Gieo con chữ nơi thôn bản
Vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất và các trang thiết bị dạy học, giáo viên ở các thôn, bản vùng cao của xã Trà Mai (Nam Trà My) vẫn ngày đêm miệt mài gieo con chữ cho các em học sinh ở những vùng quê nghèo.
Cô và trò ở vùng cao Nam Trà My. Ảnh: T.B |
Cách trung tâm xã gần 10km đường đèo dốc, thôn 3, xã Trà Mai nằm cheo leo trên núi. Điểm trường mẫu giáo nóc Tắk Oóc thuộc thôn 3 đã xây dựng cách đây 10 năm, cơ sở khá tạm bợ, vách dựng lên bởi những vật liệu tại chỗ như gỗ, tre nứa, mái lợp bằng tôn. Dù điều kiện còn có nhiều khó khăn, thiếu thốn thế nhưng tình cảm cô trò lại hết sức gắn bó, gần gũi. Đặc biệt trong thời gian gần đây các em trong độ tuổi đến lớp được cha mẹ quan tâm nhiều hơn, dành thời gian để đưa con đến trường. Chị Hồ Thị Mai, thôn 3, xã Trà Mai chia sẻ: “Con tôi được đi học ở lớp biết nhiều điều, biết viết chữ, biết hát. Gởi con cho cô giáo dạy học mình thấy yên tâm hơn ở nhà”.
Trước đây, bà con ở các thôn, nóc của huyện ít quan tâm đến chuyện học hành của con cái, nhưng được chính quyền địa phương và giáo viên vận động nên tất cả gia đình đều ý thức trong việc đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi. Có được kết quả này, giáo viên cắm bản phải bỏ công sức, đi bộ nhiều ngày liền vào các thôn bản cùng ăn, cùng ở với người dân để thuyết phục bà con đưa con em tới trường. Cô giáo Hồ Thị Hà - giáo viên mầm non điểm trường thôn 3, xã Trà Mai tâm sự: “Tuy lớp học ở đây còn thiếu thốn nhiều nhưng phụ huynh của các cháu đã quan tâm đến việc học hành của con mình. Sáng sớm họ đã cõng con đến lớp đúng giờ dù đường sá đi lại xa xôi. Lớp học đông đủ là giáo viên vui lắm rồi”.
Cuộc sống của giáo viên vùng cao tuy vất vả nhưng các thầy cô nơi đây vẫn luôn yêu nghề, thương con trẻ. Họ vẫn đang ngày đêm miệt mài, đem hết tâm huyết để gieo chữ cho trẻ em vùng cao. Đều đặn nơi thôn bản xa xôi này cô, trò vẫn rộn rã tiếng đọc bài, tiếng cười như xua tan sương sớm vùng cao.
THÁI BÌNH