Đưa thư viện đến cộng đồng

LÊ QUÂN 16/08/2017 08:35

Tạo dấu ấn về không gian thư viện là điều mà những người gắn bó với nơi này đang nỗ lực. Càng cận kề năm học mới, càng thấy câu chuyện đưa thư viện đến với cộng đồng đã có những dấu hiệu lạc quan…

Các em học sinh miền núi hào hứng với chuyến xe thư viện lưu động. Ảnh: L.Q
Các em học sinh miền núi hào hứng với chuyến xe thư viện lưu động. Ảnh: L.Q

1. Tranh thủ ngày Chủ nhật, vợ chồng anh Nguyễn Minh Tuấn (phường An Mỹ, Tam Kỳ) đưa con gái đang học tiểu học đến Thư viện tỉnh. Người cha chọn cho mình dòng sách văn học kinh điển Nga, mẹ lại tìm kiếm tác phẩm ở kệ sách “văn học cho thiếu nhi”. Còn cô con gái hào hứng với tủ sách báo nhi đồng được kê ngay ngắn ở phòng đọc. Anh Tuấn chia sẻ, không thường xuyên nhưng anh đang cố gắng để các con của mình biết đến thư viện, từ đó, cho các con làm quen dần với việc đọc sách. Cũng như vậy, rất nhiều phụ huynh trong dịp hè đã tìm cách để đưa trẻ đến với thư viện các tuyến, từ thư viện thành phố, thư viện tỉnh đến một số quán cà phê sách đang có trên địa bàn. Ông La Đình Nghĩa - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, mỗi ngày đều có các em thiếu nhi, thiếu niên tìm đến thư viện. Mỗi mùa hè số lượt trẻ ở độ tuổi 6 - 15 đều tăng lên. Tuy nhiên, cũng theo nhìn nhận của ông Nghĩa, số lượng các em tìm đến phòng đọc tại chỗ vẫn còn khá khiêm tốn; trong khi đó, tại phòng truy cập internet miễn phí của thư viện luôn ở tình trạng đông đúc.

Đưa con đến thư viện vào dịp hè cũng là hoạt động của khá nhiều phụ huynh. Tại TP.Hội An, ngoài “Không gian đọc” đặt tại khuôn viên của Bảo tàng Hội An cũng như một số điểm dừng chân miễn phí, mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần đều có rất đông thiếu nhi trên địa bàn được cha mẹ đưa đến. Chưa kể, với thiết kế khá thân thiện và mát mẻ, Thư viện  Hội An - Thanh Hóa cũng là địa chỉ được nhiều bậc cha mẹ chọn lựa cho quỹ thời gian hè của các em. Nhiều bậc phụ huynh đều có chung nhìn nhận, rằng nếu hệ thống thư viện biết cách tổ chức thì đây hẳn nhiên là một địa điểm mà họ rất mong muốn đưa con mình đến hằng ngày. “Đã đến lúc các thư viện cần thay đổi cách thức tổ chức, đưa văn hóa đọc đến với mọi người. Trước khi tiến hành thiết kế xây dựng thư viện, chính quyền địa phương nên cho người đi khảo sát nhu cầu của cộng đồng dân cư tại nơi sẽ xây dựng thư viện. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương đã hình thành nên thư viện theo yêu cầu của người dân. Ví như bên cạnh các phòng đọc có không gian yên tĩnh, thư viện còn có phòng đọc tập thể - nơi người đọc có thể giao lưu, chia sẻ những thông tin đọc được trong sách; khu vực phục vụ ăn uống để mọi người có thể thư giãn; phòng triển lãm về sách văn học, tạp chí; phòng cung cấp thông tin du lịch về địa phương đó chẳng hạn…”, ông Nguyễn Đức Minh, người dân Hội An chia sẻ.

2. Một chuyến xe thư viện lưu động đưa vào hoạt động vào tháng 3 năm nay đã biến câu chuyện cả gia đình cùng nhau đọc sách, đưa sách đến những vùng khó khăn trở thành hiện thực. Ông La Đình Nghĩa cho biết, hiệu quả của chuyến xe thư viện lưu động này mang lại khá lớn, khi kích hoạt cho cộng đồng tương tác với sách cũng như đưa thông tin đến gần hơn với người dân. “Kể từ khi khai trương đi vào hoạt động đến nay, xe thư viện lưu động đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Thư viện tỉnh có điều kiện chủ động triển khai, tổ chức các hoạt động phục vụ ngoài thư viện, khai thác hiệu quả vốn sách báo của đơn vị. Qua đó, góp phần tạo cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với thông tin, sách báo, công nghệ thông tin gần hơn, nhanh hơn, nhiều hơn. Có thể nhận định Dự án trang bị xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ cộng đồng vùng sâu, vùng xa trong thời gian triển khai đến nay, cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra” - ông Nghĩa nói.

Ở góc độ của người làm giáo dục, ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng Giáo dục TP.Tam Kỳ chia sẻ, việc ưu tiên cho các hoạt động về văn hóa đọc là điều mà ngành giáo dục Tam Kỳ đặt lên hàng đầu. Các hoạt động luân chuyển, trao đổi các đầu sách ở hệ thống thư viện tuyến trường trong thành phố, cũng như trao đổi với thư viện thành phố và tuyến tỉnh diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, cũng như thực trạng đáng buồn đang diễn ra ở các thư viện công cộng trên khắp cả nước, ngoài thư viện trường có lượt bạn đọc là học sinh tương đối ổn định, các thư viện tuyến huyện vẫn khá vắng vẻ. “Vì không mang lại nguồn thu như các hoạt động khác, nên thiết chế thư viện ít được các địa phương quan tâm phát triển, dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn sách ít ỏi. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình giải trí như điện ảnh, truyền hình, game điện tử… cũng khiến người dân không mặn mà với việc đọc” - thủ thư của một thư viện chia sẻ.

Chủ động đưa sách đến bạn đọc cũng như tạo sự tương tác, không gian mở góp phần nâng cao thói quen đọc sách vẫn đang là yếu tố được các thư viện chọn. Trong khi đó, với ý nghĩa mang đến cho thư viện một dấu ấn mới, Thư viện tỉnh đang bắt đầu tìm kiếm những cách làm mới mẻ, trong đó, cố gắng tạo tính tương tác với người đọc. “Đội ngũ những người làm trong hệ thống thư viện các tuyến cũng đã bắt đầu được học cách phục vụ chuyên nghiệp hơn. Các đầu sách, bản sách cũng ngày càng phong phú. Thư viện tỉnh đang nỗ lực đưa không gian này đến gần hơn với cộng đồng” - ông Nghĩa chia sẻ.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN