Phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT: Quảng Nam đi trước, đón đầu
Nghị quyết 12 về phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 được Tỉnh ủy ban hành ngày 28.12.2012. Đây có thể coi là bước đột phá trong đổi mới GD-ĐT ở Quảng Nam theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT ban hành gần một năm sau đó (4.11.2013).
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12, sự nghiệp GD-ĐT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi - Tam Kỳ trong giờ sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đi trước một bước
Tại Hội nghị lần thứ 13 vào ngày 5.12.2012, Tỉnh ủy (khóa XX) đã thông qua Nghị quyết 12 về phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020. Những mục tiêu, giải pháp trong nghị quyết này thể hiện quan điểm, quyết tâm đổi mới sự nghiệp GD-ĐT của Tỉnh ủy. Thế nên, tại phiên họp góp ý thông qua chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Lê Phước Thanh nói rằng, Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy phần nào đó cho thấy Quảng Nam “đi trước một bước” so với Trung ương về chủ trương đổi mới GD-ĐT.
Thật vậy, xác định đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư cho phát triển bền vững, nhiều nội dung nhiệm vụ được Tỉnh ủy đề ra trong Nghị quyết 12 cũng là nội dung của Nghị quyết 29. Đó là tập trung huy động mọi nguồn lực, tạo chuyển biến toàn diện, vững chắc về quy mô, chất lượng ở tất cả ngành học, bậc học, đáp ứng nhu cầu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Nâng cao chất lượng đại trà đi đôi với đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, coi trọng giáo dục truyền thống, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, đáp ứng xu thế hội nhập, phát triển của đất nước. Cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT; thực hiện tốt phân cấp quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12, Hội nghị lần thứ 7 vừa qua, Tỉnh ủy (khóa XXI) đánh giá: Sự nghiệp GD-ĐT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng theo tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện. Mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Quy mô các cấp học, bậc học tiếp tục được mở rộng; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Công tác phát triển giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến. Ngoài chế độ của Trung ương, Quảng Nam còn có chính sách riêng để phát triển trường nội trú, bán trú, chế độ ăn ở cho HS. Tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ cho HS và giáo viên vào học tại các trường THPT chuyên; thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh vào lớp 10 theo phương án xét tuyển kết hợp phân tuyến, tạo ra công bằng cho các trường, cơ hội học tập cho HS. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng với tỷ lệ đạt chuẩn hơn 99,8%. Mạng lưới trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bước đầu làm cầu nối để liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, góp phần thu hút và tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao cho tỉnh.
Hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”
Trong những năm trước đây, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả giáo dục vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, bên cạnh đó là sự không đồng đều giữa các loại hình đào tạo, giữa khu vực miền núi và đồng bằng… Do vậy, Nghị quyết 12 ra đời đã góp phần giải quyết “bài toán” đó.
Học sinh các trường THPT tham gia hoạt động tại kỳ thi Olympic 24.3 Quảng Nam lần thứ nhất năm 2016. Ảnh: X.PHÚ |
Có thể thấy, Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy được ban hành từ năm 2012 nhưng sát với yêu cầu và nội dung của Nghị quyết 29 (ban hành ngày 4.11.2013) của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp GD-ĐT. Qua gần 5 năm thực hiện, đến nay hầu hết chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra đến năm 2015 đều đã đạt và vượt đáng kể như hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015; có học sinh tham gia đội dự tuyển, đội tuyển cấp quốc gia dự thi học sinh giỏi khu vực, quốc tế (năm 2016 có 2 học sinh được tham gia đội dự tuyển để khảo sát chọn đội tuyển quốc gia dự thi quốc tế); nâng cấp trường phổ thông dân tộc nội trú huyện thành trường nhiều cấp học (đã thực hiện được 3 trường ở Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, các trường còn lại ở Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Hiệp Đức do địa bàn huyện đã có 2 trường THPT nên không cần thiết phải chuyển đổi thành trường có 2 cấp học). Trong khi đó, đa số chỉ tiêu đến năm 2020 đang được toàn ngành và các địa phương tích cực triển khai thực hiện, tạo ra sự chuyển biến đáng kể.
Hội nghị lần thứ 7 (khai mạc ngày 31.3.2017), Tỉnh ủy khóa XXI đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Như vậy, Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy coi như đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”. Sau một thời gian không dài, nghị quyết đã góp phần giúp cho ngành GD-ĐT đất Quảng thay đổi một cách khá toàn diện, phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng ở tất cả ngành học, bậc học, đáp ứng nhu cầu tạo nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện mà Nghị quyết Trung ương 29 đề ra sau này.
XUÂN PHÚ