vẫn là chủ tịch hội đồng thi tuyển nên việc thi tuyển, thời gian sẽ do tỉnh quyết định. “Nếu Sở GD-ĐT được giao nhiệm vụ hàng năm sẽ tham mưu tổ chức thi sớm hơn, tốt nhất là kết thúc từ giữa tháng 6 để các trường có đầy đủ đội ngũ trước khi bước vào năm học mới, tránh bị động trong công tác chuẩn bị như hiện nay” - ông Quốc chia sẻ.
Nói thêm về kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục sắp tới, ông Quốc cho biết về cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên các yêu cầu về nội dung, hình thức thi tuyển, cách tính điểm, xác định người trúng tuyển như kỳ thi được tổ chức trước đây. Tuy nhiên, sẽ có một vài thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dự thi. Ngoài 2 môn thi điều kiện là Ngoại ngữ và Tin học, người dự thi còn tham gia thi môn kiến thức chung (thi viết về pháp luật viên chức, chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, về ngành GD-ĐT và vị trí dự tuyển) và chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành (thi trắc nghiệm và thực hành về kiến thức chuyên môn). (TƯỜNG VY)
KHÓ GIẢI BÀI TOÁN THIẾU - THỪA
Thừa - thiếu GV không còn là câu chuyện mới của ngành GD-ĐT. Còn nhớ vài năm trước đây, khi mà các địa phương đồng bằng có dấu hiệu dôi dư giáo viên (GV) do số lượng HS THCS giảm mạnh, số GV luân chuyển từ miền núi về theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh khá nhiều thì vẫn có chuyện thiếu GV. Vì sao có tình trạng “lạ đời” này?
Việc thừa - thiếu giáo viên vẫn là “bài toán” chưa có lời giải đối với Quảng Nam. Ảnh: X.P |
Ngôn ngữ của ngành GD-ĐT gọi đây là “thừa - thiếu cục bộ”, có nghĩa, môn này thiếu nhưng môn kia thừa, trường này thiếu còn trường kia thừa. Chỗ này thiếu mà chỗ kia thừa thì có thể đưa ra giải pháp luân chuyển GV, bố trí cho hợp lý giữa các trường. Tất nhiên việc này không hề dễ dàng vì đụng chạm đến quyền lợi của GV, có thầy cô trước đó đã công tác ở miền núi nhiều năm nên khó điều chuyển sang chỗ khác. Còn môn này thiếu môn kia thừa, bậc học này thiếu bậc học kia thừa thì thật sự “bó tay”!
Thực tế trước đây một số địa phương như Núi Thành, Điện Bàn, Quế Sơn hay Thăng Bình chẳng hạn, để giải quyết bài toán dôi dư, đã từng tự “cởi trói” cho mình bằng cách điều GV dạy trái môn hoặc bố trí GV bậc THCS sang dạy tiểu học. Hay huyện Phú Ninh dùng giải pháp giảm số tiết dạy theo quy định để tất cả thầy, cô giáo đều được các trường học bố trí đứng lớp để tất cả đều hưởng lương, chế độ chính sách đầy đủ, không ai chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, có thể thấy đây là giải pháp “chẳng đặng đừng” vì ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Tâm lý học trò mỗi bậc học khác nhau, chuyên môn nghiệp vụ cũng hoàn toàn khác. Giảng viên đại học không thể dạy trò tiểu học tốt được đó là lẽ dĩ nhiên. Nhưng người thầy được đứng lớp, được gắn bó với học trò cho dù trái môn, trái bậc học còn có niềm vui. Đằng này, không ít trường hợp GV, do địa phương không còn giải pháp nào khác nên không bố trí đứng lớp mà chuyển sang làm công việc khác như văn phòng, thư viện thiết bị. Khoan nói đến những thiệt thòi về quyền lợi như không được hưởng chế độ phụ cấp đứng lớp, thầy cô giáo mà không được làm công việc mà mình yêu thích thì buồn biết mấy!
Ở bậc THPT, sau khi số GV hợp đồng ở các trường THPT bán công được giải quyết vào biên chế (khi chuyển các trường THPT bán công sang công lập), từ năm 2011 đến nay, các trường đã thực hiện hợp đồng thỉnh giảng theo số tiết dạy để khắc phục chuyện thiếu GV cục bộ ở một số tiết dạy, một số bộ môn. Dù đã xảy ra những khiếu nại trong thời gian qua, song có thể thấy giải pháp hợp đồng với số sinh viên sư phạm mới ra trường chưa có việc làm để giúp họ có điều kiện được đứng lớp, nâng cao trình độ và không mai một chuyên môn là hợp lý, nói như Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc “một việc làm hết sức nhân văn”.
Chúng tôi được biết cũng vì chuyện thừa - thiếu GV mà giữa 2 ngành giáo dục và tài chính đã từng có những “tranh cãi” về chuyện phân bổ kinh phí. Ngành tài chính bảo thừa GV sao lại chi trả tiền tăng thay, trong khi ngành GD-ĐT nói không thể bắt “anh dạy toán sang dạy văn và ngược lại, hay cô giáo tiểu học lên dạy cấp trung học cơ sở”. Nhiều cán bộ quản lý giáo dục tâm sự, trong bố trí nhân sự thì ngành GD-ĐT có đặc thù riêng mà không phải ai cũng hiểu. Đơn cử như một môn học nào đó, nếu chỉ 1 GV thì thiếu mà bố trí 2 GV thì thừa. GV dạy không đủ số tiết theo quy định song không thể trừ lương của họ nhưng người dạy vượt số tiết quy định thì phải trả tiền tăng thay. Không thể cứng nhắc theo quy định tỷ lệ GV/lớp. Ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên cho rằng, giải quyết chuyện thừa - thiếu GV chỉ là tương đối và không bao giờ toàn diện cả. Có thể địa phương thừa GV nhưng vẫn thiếu cục bộ ở môn học, ở trường học nào đó và đây là điều đương nhiên.
Không chỉ Quảng Nam, các địa phương trên cả nước vẫn xảy ra chuyện thiếu - thừa GV. Tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 toàn quốc vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận tình trạng thừa - thiếu GV cục bộ đang xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước; thừa GV THCS, thiếu GV tiểu học, mầm non, đặc biệt là các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc họa. Việc chuyển GV dôi dư sang dạy khác cấp học cũng gây bức xúc, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Xem ra, thừa - thiếu GV vẫn là “bài toán” chưa có lời giải. (ANH SẮC)