Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2017: Bình thường hay bất bình thường?
Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vừa được công bố khiến cho nhiều người ngạc nhiên vì số lượng điểm 10 trên khắp cả nước, ở tất cả môn thi rất nhiều so với năm ngoái.
|
Thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Có bất thường không?
Theo thống kê, cả nước có hơn 4.150 bài thi đạt điểm 10. Hà Nội 621 điểm 10 và TP.Hồ Chí Minh 453 điểm 10, là 2 địa phương có nhiều điểm 10 nhất cả nước. Có trên 10 thí sinh (TS) đạt điểm tuyệt đối ở 3 môn xét tuyển đại học. Tất cả môn thi đều có điểm 10, trong đó nhiều nhất là Hóa, tiếng Anh. Quảng Nam xếp vị thứ 21 trong 62 tỉnh, thành phố có TS đạt điểm 10 với tổng cộng 61 điểm 10, trong đó có 3 TS đạt được 2 điểm 10.
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, cả nước chỉ có 69 bài thi đạt điểm 10. Vậy phải chăng số lượng điểm 10 quá nhiều của năm nay là bất thường? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng với những đổi mới của kỳ thi năm nay, nhất là thi trắc nghiệm thì số lượng điểm 10 như vậy là điều bình thường. Theo ông Ga, năm nay thi trắc nghiệm khách quan với 24 mã đề khác nhau thì số câu hỏi khó rất nhiều và bao quát cả chương trình chứ không tập trung vài câu hỏi khó như thi tự luận các năm trước. Vì vậy, nhiều TS có thể làm được. Đó là ưu điểm của thi trắc nghiệm khách quan chuẩn hóa, giúp giảm học lệch, học tủ. Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, số điểm thi 10 tăng cao không có nghĩa là đề thi dễ hoặc coi thi không nghiêm túc. Trong khi đó, một số liệu do Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT công bố cho thấy riêng môn Toán có 278 điểm 10, song cũng có 761 điểm 0 và nếu tính từ điểm 1 trở xuống (điểm liệt, nghĩa là bị trượt tốt nghiệp) có 1.577 bài. Điểm Toán dưới 5 chiếm hơn 49%.
Theo một giáo viên đang giảng dạy tại một trường THPT ở Tam Kỳ, giải thích của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga là đúng bản chất của vấn đề. Trước đây thi tự luận, TS dễ dàng bị mất điểm trước những câu hỏi phân hóa khả năng dành cho TS giỏi, xuất sắc. Còn với cách ra đề thi trắc nghiệm năm nay, có thể câu hỏi khó đối với TS này nhưng TS kia lại làm được. Nhờ đó, nhiều TS có thể đạt điểm cao là điều bình thường. Ngay cả ở các môn khoa học xã hội như Địa, Sử hay Giáo dục công dân cũng vậy. Thi trắc nghiệm không phải học thuộc lòng mà đọc hiểu, phân tích và suy luận nên dễ kiếm điểm cao. Nhưng đó là phân tích dựa trên khía cạnh khoa học của đề thi, cách thi. Lý do kỳ thi năm nay nhiều em có điểm 10 còn ở việc được thi ngay tại địa phương, thậm chí trường mình đang học. Tâm lý nhẹ nhàng, không bị áp lực thi cử và cả sức khỏe tốt do không phải đi lại xa xôi, điều kiện ăn ngủ không đảm bảo. Còn mức độ đề thi năm nay dễ hay khó là tùy môn. “Tôi cho rằng đề thi môn Toán không hề nhẹ nhàng chút nào bởi những câu hỏi phân hóa cực kỳ khó mà chỉ có những học sinh xuất sắc mới có thể giải được. Chỉ có 2 em đạt điểm 10 trong số 61 điểm 10 cả tỉnh đã nói lên điều đó” - cô giáo này nhận xét.
Nhiều điều đáng suy ngẫm
Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, Quảng Nam có 58 TS đạt điểm 10 với 61 bài thi; trong đó có 3 TS đạt được 2 điểm 10 là Nguyễn Thị Lan Hương (điểm 10 môn Toán và Hóa), Nguyễn Hữu Lộc (điểm 10 môn Hóa và Sinh) - cả hai là học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Văn Phú Duy (điểm 10 môn Hóa và Sinh) - học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông. Trong số 61 bài thi điểm 10 môn Hóa nhiều nhất với 29 bài, môn Sinh có 8 bài, môn Địa 9 bài, tiếng Anh 6 bài, Toán 2 bài. Các môn Lý, Văn, Sử, Giáo dục công dân, mỗi môn có 1 bài thi đạt điểm 10. TS duy nhất đạt điểm 10 môn Văn là Trần Đình Duy - học sinh lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Xét tương quan trên bình diện chung của cả nước về số điểm 10 thì Quảng Nam xếp ở mức trung bình khá.
Không ngạc nhiên khi 2 trường chuyên dẫn đầu về số lượng TS đạt điểm 10 nhiều nhất, trong đó Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có 24 em, THPT chuyên Lê Thánh Tông 11 em. Theo thống kê, cả tỉnh có 19 trường THPT có TS đạt điểm 10, song bất ngờ nhất chính là việc một số ngôi “trường làng” gặt hái được kết quả ngoài mong đợi. Đó là Trường THPT Trần Văn Dư (Phú Ninh) và Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc) có 3 TS, THPT Lương Thúc Kỳ (Đại Lộc) và Trần Phú (Hiệp Đức) 2 TS. Không chỉ đạt điểm 10, các em có tổng điểm 3 môn xét tuyển đại học cũng rất cao. Chẳng hạn như Đỗ Xuân Thơ (THPT Đỗ Đăng Tuyển) hay Lê Phước Thịnh (THPT Lương Thúc Kỳ) đạt 29,55 điểm, Nguyễn Thành Nhân (THPT Trần Phú) 29,05 điểm, Nguyễn Công Quốc Đạt (THPT Lê Hồng Phong) 28,95 điểm.
Nhằm tạo điều kiện cho TS có nhiều cơ hội xét tuyển đại học, quy chế thi năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các em có thể đăng ký thi ở cả 2 tổ hợp khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh). Cơ chế mở là vậy nhưng các em còn phải học các môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Do đó, nếu dự thi cả 2 tổ hợp thì TS phải học và thi tổng cộng 9 môn (thay vì 6 môn như TS dự thi 1 tổ hợp). Đây là một rào cản rất lớn đối với TS và sẽ khó có chất lượng nếu phải đầu tư cùng lúc nhiều môn học. Tuy nhiên, thực tế là trong tổng số hơn 17.700 TS cả tỉnh vẫn có hơn 5.000 em dự thi cả 2 tổ hợp. Một số trường có đến 70 - 80% học sinh dự thi 2 tổ hợp. Theo lý giải của các trường, những em học lực trung bình không thể chọn đầu tư trọng điểm cho tổ hợp nào nên dàn trải theo kiểu “được chăng hay chớ”. Song thực tế vẫn có trường hợp học giỏi, điểm thi 3 môn xét tuyển đại học khá cao như một TS của Trường THPT Hiệp Đức (đạt 28,75 điểm khối B) nhưng vẫn dự thi 9 môn. Rõ ràng, việc đầu tư cho nhiều môn học tại kỳ thi THPT quốc gia là không hợp lý và hiệu quả, cho thấy công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh của các trường học chưa được tốt. Đây là điều cần rút kinh nghiệm không chỉ đối với các TS mà còn của các trường và ngành GD-ĐT.
XUÂN PHÚ