Tấm lòng của cô giáo xã đảo

ĐÔNG DƯƠNG 10/03/2017 08:49

Dù vất vả, gian nan nhưng cô Ngô Thị Quyền (SN 1987) – giáo viên Trường Mầm non Sao Biển (xã Tam Hải, huyện Núi Thành) vẫn miệt mài dốc sức giúp cho nhiều trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ được đến trường.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, cô Ngô Thị Quyền được giới thiệu lên công tác tại Trường Mầm non quốc tế Buôn Ma Thuột (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Dù công việc ổn định nhưng với mong ước được trở về quê hương, đến tháng 8.2010 cô đã xin chuyển công tác về Trường Mẫu giáo Sao Biển. Là một trường học ở xã đảo nên điều kiện mua sắm trang thiết bị, các mô hình dạy học còn thiếu thốn. Cô Quyền cùng với đội ngũ giáo viên ở trường chung tay gầy dựng, kêu gọi sự hỗ trợ từ xã hội để tạo môi trường học tập tốt hơn cho các em.

Bằng sự tận tâm của mình, cô Quyền đã giúp cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh được đến trường. Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG
Bằng sự tận tâm của mình, cô Quyền đã giúp cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh được đến trường. Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG

Với tâm niệm giúp các em có thể hòa nhập với bạn bè, cộng đồng nên khi nghe có trường hợp em nào không được đến trường, cô Quyền đều đến vận động gia đình cho các em ra lớp. “Tâm lý phụ huynh có con khuyết tật thường rất e ngại các em khó hòa nhập với môi trường chung nên thường cho con ở nhà. Vì vậy, khâu thuyết phục để họ hiểu và đồng thuận rất quan trọng” - cô Quyền nói.  Nhờ sự tận tâm, nỗ lực đó mà thời gian qua rất nhiều em bị thiểu năng trí tuệ đã đến lớp hòa nhập với bạn bè. Khi được hỏi về các khó khăn khi dạy những em học sinh bị thiểu năng trí tuệ, cô Quyền cười hiền bảo: “Các em quậy lắm, phá hết bạn này đến bạn kia, rồi lại quấy khóc. Ban đầu có nhiều em mình cũng bất lực lắm, phải nhờ vào phụ huynh. Sau một thời gian quan tâm, cuối cùng tôi cũng tìm được hướng để dỗ dành các em. Như trường hợp của em Nguyễn Thị Lan C. (lớp mẫu giáo nhỡ, khóa 2013 – 2014), em là trường hợp đặc biệt nhất mà tôi gần như phải trả về. Vì khi đó em C. chưa qua lớp mẫu giáo bé, chưa quen với trường lớp, lúc đến trường em liên tục quấy khóc, không chịu ăn như các bạn. Cứ liên tục như vậy một tháng rưỡi, sợ ảnh hưởng đến các em khác cũng như sức khỏe của em C. tôi định cho em nghỉ. Nhưng may mắn khi nắm bắt thói quen thích ăn bánh của em, tôi nghĩ ra cách tạo nên hộp cơm đặc biệt với những hình thù ngộ nghĩnh. Cuối cùng, bé đã chịu và dần dần quen với trường lớp hơn”.

Không chỉ vận động các em học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ đến trường, cô Quyền còn kêu gọi giáo viên trong trường hỗ trợ kinh phí cho các em học tập. Đồng thời mở các điểm bán hoa tươi vào những dịp lễ tết để tạo nguồn kinh phí tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Mình không có gì để giúp đỡ các em nên chỉ có thể lấy công làm lời, góp một phần nhỏ cho cuộc sống của các em được tốt hơn” - cô Quyền tâm sự.

Cô Ngô Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Biển cho biết, cô Quyền là một giáo viên nhiệt huyết, năng nổ nhất của trường. Với sự tận tâm và chịu khó trong nghề, cô Quyền đã giúp đỡ được rất nhiều em học sinh thiểu năng trí tuệ đến lớp cũng như những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.  Bằng sự tận tâm và nỗ lực của mình cô Quyền đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong lễ tuyên dương các thầy, cô giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trên huyện đảo, xã đảo trong cả nước vào tháng 11.2016 tại Hà Nội. Cùng thời gian này, cô Quyền cũng đã nhận được bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì thành tích trên.

ĐÔNG DƯƠNG

ĐÔNG DƯƠNG