Nhớ mãi trường xưa
Ngày 10.3.1975, Tiên Phước được hoàn toàn giải phóng. Bên cạnh việc ổn định đời sống nhân dân, chính quyền cách mạng tổ chức lại việc giảng dạy và học tập cho học sinh. Rồi hơn một năm sau, Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng được thành lập…
Tôi vẫn còn nhớ như in những năm tháng ấy. Đấy là năm học 1977 - 1978. Tôi lên lớp 10, học tại Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Lúc bấy giờ ngôi trường cấp 3 đầu tiên của huyện Tiên Phước được xây dựng sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, tọa lạc trên ngọn đồi cao ở thôn Phái Tây, thị trấn Tiên Kỳ. Trường gồm hai dãy phòng học đơn sơ tạo thành chữ L, sân trường trống hươ trống hoác, chỗ lồi chỗ lõm vì chưa kịp san bằng để trồng cây xanh. Phía sau dãy phòng học nằm ngang là dãy nhà tranh tre nứa lá dành cho các thầy cô giáo làm nơi ăn ở sinh hoạt, tăng gia sản xuất và đêm đêm bên ngọn đèn dầu hạt đỗ ngồi soạn giáo án để sáng hôm sau lên lớp dạy cho đám học trò. Để có được cơ ngơi như thế, trước đó cả năm, thầy Phạm Thanh Sơn - Hiệu trưởng, đã không quản ngại khó khăn vất vả đến từng nhà vận động những học trò to con lớn xác đến trường cưa xẻ gỗ đóng bàn ghế, bảng đen, cửa sổ, cửa ra vào…
Sở GD&ĐT tặng giấy khen cho các thầy cô giáo có thành tích xuất sắc nhân kỷ niệm 50 thành lập Trường Trung học Tiên Phước và 30 năm thành lập Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng năm 2007. Ảnh: T.MỸ |
Sau bao ngày lao động cật lực, cuối cùng Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng cũng đã có một cơ ngơi “tạm được” để khai giảng năm học đầu tiên vào mùa thu 1977. Giảng dạy tại trường là các thầy cô giáo trẻ măng vừa mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế. Đó là thầy Lê Khắc Tâm dạy môn Sử, thầy Thái Hoàng Nguyên dạy tiếng Anh, thầy Phạm Văn Hạng, Võ Văn Yên dạy môn Văn, thầy Nguyễn Khá dạy môn Vật lý, thầy Phùng Hữu Chữ dạy môn Toán… Trường có 2 khối lớp 10 và 11. Gọi là khối lớp 11 nhưng thực ra có một lớp với khoảng 40 học sinh được “chiêu mộ” từ Trường cấp 3 Trần Cao Vân - Tam Kỳ hồi hương về học tại địa phương và một số học sinh miền Nam quê Tiên Phước ra miền Bắc học từ trước 1975, nay chuyển về. Còn khối lớp 10 có 3 lớp: 10A, 10C và 10D. Là học sinh lớp 10C - lớp Toán, nhưng tôi lại học môn Văn khá nổi trội, vì thế tôi được thầy Phạm Văn Hạng và Võ Văn Yên rất yêu quý. Còn thầy Phùng Hữu Chữ - Chủ nhiệm lớp 10C, tin tưởng giao cho tôi và nhóm bạn gồm Võ Nguyên Lâm, Trần Niên Thành, Lê Thị Cúc, Nguyễn Thị Lệ Trình, Trần Thị Minh Nguyệt… “chủ công” trong việc làm báo tường chào mừng ngày Hiến chương Nhà giáo...
