Cẩn trọng khi tham quan, dã ngoại...

HÀ AN 07/04/2017 08:39

Tham quan, dã ngoại với lứa tuổi học sinh là nhằm trang bị kỹ năng sống, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, tạo sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau… Tuy nhiên, các thầy cô giáo cũng cần chú ý đến những rủi ro có thể xảy ra vì các em ở lứa tuổi hiếu động…

Thiết thực và… vui!

Cô giáo Hoàng Thị Quyên - Chủ nhiệm lớp 3/2, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Theo tôi, đưa học sinh đi dã ngoại càng nhiều càng tốt, để các em ở thành phố có nhiều trải nghiệm. Đây cũng là cơ hội thăm thú các địa danh lịch sử, được rèn luyện thể lực, nâng cao khả năng tư duy và sáng tạo, phát triển kỹ năng xã hội...”. Trước khi tổ chức chuyến đi về huyện Tiên Phước vừa rồi, cô giáo Hoàng Thị Quyên cùng Hội Cha mẹ học sinh của lớp xây dựng kế hoạch, báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường. Được nhà trường đồng ý, phụ huynh đăng ký, chúng tôi liên hệ với địa phương nơi cần đến… Chuyến đi được “thiết kế” chi tiết từ lựa chọn thời gian, thuốc men, ăn uống và các điểm đến như thác Lò Thung, cầu treo sông Tiên, làng cổ Lộc Yên, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh…

“Những nơi các em đến cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như sông nước, đá rêu, cầu treo… Vì thế, chúng tôi huy động giáo viên thực tập, phụ huynh học sinh tham gia để trông coi các em. Khi rời địa điểm tham quan, chúng tôi điểm danh, nhắc nhở các em phải biết tự bảo vệ, phòng tránh thương tích cho chính mình và cho các bạn. Lúc ở trường, các em đều ngoan nhưng khi đi tham quan do hiếu động, đôi khi các em không nghe lời cô giáo hướng dẫn nên cần phải có sự giám sát của người lớn” - cô giáo Quyên thông tin. Còn phụ huynh cháu Lan Anh (Trường Mầm non Đôrêmon, TP.Tam Kỳ) cùng nhà trường đưa con đi tham quan Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh tại Bảo tàng tỉnh dịp 24.3 vừa qua, cho biết: “Khi di chuyển các cháu từ trường đến địa điểm tham quan, dù rất gần nhưng nhà trường luôn hướng dẫn kiến thức sơ đẳng về luật lệ giao thông, cách thức qua đường, không được chạm tay vào những vật nguy hiểm… Mệt, nhưng vui khi các cháu rất thích thú các đồ vật trưng bày, làng nghề truyền thống như nặn tò he, tranh ảnh màu sắc bắt mắt…”.

Những chuyện nên tránh

Hàng ngày báo đài đưa tin về những vụ tai nạn thương tâm, những cái chết bất ngờ của các em khi tham quan, dã ngoại tự phát, khiến cha mẹ, người thân đau đớn. Xin nêu một số trường hợp đau lòng. Ngày11.10.2015, 4 em Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) rủ nhau đi ra sông Đá Giăng để tắm. Khi không thấy con về, gia đình mới tổ chức tìm kiếm, mới hay cả 4 em đã bị chết đuối. Mới đây nhất, ngày 26.3 vừa qua, một nhóm học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) ra bãi biển Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) chơi và tắm biển và  3 em bị chết đuối. Các em tự thuê xe ra Đà Nẵng chơi, không có người lớn đi cùng, nhà trường không hề hay biết.

Tổng phụ trách đội của một trường học ở TP.Tam Kỳ tâm sự: “Các em học sinh tiểu học, THCS ở độ tuổi hiếu động nên mỗi lần tổ chức cho các em đi tham quan, dã ngoại bên ngoài đều rất vất vả. Để lo cho các em có một ngày đi chơi, các thầy cô giáo phải mất ăn mất ngủ cả tháng trời để chuẩn bị, lên kế hoạch chi tiết và dự lường các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp đối phó. Có như thế mới phòng ngừa được những trường hợp rủi ro, nếu không, lỡ có chuyện gì thì ân hận cả đời”. Tai nạn luôn rình rập con em chúng ta bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, vì thế, việc tổ chức những cuộc dã ngoại, những chuyến tham quan, nhà trường và hội phụ huynh học sinh cần phải phối hợp chuẩn bị kỹ càng. Khi không có người lớn đi cùng, không có được sự thống nhất của nhà trường, tuyệt đối không để con em mình đi tham quan, dã ngoại.

HÀ AN

HÀ AN