Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Quảng Nam: Lò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
Trải qua 10 năm thành lập và phát triển, Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Quảng Nam (Phân hiệu Quảng Nam), đã có những bước tiến rõ rệt, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phân hiệu Quảng Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Ảnh: N.Đ |
Bước tiến mới
Dấu mốc chuyển mình của Phân hiệu Quảng Nam là vào năm 2006, khi Bộ Nội vụ đồng ý thành lập Cơ sở Trường Cao đẳng Văn thư lưu trữ Trung ương I tại TP.Đà Nẵng (nay là Trường Đại học Nội vụ Hà Nội). Năm 2007, Bộ Nội vụ có quyết định xây dựng cơ sở nhà trường tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), với tổng mức đầu tư gần 222 tỷ đồng. Và ngày 21.12. 2016, Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Quảng Nam ra đời, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo kế hoạch của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và triển khai áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Hơn 10 năm qua, phân hiệu từng bước phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng, đặc biệt là nguồn nhân lực ngành nội vụ đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Với 3 người từ những ngày đầu thành lập, đến nay đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của phân hiệu đã là 86 người, trong đó có: 4 tiến sĩ, 40 thạc sĩ và nhiều nghiên cứu sinh. Bộ máy gồm có: Ban giám đốc, Phòng Đào tạo và công tác sinh viên; Phòng Hành chính - quản trị - tổ chức; Phòng Tài chính - kế toán; Phòng KHCN và thông tin thư viện; Tổ giảng viên chuyên ngành và Tổ giảng viên cơ bản. Phân hiệu hiện có 3 chi bộ với 37 đảng viên; Công đoàn có 86 đoàn viên; 32 chi đoàn hơn 1.000 đoàn viên; Tổ nữ công 42 người và 6 câu lạc bộ (Tin học, Ngoại ngữ, Nghiên cứu khoa học, Văn nghệ, Võ thuật, Cầu lông).
Trong công tác đào tạo, từ năm học 2006 - 2007, phân hiệu được nhà trường giao 63 chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học ngành quản trị văn phòng. Từ đó, năm nào Phân hiệu Quảng Nam cũng tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu cho phép. Đến nay, phân hiệu đã đào tạo hơn 3.500 SV bậc trung cấp, cao đẳng, đại học và hơn 4.000 học viên các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Năm 2011, phân hiệu đào tạo được 1.047 SV và 1.359 học viên bồi dưỡng ngắn hạn, thì đến nay số SV đã tăng gấp 3,3 lần; số học viên bồi dưỡng ngắn hạn tăng gần 3 lần. Tỷ lệ SV hệ chính quy và vừa học vừa làm tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi năm sau cao hơn năm trước, bình quân loại khá chiếm 80%, loại giỏi 8%. Điều này cho thấy, chất lượng đào tạo càng ngày càng tăng và phần lớn SV tốt nghiệp, ra trường có việc làm ổn định. Nhiều tổ chức kinh tế - xã hội đánh giá cao về nghiệp vụ, đạo đức, tác phong, tính kỷ luật và kỹ năng làm việc của SV tốt nghiệp phân hiệu.
Nâng cao chất lượng
Qua 10 năm hoạt động, Phân hiệu Quảng Nam vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2006-2010; Cờ thi đua và Bằng khen Bộ Công an vì thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2014, 2015; Bằng khen Chủ tịch UBND Quảng Nam vì thành tích xây dựng Phân hiệu Quảng Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. |
Đặc biệt, công tác rèn luyện, giáo dục chính trị, tư tưởng cho SV luôn được phân hiệu quan tâm, chú trọng. Vào những ngày đầu năm học, phân hiệu luôn tổ chức đầy đủ các buổi sinh hoạt công dân đầu khóa. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương làm tốt công tác quản lý SV ngoại trú, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách đối với sinh viên, học viên.
Bên cạnh đào tạo chính quy, Phân hiệu Quảng Nam còn thường xuyên đào tạo các lớp vừa học vừa làm, liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và đại học; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ: Văn thư; Lưu trữ; Thư viện; Tổ chức sự kiện; Lãnh đạo Phòng, Trưởng thôn, buôn; nhất là các lớp Quản lý nhà nước ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đáng kể, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) luôn được Phân hiệu Quảng Nam quan tâm, nhất là những năm gần đây, công tác NCKH của SV rất phát triển. Nhiều đề tài của cán bộ, giảng viên, viên chức và SV được Hội đồng NCKH nhà trường đánh giá cao về tính khả thi, ứng dụng. Phân hiệu đã xây dựng nhà thư viện 3 tầng, diện tích 1.660m²2 với 45.000 đầu sách để phục vụ bạn đọc. Đồng thời đang xúc tiến xây dựng thư viện điện tử nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tra cứu thông tin của cán bộ, giảng viên và SV.
Năm học 2017 - 2018, Phân hiệu Quảng Nam dự kiến tuyển 520 chỉ tiêu ở các ngành học như: Quản trị nhân lực (70 chỉ tiêu); Quản lý nhà nước (70 chỉ tiêu); Quản trị văn phòng (70 chỉ tiêu); Lưu trữ học (40 chỉ tiêu), Luật (60 chỉ tiêu) và Hệ thống thông tin (50 chỉ tiêu); các ngành cao đẳng như Dịch vụ pháp lý (40 chỉ tiêu), Văn thư hành chính (40 chỉ tiêu), Lưu trữ (40 chỉ tiêu), Quản lý văn hóa (40 chỉ tiêu). |
Ấn tượng là hệ thống cơ sở vật chất khang trang hiện đại của phân hiệu trên diện tích 11ha, bao gồm: nhà hiệu bộ 3 tầng diện tích gần 2.000m2, có 24 phòng làm việc; 2 khu giảng đường diện tích 4.023m2 với 20 phòng học thoáng mát, trang bị thiết bị nghe nhìn đáp ứng yêu cầu dạy và học theo phương pháp đào tạo tín chỉ; thư viện có thể phục vụ cùng lúc 200 SV; nhà thi đấu đa năng với diện tích 2.587m2; ký túc xá 400 chỗ ở; khu nhà ăn 600 chỗ; hội trường 800 chỗ ngồi. Ngoài ra, đang xây dựng Trung tâm Ngoại ngữ - Thư viện vốn đầu tư 50 tỷ đồng giúp Phân hiệu Quảng Nam phát triển bền vững. ThS. Trần Đình Thảo - Giám đốc Phân hiệu Quảng Nam cho biết, phân hiệu xác định nhiệm vụ cơ bản trong chặng đường tiếp theo là tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức cán bộ quản lý giáo dục chuẩn về chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của phân hiệu, đáp ứng yêu cầu của thời đại. Đặc biệt, có chế độ khuyến khích, thu hút, trọng dụng nhân tài. Thứ hai, hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu và thực hiện đổi mới phương thức đào tạo, nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, mục đích là cung cấp cho xã hội sản phẩm đào tạo tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu công việc, yêu cầu của tình hình mới. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện bền vững trên cơ sở phát huy tinh thần dân chủ, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên và SV; kết hợp với việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực hoạt động của phân hiệu, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị do Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giao.
NGUYỄN ĐẮC