Giải thể trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề: Băn khoăn về bố trí nhân sự
UBND tỉnh vừa có cuộc họp bàn với các sở Nội vụ, GD-ĐT, LĐ-TB&XH, các huyện, thị xã, thành phố về việc sắp xếp lại trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề (gọi tắt là trung tâm) trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp Phú Ninh thuê nhà người dân để làm việc. Ảnh: X.PHÚ |
Giải thể
Tiền thân là trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp rồi sau đó đổi tên thành trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề, năm 2014, thực hiện quyết định của UBND tỉnh, tất cả trung tâm đã được chuyển giao từ Sở GD-ĐT về cho các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, hiện toàn tỉnh có 16 trung tâm do các huyện, thị xã, thành phố quản lý với tổng số 149 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó 115 biên chế, 14 hợp đồng theo Nghị định 68 và 20 hợp đồng khác. Số cán bộ quản lý là 27, giáo viên là 58 (53 biên chế) và nhân viên là 64 (35 biên chế). Tuy nhiên, các trung tâm hiện nay hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả do nguồn tuyển sinh không ổn định, không bền vững; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp. Kinh phí hoạt động của trung tâm chủ yếu từ ngân sách nhà nước bằng phương thức thực hiện ký kết hợp đồng đặt hàng đào tạo với các phòng chuyên môn của địa phương. Từ đó dẫn đến lãng phí bộ máy, biên chế và ngân sách.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, chủ trương sắp xếp các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề là hợp lý, nhất là phần lớn các trung tâm trong thời gian qua “sống không ra sống”. Do đó, lộ trình triển khai thực hiện đến cuối tháng 6, ngoại trừ một số trung tâm còn vướng việc tổ chức giảng dạy thì có thể kéo dài đến tháng 7. “Đừng nên kéo dài thời gian thực hiện bởi hiện nay các thầy, cô giáo ở các trung tâm đều mong muốn sớm giải quyết, bố trí công việc để họ an tâm công tác” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói. |
Ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, từ thực tế hoạt động của các trung tâm và căn cứ quy định tại khoản 2, điều 21 Luật Giáo dục nghề nghiệp, phương án đã được Sở Nội vụ xây dựng là trong thời gian tới sẽ tiến hành tổ chức sắp xếp lại các trung tâm theo hướng chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và giải thể trung tâm. Cụ thể, chức năng giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông chuyển giao cho phòng GD-ĐT, chức năng dạy nghề xã hội chuyển giao cho phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Riêng đối với các trung tâm còn đang thực hiện nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa thì tiếp tục triển khai cho đến khi kết thúc. Về số cán bộ, công chức, viên chức, các địa phương nghiên cứu bố trí, sắp xếp làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp. Ngoài ra, Sở GD-ĐT phối hợp với địa phương xem xét nhu cầu, nếu ngành còn thiếu thì ưu tiên tiếp nhận và bố trí viên chức ngành GD-ĐT về các đơn vị trực thuộc sở.
Chia sẻ thêm với lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các trung tâm có mặt tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Sáng nhấn mạnh phương án sắp xếp chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và giải thể trung tâm là xuất phát từ thực tế và theo ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh. Do đó, bây giờ là triển khai thực hiện chứ không bàn đến chuyện “nên hay không nên”. Ông Sáng còn lưu ý các địa phương trong quá trình thực hiện quan tâm hơn đến công tác bố trí nhân sự sau khi giải thể trung tâm. “Cách tốt nhất là các huyện, thị xã, thành phố nên ưu tiên bố trí về các đơn vị sự nghiệp của địa phương” - ông Sáng nói.
Theo ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, trung tâm là “con đẻ” của ngành GD-ĐT nên ngành sẽ nghiên cứu tiếp nhận số giáo viên đạt chuẩn và bố trí phù hợp. Đối với số học viên các khối lớp 10 và 11 (263 học viên tại 7 huyện) đang học bổ túc văn hóa tại các trung tâm, sẽ giao cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh quản lý và tiếp tục tổ chức giảng dạy đảm bảo quyền lợi chính đáng và tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo hướng có thể cử người đến các địa phương để dạy.
Không ít băn khoăn
Chia sẻ về chủ trương chuyển giao chức năng và giải thể trung tâm, ông Nguyễn Tùng - Giám đốc trung tâm Hội An băn khoăn về việc bố trí việc làm cho cán bộ, giáo viên và lộ trình thực hiện như phương án của Sở Nội vụ đề ra. “Cán bộ, giáo viên vốn trước đây ở đâu sẽ được bố trí về lại chỗ đó coi như là ổn rồi. Song điều tôi lo lắng nhất hiện nay là số giáo viên dạy nghề kỹ thuật tổng hợp như may, đan không biết sẽ về đâu?” - ông Tùng nói. Về lộ trình thực hiện, ông Tùng cho biết thời gian này các trung tâm đang tất bật chuẩn bị cho công tác thi THPT quốc gia, rồi tổng kết năm học thì việc triển khai thực hiện công việc sắp xếp khá cập rập, không thể hoàn thành vào cuối tháng 6.
Giám đốc trung tâm Điện Bàn Đặng Trung Phương cũng bày tỏ mối quan tâm đến việc làm của cán bộ, giáo viên, nhân viên sau khi thực hiện sắp xếp theo chủ trương của tỉnh. Theo ông Phương, trước đây, các trung tâm trên địa bàn tỉnh đều là trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp nên những người chỉ cần biết gia chánh hay nghệ nhân là tuyển dụng vào làm giáo viên. Hiện nay số này rõ ràng là không biết bố trí ở đâu. Ông Phương còn dẫn chứng ngay chính bản thân: “Bản thân tôi tốt nghiệp đại học nông nghiệp nên sắp tới đây không biết làm ở đâu?”.
Trước sự lo lắng của các trung tâm, lãnh đạo các địa phương đã lên tiếng trấn an. Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà cho biết địa phương đã sớm có phương án bố trí, sắp xếp nhân sự của trung tâm sau khi triển khai thực hiện sắp xếp theo quyết định của tỉnh. “Nói chung việc bố trí công việc cho cán bộ, giáo viên của trung tâm Điện Bàn không có gì vướng mắc. Sắp tới, sẽ chuyển một số sang công tác ở ngành GD-ĐT, một số sẽ nghỉ hưu” - ông Hà nói. Còn ở huyện Tiên Phước, theo ông Phùng Văn Quy - Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương thống nhất chuyển giao nhân sự sang các cơ quan, đơn vị của huyện và bố trí một cách hợp lý nhất, tạo cho người lao động an tâm công việc.
XUÂN PHÚ