Cử nhân sư phạm về đâu?

06/03/2017 09:57

Sinh viên sư phạm ra trường không tìm được nơi giảng dạy không còn là câu chuyện mới trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp lên đến “đỉnh điểm” như hiện nay, riêng với Quảng Nam đã lên tới hàng nghìn người, là hồi chuông báo động cho toàn xã hội về việc đào tạo không theo nhu cầu, thậm chí đào tạo tràn lan, gây lãng phí tiền của, công sức và nhiều hệ lụy khác không chỉ đối với người học.

KHỦNG HOẢNG THỪA

Gần 3.700 thí sinh (TS) không thể trở thành viên chức giáo viên sau kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục vừa được Sở GD-ĐT tổ chức là một con số đáng suy ngẫm về công tác đào tạo và tuyển dụng nhân lực ngành sư phạm hiện nay.

Thí sinh tại kỳ thi và xét tuyển giáo viên năm 2017.
Thí sinh tại kỳ thi và xét tuyển giáo viên năm 2017.

Nhìn từ đợt thi tuyển viên chức giáo dục

Sở GD-ĐT vừa tổ chức kỳ thi và xét tuyển nhằm tuyển dụng viên chức giáo dục với 2 hình thức là thi tuyển đối với viên chức giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và viên chức khác (gồm cán bộ thư viện, lưu trữ) và xét tuyển cạnh tranh với viên chức giáo viên THPT. Năm nay, chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo dục cả tỉnh nhiều nhất trong những năm gần đây với tổng cộng 1.303 chỉ tiêu. Đây được coi là cơ hội thuận lợi cho sinh viên sư phạm trong tỉnh ra trường tìm được việc làm, là dịp cho giáo viên đang giảng dạy hợp đồng tại các trường học công lập trên địa bàn tỉnh có điều kiện thực hiện ước mơ trở thành viên chức giáo viên.

Theo số liệu được công bố tại hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành được tổ chức vào năm 2016, từ năm 2013, dù Bộ GD-ĐT chỉ đạo giảm 10% chỉ tiêu đào tạo sư phạm hàng năm nhưng mỗi năm cả nước vẫn có thêm 4.000 sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Với tốc độ này, dự kiến đến năm 2020, cả nước có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp. Đây là một con số gây sốc cho nhiều người. Hiện cả nước có 108 cơ sở đào tạo sư phạm; trong đó gần như tỉnh, thành phố nào cũng có cơ sở đào tạo sư phạm.

Chỉ tiêu tuyển dụng lớn đến như vậy, song sức “nóng” của kỳ thi và xét tuyển vừa qua không hề giảm do số lượng TS đăng ký tham gia quá đông. Cụ thể, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo viên mầm non, tiểu học và THCS là 1.193 thì số lượng TS dự thi lên đến 3.895 người. Ngoại trừ TP.Tam Kỳ, Hội An, huyện Phước Sơn, Phú Ninh, Hiệp Đức, các địa phương còn lại dù chỉ tiêu không hề ít nhưng số lượng TS dự thi nhiều khiến cho cuộc đua tìm một vị trí trong biên chế ngành GD-ĐT khá căng thẳng, như Điện Bàn 879 TS (chỉ tiêu 252), Tiên Phước 589 (134), Đại Lộc 334 (119), Duy Xuyên 324 (93), Nông Sơn 306 (76), Núi Thành 375 (147), Thăng Bình 340 (144)… Ở bậc THPT, cuộc đua còn “nóng” hơn khi 1.077 TS cạnh tranh cho 110 chỉ tiêu. Nhiều bộ môn có tỷ lệ “chọi” khá lớn như môn Toán 216 TS dự tuyển (chỉ tiêu 24), Lý 207 (14), Hóa 150 (22), Văn 60 (3).

