Đất học chuyển mình

XUÂN PHÚ 26/03/2017 10:20

Giáo dục đất Quảng sau 20 năm tái lập tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, cả về quy mô, mạng lưới trường lớp lẫn chất lượng, công tác đào tạo nhân tài, xứng danh truyền thống vẻ vang của vùng đất học.

Phát triển nhanh chóng

Ngày chia tách tỉnh năm 1997, Quảng Nam có 557 trường học các cấp, gồm 21 trường THPT, 131 trường THCS, 221 trường tiểu học và 184 trường mầm non. Quy mô giáo dục của một tỉnh vừa tái lập như vậy không phải là nhỏ, song thực tế vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh bởi địa bàn rộng, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều. Một số xã ở miền núi thời điểm đó vẫn chưa có trường THCS, thậm chí có huyện còn “trắng” trường THPT khiến cho học sinh (HS) phải sang địa phương khác để trọ học rất vất vả.

Coi “sự nghiệp GD-ĐT là quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có sự quan tâm rất lớn, trong đó mở rộng quy mô, phát triển mạng lưới trường, lớp học là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, dù điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng Quảng Nam vẫn “mạnh tay” trong việc đầu tư cho GD-ĐT. Hằng năm, nguồn ngân sách chi cho ngành chiếm đến hơn 20% tổng chi ngân sách nhà nước của địa phương. Nhờ đó, trong vòng 20 năm qua, tốc độ phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh phát triển vượt bậc. Cụ thể: có 257 trường được thành lập mới, từ 557 trường năm 1997 lên thành 814 trường. Đáng chú ý, số lượng trường THPT tăng hơn 2,5 lần, từ 21 trường lên 55 trường. Một số địa phương đồng bằng giờ đã có đến 5 trường THPT, còn các huyện miền núi ít nhất cũng có được 2 trường. Hiện tại, mạng lưới trường lớp các cấp đã phát triển đến tận thôn, bản với 266 trường mầm non, tiểu học: 275, THCS: 218 và THPT: 55, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cùng các học sinh đoạt giải kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2013-2014 tại buổi lễ tuyên dương, khen thưởng do UBND tỉnh tổ chức.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cùng các học sinh đoạt giải kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2013-2014 tại buổi lễ tuyên dương, khen thưởng do UBND tỉnh tổ chức.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng lẫn chất lượng. Hiện toàn ngành có hơn 20.000 nhà giáo với tỷ lệ đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở các bậc học đều xấp xỉ gần 100%. Trong đó, trên chuẩn chiếm tỷ lệ khá lớn như ở bậc mầm non hơn 88%, tiểu học và THCS hơn 61%. Toàn ngành hiện có 3 tiến sĩ, 240 thạc sĩ, tập trung chủ yếu ở các trường THPT và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Theo đánh giá của ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, đội ngũ nhà giáo đất Quảng hiện nay về cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nâng cao chất lượng, đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29. Hệ thống mạng lưới trường, lớp ở các cấp học, bậc học được rà soát, điều chỉnh hàng năm và phân bố khá hợp lý trên phạm vi cả tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của HS.

Những kỳ tích

Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, Quảng Nam cũng có những bước tiến nhảy vọt. Cụ thể, từ chỗ chỉ có 4 trường trung cấp chuyên nghiệp (2 của Trung ương và 2 của tỉnh) ở những ngày đầu mới tái lập tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2 trường đại học, 8 trường cao đẳng cùng hàng chục trường trung cấp, trung tâm, cơ sở đào tạo với ngành nghề đa dạng, chỉ tiêu hàng năm hơn 10.000 người. Trường Đại học Quảng Nam được xem là “cánh chim đầu đàn” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh. Sau 20 năm thành lập, nơi đây đã cung cấp cho tỉnh và khu vực hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp ở nhiều ngành.