Hồi đó, thầy và trò gần như không có khoảng cách vì tuổi tác chênh lệch không nhiều (bởi phần lớn đi học muộn, không đúng tuổi như bây giờ), thể xác cũng... to cao như thầy giáo! Phía trước dãy nhà tập thể của các thầy cô giáo có vạt đất trống để trồng rau đậu cải thiện bữa ăn hàng ngày. Khổ nỗi, các thầy cô giáo lại không quen lao động chân tay, không có dụng cụ sản xuất, không có hạt giống gieo trồng. Trần Quang Bửu - học cùng lớp 10C với tôi, quê ở Tiên An là dân nông thứ thiệt. Hắn trọ học nơi xóm nhỏ cạnh trường. Thứ Bảy, Chủ nhật, hắn vác cuốc đến bới đất, đánh luống trồng rau muống hạt, rau cải các loại, giúp các thầy cô giáo tạo dựng vườn rau xanh mướt mát. Các thầy cô giáo chỉ lo chăm sóc, tưới nước và thu hoạch. Thầy Võ Văn Yên không ở tập thể mà ở nhờ nhà ông Bốn Ấn cạnh cổng trường. Ông Bốn Ấn không có vợ con, sống một mình như một dị nhân, bởi tóc tai dài lút gáy, mồm miệng lúc nào cũng lẩm bẩm điều gì đó. Tôi rất sợ ông Bốn Ấn. Nhưng tôi cũng rất thích được nghe thầy Võ Văn Yên đọc thơ bằng giọng Huế nhỏ nhẹ. Niềm đam mê thơ phú đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi, đến chơi nhà ông Bốn Ấn, tôi mới hay rằng, không như dáng vẻ bên ngoài, ông hiền từ, ăn ở sạch sẽ.
Quê hương những năm đầu nước nhà thống nhất cuộc sống của mọi người đều vất vả khó khăn. Các thầy cô giáo và đám học trò bọn tôi cũng chịu cảnh học hành thì ít, lao động thì nhiều. Tôi vẫn còn nhớ, năm lớp 10 cả trường đi lao động XHCN ở Gò Chò - một quả đồi rậm rạp cây cối nằm bên kia sông Tiên, khai phá rừng hoang lấy đất trồng sắn khoai giúp địa phương giải quyết cái ăn cho mấy ngàn dân trong thời gian tới. Năm lớp 11 đi lao động 2 tuần ở Tiên Phong, cắt lá làm phân xanh bón ruộng. Năm lớp 12, đến Nông trường Tiên Hà khai hoang gần 20 ngày. Đấy là những đợt lao động tập trung dài ngày đầy gian nan cực nhọc đối với đám học trò bọn tôi. Bù lại, đấy cũng là những đợt sinh hoạt tập trung vui nhất, ấn tượng nhất, thầy và trò như anh em trong nhà, không ngại ngùng khi chia sẻ những ước mơ hoài bão của mình. Tình hình đất nước lúc bấy giờ lại đang có chiến tranh ở biên giới Tây Nam. Lớp tôi có không ít bạn từ giã mái trường thân yêu, tạm biệt các thầy cô giáo và bạn bè lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Tọa lạc trên ngọn đồi cao, Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng ngày càng bộc lộ nhiều khó khăn. Mùa nắng hạn, nước không đủ dùng vì giếng đào cạn trơ đáy. Hai dãy phòng học xây bằng vôi trộn xi măng Thủy Tú có chất lượng quá kém nên xuống cấp trầm trọng. Nếu tôi nhớ không nhầm thì năm học 1979 - 1980, Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng sáp nhập với Trường cấp 2 Tiên Phước và đổi tên thành Trường cấp 2 - 3 Huỳnh Thúc Kháng, lấy cơ sở vật chất của Trường cấp 2 Tiên Phước tại trung tâm huyện làm nơi giảng dạy. Cuối năm học ấy, lớp 10C thi đỗ tốt nghiệp 100%. Bạn bè tôi nộp đơn thi vào các trường đại học ở Huế, Quy Nhơn… Còn tôi cầm súng lên đường làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia.
Thời gian trôi qua nhưng tôi và bao bạn bè tôi vẫn nhớ mãi ngôi trường xưa và những năm tháng ấy…
N.T.MỸ