Chứng kiến gương mặt lo âu của nhiều TS tham gia đợt tuyển dụng vừa qua, có thể hiểu tâm trạng của họ. Sau bao nhiêu năm đèn sách và tốn kém kinh phí của gia đình, những người trẻ được đào tạo bài bản với ước mơ trở thành nhà giáo sẽ phải cạnh tranh quyết liệt để tìm chỗ đứng trên bục giảng song cơ hội không nhiều. Cho biết mình trả lời ở phần thi phỏng vấn khá trôi chảy, song thí sinh Trần Trung Tín (Thăng Bình) tỏ ra thiếu tự tin khi bảo rằng cơ hội trúng tuyển chỉ là 50-50. “Không biết các bạn khác thi như thế nào nên không thể nói bản thân có hy vọng nhiều hay ít. Hơn nữa, kỳ thi này sự cạnh tranh còn căng thẳng hơn khi thi vào đại học cách đây 4 năm, càng làm cho mình lo lắng” - Tín chia sẻ.
Với tổng chỉ tiêu tuyển dụng 1.303 nhưng có đến 4.976 TS dự thi, điều đó cũng có nghĩa, sau đợt thi và xét tuyển vừa qua, sẽ có gần 3.700 người không có cơ hội trở thành viên chức giáo viên của ngành GD-ĐT tỉnh. Nói cách khác, số cử nhân sư phạm này trong thời gian tới, hoặc phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, hoặc sẽ làm những công việc không đúng chuyên môn đào tạo. Đây là con số khiến nhiều người không khỏi giật mình, cho thấy một cuộc khủng hoảng thừa cử nhân sư phạm đang diễn ra khá trầm trọng trên địa bàn tỉnh. Vừa tạo ra tâm lý không tốt cho người đã ra trường và cả sinh viên sư phạm đang ngồi trên ghế giảng đường, tình trạng này vừa gây lãng phí công sức, tiền của.

Đào tạo không gắn nhu cầu

Một thực tế trong đào tạo nguồn nhân lực thời gian qua ở nước ta là mạnh ai nấy đào tạo, bất chấp nhu cầu của xã hội ra sao. Đào tạo sư phạm cũng không là ngoại lệ, thậm chí độ “vênh” giữa đào tạo và sử dụng ngày càng lớn làm cho tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp tăng.

Tiền thân là trường trung cấp sư phạm rồi cao đẳng sư phạm, nên khi nâng cấp lên thành đại học đa ngành, đa cấp, đa hệ với khá nhiều ngành được mở, song sư phạm vẫn là ngành đào tạo chủ đạo của Trường Đại học Quảng Nam. Có thể nói, việc thành lập Trường Trung cấp sư phạm Quảng Nam vào thời điểm năm 1997 và sau đó nâng cấp lên thành trường cao đẳng sư phạm là cần thiết và kịp thời, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực giáo viên cho tỉnh. Chính nguồn nhân lực đào tạo tại trường giai đoạn này đã góp phần bổ sung đội ngũ giáo viên cho cả tỉnh, nhất là giáo viên người dân tộc thiểu số cho các huyện miền núi. Hiện tại, quy mô đào tạo sư phạm của trường tuy không còn lớn như trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể, cả bậc đại học, cao đẳng lẫn trung cấp. Tuy nhiên, theo TS. Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam, những năm qua, trước nhu cầu giáo viên của tỉnh ngày càng ít, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo hướng giảm chỉ tiêu, quy mô đào tạo ngành sư phạm trong tổng thể quy mô đào tạo của trường. Đơn cử như tuyển sinh chính quy năm 2016, trong tổng số 1.200 chỉ tiêu tuyển sinh đại học với 12 chuyên ngành đào tạo thì chỉ tiêu đào tạo sư phạm là 450 với 5 chuyên ngành, chỉ tiêu 300 cao đẳng với 6 chuyên ngành đào tạo thì chỉ tiêu sư phạm chỉ là 100. Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2017, chỉ tiêu đại học là 1.040 thì ngành sư phạm là 350, còn cao đẳng sư phạm là 100 trong tổng số 300 chỉ tiêu.

