Đầu tư nguồn lực con người

XUÂN PHÚ 05/12/2016 08:47

TP.Tam Kỳ đang xây dựng chiến lược đầu tư nguồn lực con người qua đề án phát triển giáo dục thành phố giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện và chuẩn hóa trên nhiều lĩnh vực. Nguồn kinh phí thực hiện đề án này lên đến 231 tỷ đồng.

Chuyển biến chất và lượng

Trở thành đô thị tỉnh lỵ nhưng một thời gian dài hệ thống trường lớp cũng như chất lượng giáo dục của TP.Tam Kỳ chưa tương xứng. Nguyên do không phải khó khăn về kinh phí mà là vì tư duy đầu tư của địa phương. Không có cái nhìn xa rộng, thiếu hẳn kế hoạch dài hơi trong quy hoạch phát triển sự nghiệp GD-ĐT nên một số trường học thời ấy chỉ được xây dựng với quy mô cấp 4 tại những vị trí không hợp lý. Sau đó, địa phương thay đổi cách làm từ đầu tư manh mún, dàn trải sang tập trung với định hướng tạo đột phá mạnh mẽ đã giúp cho sự nghiệp GD-ĐT của thành phố những năm gần đây có được những chuyển biến tích cực, vươn lên nằm ở tốp đầu của tỉnh.

Tam Kỳ đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục với mục tiêu giữ vững trong tốp đầu cả tỉnh. Ảnh: X.P
Tam Kỳ đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục với mục tiêu giữ vững trong tốp đầu cả tỉnh. Ảnh: X.P

Đến nay, trong tổng số 38 trường học các cấp từ mầm non, tiểu học đến THCS của thành phố đã có 34 trường được tầng hóa, kiên cố hóa; đặc biệt 30 trường hoàn thành việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Song trong toàn cảnh chiến lược trồng người của TP.Tam Kỳ, thành quả đầu tư xây dựng trường lớp khang trang theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa chỉ là một phần trong kế hoạch phát triển sự nghiệp GD-ĐT, chưa phải là bước đột phá đáng nói nhất. Bởi thực tế những năm trước, Tam Kỳ đã đi đầu cả tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiều chính sách về phát triển GD-ĐT, chẳng hạn như chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang loại hình công lập, hay đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy - học, nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh và tin học ở bậc tiểu học. Trên lĩnh vực con người, thành phố cũng tiên phong trong việc tổ chức thi tuyển các chức danh cán bộ quản lý trường học, ưu tiên tuyển dụng những giáo viên giỏi, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhằm kéo được người thực tài về với địa phương. Nhờ đó, ngành giáo dục Tam Kỳ đã xây dựng được đội ngũ có chất lượng với 100% cán bộ quản lý và hơn 89% giáo viên có trình độ trên chuẩn, nhiều giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Đây chính là những vấn đề cốt lõi, quan trọng góp phần quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn.

Tại lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương khen thưởng năm học 2015 - 2016 do Sở GD-ĐT tổ chức vừa qua, ngành GD-ĐT TP.Tam Kỳ đã được vinh danh với nhiều phần thưởng cao quý. Đó là Trường THCS Lý Tự Trọng được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Trường Tiểu học Kim Đồng được Bộ GD-ĐT tặng cờ thi đua xuất sắc, Phòng GD-ĐT thành phố, Trường Mẫu giáo Ánh Dương, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Nhiều năm qua, ngành GD-ĐT thành phố thường xuyên nằm ở tốp đầu của tỉnh về phong trào học sinh giỏi; học sinh Tam Kỳ thi đỗ vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn chiếm tỷ lệ cao so với các địa phương khác. Rõ ràng, những gì mà ngành giáo dục Tam Kỳ đạt được trong những năm qua thể hiện sự nỗ lực của ngành nhưng sự quan tâm đầu tư của chính quyền thành phố đóng vai trò quan trọng.
Đổi mới căn bản, toàn diện

TP.Tam Kỳ rất quan tâm đến sự nghiệp GD-ĐT, thể hiện ở việc thành phố xây dựng khá nhiều đề án liên quan đến lĩnh vực này. Mới đây nhất, sau khi đề án phát triển giáo dục thành phố giai đoạn 2010 - 2015 kết thúc, Tam Kỳ tiếp tục xây dựng đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu tạo bước đột phá trong chiến lược đầu tư nguồn lực con người gắn với phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thành phố đưa ra định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp cho phù hợp với nhu cầu, quy mô, có kế hoạch dự trữ quỹ đất và bố trí vị trí phù hợp cho việc xây dựng, mở rộng trường học. Trong giai đoạn 2016 - 2020, có thể thành lập mới một số trường mầm non, tiểu học, nhất là vùng đông nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân Khu công nghiệp Tam Thăng. Bằng các nguồn lực khác nhau, theo cơ chế thành phố đầu tư từ ngân sách tập trung và các chương trình mục tiêu xây dựng các hạng mục chính, các xã, phường và huy động các nguồn hợp pháp khác đầu tư các hạng mục còn lại, tập trung hoàn thành việc tầng hóa, kiên cố hóa và chuẩn hóa 100% trường học trên địa bàn thành phố vào năm 2018. Thực hiện đổi mới công tác quản lý, thành phố sẽ phân cấp quản lý cho phòng GD-ĐT, các trường về thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý đội ngũ, thực hiện chế độ chính sách. Thành phố cũng có cơ chế quy định về việc thu hút nhân tài về công tác tại ngành giáo dục, ưu tiên tiếp nhận giáo viên giỏi, có nhiều thành tích. Cạnh đó, xem xét hợp đồng lao động đối với các đối tượng tốt nghiệp thạc sĩ, đại học chính quy loại giỏi.

Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, việc xây dựng đề án là để tiếp tục phát triển sự nghiệp GD-ĐT, tạo bước đột phá trong chiến lược đầu tư nguồn lực con người. Vì vậy, mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung mọi nguồn lực phát triển giáo dục theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện và chuẩn hóa trên các lĩnh vực, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, cảnh quan đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và thu hút nhân tài, xây dựng ngành giáo dục Tam Kỳ trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của tỉnh.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