Song song với phát triển quy mô, mạng lưới, công tác xây dựng trường học theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa được tập trung đầu tư. Nếu như trước đây ngành chỉ quan tâm đến việc đủ trường, đủ lớp thì nay, trường học phải đảm bảo các yêu cầu “xanh, sạch, đẹp và hiện đại” với đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy - học. Bởi vậy, thời gian qua những ngôi trường được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng trên địa bàn tỉnh không phải là hiếm, thậm chí như Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Tam Kỳ) được xây dựng với số tiền lên đến 60 tỷ đồng, hay Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được đầu tư với số tiền “khủng” gần 200 tỷ đồng, có đầy đủ phòng bộ môn, khu ký túc xá, trang thiết bị hiện đại.

Nhưng thành công nhất trong đầu tư xây dựng trường lớp những năm qua có lẽ là công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, hiện toàn tỉnh có 128 trường mầm non, 195 trường tiểu học, 118 trường THCS, 15 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Những địa phương có số trường đạt chuẩn nhiều như huyện Đại Lộc: 61 trường (100%), thị xã Điện Bàn: 68/70 trường (97,1%), huyện Phú Ninh: 33/34 trường (97%). Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc chia sẻ, xây dựng trường chuẩn là giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, được toàn ngành, địa phương và toàn xã hội quan tâm. Thông qua xây dựng trường chuẩn, các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công tác quản lý trường học được nâng cao rõ rệt. “Điều đáng mừng là đến nay, cả tỉnh đã có 456 trường đạt chuẩn, tỷ lệ 57,7%, trở thành địa phương dẫn đầu 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng trường chuẩn quốc gia. Đây là một trong nhưng thành quả nổi bật nhất của giáo dục đất Quảng trong 20 năm qua. Điều đó thể hiện sự quan tâm của tỉnh, huyện, các địa phương, nỗ lực của toàn ngành và sự hỗ trợ, đóng góp của toàn xã hội đối với sự nghiệp GD-ĐT nói chung, công tác xây dựng trường chuẩn nói riêng” - ông Quốc nói.

“Đến nay, cả tỉnh đã có 456 trường đạt chuẩn, với tỷ lệ 57,7%, dẫn đầu 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là một trong nhưng thành quả nổi bật nhất của giáo dục đất Quảng trong 20 năm qua. Điều đó thể hiện sự quan tâm của tỉnh, huyện, các địa phương, nỗ lực của toàn ngành và sự hỗ trợ, đóng góp của xã hội đối với sự nghiệp GD-ĐT nói chung, công tác xây dựng trường chuẩn nói riêng”.
(Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc)

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh đối với giáo dục vùng núi, vùng dân tộc, đặc biệt là trường chuyên đã được ban hành, tạo nên diện mạo mới cho giáo dục của tỉnh. Đến nay, Quảng Nam là một trong số ít địa phương trên cả nước thành lập 2 trường THPT chuyên (chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và chuyên Lê Thánh Tông) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trên địa bàn tỉnh theo học, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương. Cùng với đó là chế độ đãi ngộ đối với học sinh, giáo viên trường chuyên mà nhiều người cho là “hào phóng” thuộc loại nhất, nhì cả nước. Với sự đầu tư đó đã góp phần giúp ngành gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng. Lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, giáo dục Quảng Nam có được giải nhất môn Toán tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (em Võ Quang Hưng, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm giành giải nhất môn Toán năm học 2013-2014). Xếp vị thứ nhì khu vực miền Trung - Tây Nguyên với 28 giải học sinh giỏi quốc gia năm học 2015-2016 và lần đầu tiên có học sinh được dự tuyển vòng hai thi chọn vào đội tuyển dự thi Olympic quốc tế (Trương Công Cường và Trần Hoài Tây của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) cũng là một thành tích đáng nể của học trò Quảng Nam.

Bên cạnh thành tích mũi nhọn, ngành GD-ĐT còn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tạo ra sự chuyển biến tích cực ở các cấp học, bậc học. Là ngành học gặp rất nhiều khó khăn song những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, ngành học mầm non đã thật sự “lột xác”. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng khang trang, hiện tại có hơn một nửa số trường đạt chuẩn quốc gia. Cả tỉnh cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Học trò Quảng Nam thi đỗ vào các trường đại học ngày càng nhiều, trong đó nhiều em đạt số điểm khá cao, thậm chí đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học lớn của cả nước, góp phần khẳng định chất lượng giáo dục của tỉnh.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