Nhưng ngành sư phạm không chỉ được đào tạo tại Trường Đại học Quảng Nam mà còn nhiều trường đại học khác trên cả nước và số lượng sinh viên sư phạm Quảng Nam theo học ở ngoài tỉnh là rất lớn. Đơn cử như tại đợt tuyển dụng viên chức giáo dục vừa qua, chỉ tính riêng xét tuyển viên chức giáo viên THPT (theo quy định, trừ một số trường hợp đặc biệt, còn lại chỉ những người có hộ khẩu tỉnh Quảng Nam mới được tham gia xét tuyển), số người học tại các trường khác nhau trên cả nước chiếm đến gần 76% (817 TS trong tổng số 1.077 TS tham gia); trong đó nhiều nhất là Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, tiếp theo là Đại học Sư phạm Huế, Đại học Quy Nhơn. Chỉ có 260 người học tại Trường Đại học Quảng Nam. (XUÂN PHÚ)

VÀ NHỮNG NỖI NIỀM

Bên lề đợt thi tuyển, xét tuyển viên chức ngành giáo dục, chúng tôi đã được nghe câu chuyện về tâm trạng, cảm xúc của những người trong cuộc đối với nghề gieo chữ.

Sau niềm vui tại buổi lễ tốt nghiệp là nỗi lo tìm kiếm công việc.
Sau niềm vui tại buổi lễ tốt nghiệp là nỗi lo tìm kiếm công việc.

Bươn chải để sống

Để xin được việc làm ổn định, đúng ngành học đối với sinh viên sư phạm chưa bao giờ là dễ dàng, bởi vì “cung” luôn lớn hơn “cầu”. Một đến hai năm đầu ra trường, có rất ít cử nhân sư phạm xin được việc làm đúng ngành học, dù chỉ là “chân” hợp đồng ngắn hạn. Để kiếm sống, các bạn đã phải bươn chải, làm đủ việc, từ gia sư đến công nhân, phục vụ nhà hàng, quán ăn… Bùi Văn Lý (27 tuổi, quê Thăng Bình) tốt nghiệp ngành sư phạm Toán Trường Đại học Quảng Nam từ tháng 10.2016 nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc làm. Để kiếm thu nhập trang trải cho cuộc sống, Lý vẫn đang tiếp tục công việc gia sư đã làm suốt 4 năm học đại học. Tuy nhiên, làm gia sư cũng chỉ qua ngày, mong muốn của Lý là tìm được một công việc ổn định, sau đó mới tiếp tục tính đến việc đi dạy thêm. Lý cho biết: “Mình đang dạy kèm tại nhà cho 2 học sinh 12 và 2 học sinh lớp 10, mỗi tháng kiếm được 4,5 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống. Nhưng tâm lý thì không yên, vì nhiều lúc nghĩ chẳng lẽ cứ phải đi làm gia sư mãi như vậy”. Lý là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em, trong đó có 4 người đều theo ngành sư phạm. Nhưng đến nay mới chỉ có 2 chị đầu xin được việc làm, em gái của Lý học sư phạm Tiểu học cũng thất nghiệp gần 2 năm nay. “Mình biết học sư phạm rất khó xin việc nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi vì sở thích và tình yêu với nghề dạy học. Vừa rồi mình có tham gia đợt thi tuyển viên chức, mong là sẽ trúng tuyển để được theo đuổi đam mê đó đến suốt đời” - Lý tâm sự.

Cùng tốt nghiệp ngành sư phạm Toán, Trần Minh Thạch (quê Phú Ninh) dù đã nộp đơn xin việc tại nhiều nơi nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời “đã đủ chỉ tiêu”. Hiện giờ công việc chính của Thạch là gia sư dạy phụ đạo cấp 2, cấp 3. Thạch chia sẻ, do khi còn là sinh viên năm 3 đã tự đi xin dạy kèm nên đến nay cho dù chưa xin được việc làm nhưng công việc gia sư cũng giúp đỡ phần nào. “Mình đang có 3 suất dạy kèm tại nhà cho học sinh lớp 7 và lớp 12, thu nhập mỗi tháng cũng được khoảng 3 triệu đồng” - Thạch nói. Cùng ngành, cùng quê với Thạch, ngay khi vừa tốt nghiệp bạn Huỳnh Thị Lệ Hà đã vào TP.Hồ Chí Minh để kiếm việc làm. Buổi sáng Hà phụ may quần áo cho người quen, buổi tối nhận dạy thêm tại trung tâm giáo dục. Trung bình mỗi tháng Hà thu nhập 5 - 6 triệu đồng. Hà cho biết: “Sau khi tốt nghiệp mình có nhờ người quen ở quê nộp đơn xin dạy ở Bắc Trà My nhưng không được, nên vẫn phải tiếp tục ở lại đây để kiếm việc làm, được đến đâu hay đến đó”.

