Sinh viên chế tạo thiết bị giám sát sức khỏe

QUỐC TUẤN 16/05/2017 09:44

Từ niềm đam mê với khoa học và nỗi trăn trở cho sức khỏe của người thân trong gia đình, Lê Văn Đây (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) đã chế tạo thành công thiết bị giám sát sức khỏe cho con người.

Lê Văn Đây thuyết trình về sản phẩm thiết bị giám sức khỏe tại cuộc thi do Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Lê Văn Đây thuyết trình về sản phẩm thiết bị giám sức khỏe tại cuộc thi do Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cũng như nhiều sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Lê Văn Đây - sinh viên năm 4 khoa Cơ khí đã có niềm đam mê với nghiên cứu, chế tạo mô hình khoa học. Ngay từ lúc còn học ở Trường THCS Trần Phú (xã Điện Hòa), Đây đã chế tạo mô hình sản phẩm “Lắp đặt thiết bị chống sét cho tivi trong gia đình” để tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Quảng Nam lần thứ II năm 2009. Bởi vậy, việc bước vào giảng đường đại học càng là bệ phóng lý tưởng để chàng trai này tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu, chế tạo. Đây kể, việc nhen nhóm ý tưởng chế tạo thiết bị bảo vệ sức khỏe người già và trẻ em cũng vì trong một lần thấy mẹ đi làm đồng về say nắng đứng không vững, chợt chạnh lòng và bồn chồn nghĩ: Nếu một lúc nào đó mẹ xảy ra sự cố gì mà không được phát hiện kịp thời thì sao? Từ đó ý nghĩ phải nghiên cứu chế tạo một sản phẩm có thể báo động và định vị khi người sử dụng gặp sự cố luôn thôi thúc Đây.

Sau nhiều tháng dành trọn tâm huyết vào dự án này, Đây đã cho ra đời một thiết bị nhỏ gọn, tích hợp công nghệ phát - thu RF, định vị GPS, cảm biến nhiệt độ, cảm biến nhịp tim và module phát âm thanh giọng nói. Khi người dùng mang thiết bị này trên tay, các thay đổi bất thường về nhịp tim hay thân nhiệt đều được chuyển đến bộ xử lý trung tâm và kết nối, cảnh báo với người quản lý. Một ưu điểm khác là thiết bị có thể nhanh chóng kết nối với hệ thống loa gần nhất để người dân trong khu vực có thể trợ giúp. Trong trường hợp người đi lạc mà có đeo thiết bị này, công cụ sẽ hỗ trợ người thân tìm kiếm thông qua việc định vị GPS, hoặc lưu lại vị trí cuối cùng mà thiết bị nhận được trong quá trình sử dụng nếu thiết bị gặp sự cố và nhận diện vị trí qua cảm biến đặt trong nhà.

Đây chia sẻ, thiết bị này có thể lắp sim và sử dụng như một chiếc điện thoại di động thông thường. Với sản phẩm có nhiều tính năng khá ưu việt này, Lê Văn Đây đã giành được giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học - FAMELAB 2017” khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tiếp tục gặt hái thành công tại cuộc thi này ở vòng chung kết toàn quốc với vị trí đồng hạng Ba vào cuối tháng 4 vừa qua tại Hà Nội. Hiện tại Đây và nhóm cộng sự của mình vẫn đang tiếp tục quá trình nâng cấp sản phẩm bằng cách hoàn thiện hệ thống đo nhịp tim, cảm biến gia tốc, phát hiện té ngã, đột quỵ và phát triển ứng dụng trên hệ điều hành Android, IOS nhằm tối ưu hóa các chức năng trên thiết bị.

Một thành viên trong Ban giám khảo FAMELAB 2017 toàn quốc đã đề nghị Đây cân nhắc nghiêm túc trong việc tiến hành khởi nghiệp bằng thiết bị này bởi tính cộng đồng của sản phẩm. Trên thực tế, Đây và các cộng sự của mình đã bước đầu bắt tay vào tiến hành khởi nghiệp với hy vọng mức giá khi sản xuất và sử dụng rộng rãi vào khoảng 5 triệu đồng/sản phẩm. Lê Văn Đây cũng hứa hẹn sẽ trình làng thiết bị giám sát sức khỏe người già và trẻ em với một bộ mặt mới mẻ và lột xác hơn tại cuộc thi Danang Startup Runway 2017 tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 7 tới.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN