Xã hội hóa xây dựng thư viện trường học
Hiện trên địa bàn TP.Tam Kỳ có nhiều trường học đã huy động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng thư viện nhà trường khang trang.
Tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, phường An Phú, thư viện nhà trường giờ ra chơi có rất đông các em học sinh đến đọc sách. Mỗi em tự chọn cho mình một quyển sách yêu thích theo từng chủ đề và ngồi đọc tại bàn. Mặc dù thư viện của một trường nằm ở vùng đông còn nhiều khó khăn nhưng nhờ huy động nhiều nguồn lực khác nhau, nhà trường đã xây dựng thư viện đáp ứng được nhu cầu đọc của học sinh. Em Đỗ Lê Tấn An, học sinh lớp 5B chia sẻ: “Em có sở thích tìm đọc các loại sách về lịch sử, về các vùng miền của đất nước. Ở thư viện nhà trường, loại sách này có rất nhiều, đáp ứng được nhu cầu của em”.
Học sinh đọc sách tại thư viện Trường Tiểu học Ngô Quyền trong giờ giải lao. Ảnh: L.T |
Còn tại Trường Tiểu học Trần Quý Cáp, xã Tam Ngọc, ngoài việc phục vụ nhu cầu đọc sách cho học sinh, giáo viên, thư viện nhà trường còn đón tiếp nhiều lượt bạn đọc tại địa phương. Trong năm học 2015 - 2016, thư viện nhà trường đã đón gần 300 lượt bạn đọc ngoài nhà trường. Tháng 11.2016 vừa qua, thư viện nhà trường được công nhận là thư viện xuất sắc. Kết quả này không chỉ là sự nỗ lực của nhà trường mà còn có phần đóng góp từ nguồn lực xã hội hóa. “Nhà trường đã huy động tất cả nguồn lực, từ đóng góp của các em học sinh với sự đồng thuận cao của các bậc phụ huynh. Mỗi giáo viên nhà trường đóng góp một quyển sách có giá trị từ 50 ngàn đồng trở lên. Bên cạnh đó, trong năm 2016, địa phương đã hỗ trợ cho nhà trường 12 triệu đồng để trang bị thêm sách mới cho thư viện” - cô Huỳnh Thị Ngọc Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói.
Việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa thư viện trường học đã mang lại một diện mạo mới cho các thư viện, kích thích được sự ham đọc sách trong học sinh. Do đó, Phòng GD&ĐT TP.Tam Kỳ đang có nhiều định hướng nhằm đẩy mạnh hoạt động này, nhất là đối với một số trường học còn khó khăn trên địa bàn. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT TP.Tam Kỳ cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Thư viện tỉnh, trong thời gian sắp tới sẽ tổ chức đưa sách theo kế hoạch đến Trường THCS Thái Phiên (xã Tam Thanh). Hàng tháng, Thư viện tỉnh sẽ luân chuyển về khoảng vài trăm đầu sách và có sự thay đổi các loại sách theo từng tháng. Bên cạnh đó, mô hình “tủ sách lưu động” của Thư viện tỉnh cũng sẽ tăng cường xuống các địa phương vùng đông TP.Tam Kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu đọc không chỉ riêng cho học sinh mà còn phục vụ cho cả người dân địa phương. Trên cơ sở đó, góp phần xây dựng văn hóa đọc tại cộng đồng hướng đến xây dựng xã hội học tập ở vùng đông thành phố”.
Việc xã hội hóa nguồn lực để xây dựng thư viện trường học với không gian đọc thoáng rộng, cập nhật các loại sách mới, sách hay là một trong những yếu tố quan trọng thu hút học sinh đến với thư viện. Đây là cách làm hay, góp phần vực dậy văn hóa đọc trong học sinh ở các trường học, cần được Phòng GD&ĐT TP.Tam Kỳ nhân rộng ra trên toàn địa bàn.
LÊ THU - QUANG SƠN