Một đời gắn bó với vùng cao Nam Trà My
Gần 30 năm dạy học ở vùng cao Nam Trà My, thầy giáo Nguyễn Văn Năm đã gắn bó với vùng cao, với các em học sinh nơi đây, không về xuôi nữa!
Thầy giáo Nguyễn Văn Năm. |
Thầy Nguyễn Văn Năm là Hiệu trưởng Trường Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Nam nằm chênh vênh bên sườn núi cao thuộc nóc Mang Dí 4 (thôn 1 xã Trà Nam, huyện Nam Trà My). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo hiếu học tại xã Bình Định, huyện Thăng Bình, năm 1986, thầy tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Đà Nẵng. Năm 1987, thầy tình nguyện lên vùng cao Nam Trà My dạy tại Trường Tiểu học Trà Linh, nơi hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc Xê Đăng. Thầy nhớ lại, hồi đó, khi huyện Trà My chưa chia tách thành hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, từ thị trấn Tắk Pỏ đến điểm trường cách xa gần 40km, phải đi bộ. Ngày ấy, không có đường ô tô như bây giờ, phải đi bộ 2 ngày đường mới lên tới điểm trường. Lúc ấy, đôi chân rướm máu vì không quen đi đường núi nhưng nghĩ đến việc mang con chữ cho trẻ em vùng cao tôi lại quên đi bao nhọc nhằn vất vả. Điểm trường mà tôi giảng dạy giáp với huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), khuất nẻo heo hút, sống với dân ăn cơm nếp hoài nên nhớ mùi cơm gạo ở quê nhà..
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Năm tâm sự: “Vùng cao Nam Trà My, là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Xê Đăng, để bám trụ được nơi này, trước hết phải học đi bộ. Muốn gần dân phải học tiếng của dân, ăn và sống như một người dân tộc thiểu số thật sự và biết thương học trò nơi đây. Vì thế, tôi phải mất gần 3 năm mới nghe và hiểu tiếng nói của người dân”. Khó khăn trong giao tiếp vì ngôn ngữ bất đồng là rào cản làm cho việc giảng dạy cho học sinh gặp nhiều trở ngại. Những lúc như vậy, thầy giáo phải nhờ học trò nói giỏi tiếng Kinh làm phiên dịch để truyền đạt kiến thức cho học trò trong lớp”. Hồi đó, ở đây thiếu giáo viên trầm trọng nên hàng ngày thầy Năm và các đồng nghiệp khác được phân công dạy 3 ca/ngày, không có thời gian nghỉ trưa nên giáo viên chỉ tranh thủ ăn cơm trong lúc học sinh ra chơi. Thầy Năm cho biết, những năm cuối thập niên 80, nơi đây không có điện, các thầy vừa lên lớp, vừa mang đèn theo, đến tối cả vùng cao chìm trong đêm tối. Ngày ấy, có lớp chỉ có 4 học sinh, mỗi em một góc co ro lại vì giá lạnh. Nhìn các em, các thầy thương lắm, mỗi lần về thăm nhà, thầy lại tìm kiếm áo quần cũ mang lên cho các em mặc.
Điểm Trường dân tộc bán trú Tiểu học Trà Nam, nơi thầy Năm đang công tác và giảng dạy.Ảnh: N.V.S |
Sau gần 17 năm công tác tại Trường Tiểu học Trà Linh, năm 2004 thầy Nguyễn Văn Năm được Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My luân chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Nam đến giờ. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Huỳnh Thị Thanh Vân dạy cùng trường với thầy Nguyễn Văn Năm cho biết: “Thầy Năm là người hiền lành, rất yêu thương học trò. Bên cạnh đó, trên cương vị hiệu trưởng, thầy luôn chăm lo đến đời sống giáo viên nhà trường”. Chiều trên vùng cao Nam Trà My mưa cứ dai dẳng hoài. Tiễn chúng tôi ra tận con dốc đầu thôn 1, thầy Năm bảo với chúng tôi rằng, thầy và các giáo viên ở đây đã gắn bó với vùng cao, với các em học sinh nơi đây, không về xuôi nữa!
NGUYỄN VĂN SƠN