Đã đi dạy vẫn chưa yên

Không phải sinh viên sư phạm nào ra trường chưa có việc làm cũng tìm được chỗ làm gia sư. Những sinh viên tốt nghiệp thuộc các ban tự nhiên (Toán, Lý, Hóa…) mới dễ tìm được suất đi dạy kèm, còn người học xã hội ít cơ hội hơn. Nên để trang trải cuộc sống, không ít bạn đã phải đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp hoặc xin một chân bưng bê ở quán cà phê, quán ăn nào đó. Tuy nhiên, người học sư phạm chưa xin được việc, phải đi làm trái nghề, nhiều lúc còn đỡ hơn những người đã có việc nhưng nguy cơ thất nghiệp lại đang cận kề. Đó chính là tâm lý của những thầy, cô giáo đang dạy hợp đồng ở các trường học trên địa bàn tỉnh vừa mới tham gia đợt thi tuyển viên chức. Đợt thi vừa kết thúc nhưng chưa có kết quả, hiện nay, họ vẫn trực tiếp giảng dạy, công tác tại các cơ sở trường học nhưng nguy cơ mất việc làm, mất quyền lợi lao động đang chờ họ phía trước. Bởi trong cuộc đua thi tuyển, xét tuyển viên chức này chưa biết ai sẽ là người được ở lại và ai sẽ phải “khăn gói” ra đi. Tâm trạng luôn lo lắng, bất an vì không biết tương lai nghề nghiệp của mình ra sao sau những năm tháng tận tâm dạy học.

Có thâm niên dạy học gần 5 năm nhưng cô N.T.T.H. - giáo viên một trường mẫu giáo ở thị xã Điện Bàn vẫn phải tham gia thi tuyển viên chức để tìm cơ hội có chỗ đứng vững chắc hơn trong nghề. Cô H. cho biết, những ngày chuẩn bị cho thi tuyển, cô vừa dạy học ở trường vừa phải tất bật làm hồ sơ đăng ký thi tuyển. Đang nuôi con nhỏ, chồng đi làm xa, công việc của giáo viên mầm non chiếm thời gian cả ngày nên cô phải đợi ban đêm mới tranh thủ học bài. Từ ngày thi xong, tâm trạng cô H. không lúc nào bớt lo lắng vì cứ nghĩ đến chuyện thi trượt. “Cái nghề đã gắn bó với mình 5 năm với biết bao niềm vui, hạnh phúc. Nên nhiều lúc nghĩ nếu lỡ bị trượt không biết thế nào. Chắc sẽ buồn lắm vì không được gắn bó với trường với các em học sinh mỗi ngày. Đặc biệt là mất đi nguồn thu nhập ổn định để nuôi con. Mình sẽ phải làm lại từ đầu, có thể tiếp tục theo nghề giáo nếu chấp nhận xin đi dạy, cũng có khi sẽ phải xin một công việc khác” - cô H. chia sẻ.

Đợt thi viên chức giáo dục vừa qua, cô giáo T.T.G. cùng chồng dẫn con trai 5 tuổi khăn gói từ TP.Đà Nẵng vào TP.Tam Kỳ thuê khách sạn ở 2 ngày để đi thi. Vợ đi thi nhưng tâm trạng của người chồng cũng lo lắng không kém phần. Chia sẻ với chúng tôi, anh Thắng (chồng cô G.) cho biết: “Nhà mình sống ở Đà Nẵng, vợ chồng đều xa quê nên phải khó khăn lắm vợ mình mới xin đi dạy hợp đồng ở một trường mẫu giáo tại thị xã Điện Bàn. Nay đùng một cái phải đi thi để tìm cơ hội mong manh được ở lại trường nên vợ chồng mình rất lo lắng. Dù đã tích cực động viên vợ ôn bài cẩn thận nhưng cơ hội rất thấp vì tỷ lệ người tham gia thi khá đông. Chẳng may bị trượt thì lại quay về cái lúc thất nghiệp như mấy năm trước, lúc đó không biết xin cho vợ công việc gì đây”. (VINH ANH - THI THẢO)

NGUYÊN NHÂN TỪ NHIỀU PHÍA

Dẫn đến “khủng hoảng thừa” cử nhân sư phạm như hiện nay, trước hết do các cơ sở đào tạo mạnh ai nấy làm, sự lỏng lẻo trong quản lý nhà nước về đào tạo của Bộ GD-ĐT và các địa phương; song người học cũng nên tự nhìn nhận lại mình. Cách đây 20 năm, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ra đời đã thu hút lượng lớn người học. Chính sách này đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên trên cả nước và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay thì chính sách này không còn phù hợp, thậm chí là “con dao hai lưỡi”. Không ít người học chọn ngành sư phạm để đỡ gánh nặng học phí vì gia đình nghèo. Điều này không có gì chê trách nếu như người học đam mê với nghề dạy học. Tâm lý đổ xô học sư phạm cho đỡ tiền học phí cũng phần nào gián tiếp giúp cho các cơ sở đào tạo thi nhau tăng chỉ tiêu đào tạo, thậm chí mở ngành tràn lan.

 Đào tạo sư phạm tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Ảnh: N.ÁNH
Đào tạo sư phạm tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Ảnh: N.ÁNH

Nhu cầu của người học là có, song nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực lại khá hạn chế. Ngay trên địa bàn tỉnh, đã có Trường Đại học Quảng Nam, vậy mà từ năm 2013 Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam vẫn được phép đào tạo sư phạm. Đến nay, nơi đây đã cung cấp cho thị trường lao động 1.500 người tốt nghiệp giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. TS. Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam cho hay, việc xây dựng chỉ tiêu đào tạo các ngành nói chung, ngành sư phạm nói riêng của Trường Đại học Quảng Nam đều dựa trên nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh. Với quy mô, số lượng sinh viên sư phạm mà nhà trường đào tạo hiện nay rõ ràng là chưa đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên của tỉnh. Vì vậy, tình trạng thừa khá nhiều sinh viên sư phạm bởi có nhiều trường trên cả nước đào tạo với số lượng lớn. Trong khi chỉ tiêu đào tạo của Trường Đại học Quảng Nam được quản lý chặt chẽ thì chỉ tiêu đào tạo sư phạm của các trường khác bị thả nổi.

Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, đào tạo không theo nhu cầu của xã hội dẫn đến tình trạng hàng loạt sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp là một bất cập trong thời gian qua. Đó cũng là thực trạng đáng buồn khi nhiều người tham gia kỳ thi và xét tuyển viên chức giáo viên vừa qua song không được chọn vì chỉ tiêu có hạn. “Để khắc phục tình trạng này, các ngành chức năng của tỉnh cần được tham gia việc thẩm định, xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trước khi tham mưu cho tỉnh quyết định. Chỉ có gắn với nhu cầu sử dụng mới tránh xảy ra tình trạng đào tạo tràn lan, làm cho nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Trong công tác sử dụng, những năm sau việc tuyển dụng giáo viên cần được tổ chức hàng năm nếu các địa phương, trường học có nhu cầu” - ông Quốc nói.

Những năm gần đây, nhu cầu giáo viên của tỉnh rất ít, thậm chí một số địa phương rơi vào tình trạng thừa giáo viên khi thực hiện đề án luân chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng. Gần như các địa phương, trường học đồng bằng đều “đóng cửa”, trong khi các huyện miền núi tuyển dụng với số lượng hạn chế. Ngành sư phạm rất khó xin việc làm ai cũng biết, nhưng không vì thế mà người học “bỏ rơi” ngành này. Con số gần 3.700 cử nhân sư phạm sẽ dôi dư sau kỳ tuyển dụng giáo viên vừa qua cho thấy một thực tế đáng buồn trong đào tạo nhân lực sư phạm hiện nay. Do đó, trách cơ sở đào tạo thi nhau đào tạo tràn lan, không theo nhu cầu sử dụng, người học cũng nên tự trách mình khi đưa ra quyết định chọn ngành học và việc làm cho tương lai của mình. (NGỌC ÁNH)