Thi THPT quốc gia theo hình thức trắc nghiệm: Chủ động thay đổi phương pháp dạy

CHÂU NỮ 28/11/2016 08:43

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có nhiều điểm đổi mới, nhất là Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Sở GD-ĐT và các trường THPT ở Quảng Nam đã chủ động thay đổi phương pháp dạy phù hợp với hình thức thi này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng…

Một tiết học theo phương pháp giảng dạy mới ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước). Ảnh D.H
Một tiết học theo phương pháp giảng dạy mới ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước). Ảnh D.H

Hai mặt của trắc nghiệm

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ thi 9 môn với 5 bài: 3 bài độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ), 2 bài thi tổ hợp gồm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Chỉ có bài thi Ngữ văn làm theo hình thức tự luận, còn lại các bài thi đều theo hình thức trắc nghiệm.

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, mỗi thí sinh có một mã đề riêng, khả năng trùng lặp nội dung chỉ khoảng 20%, đây cũng là điều khiến nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh lo lắng về tính công bằng trong đề thi. Tuy nhiên, ông Hà Thanh Quốc cho rằng, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị và thẩm định kỹ lưỡng từ khâu ra đề nên sẽ bảo đảm sự tương đồng giữa các đề thi.

Có thể nói, bất kỳ hình thức thi nào cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Việc tổ chức thi dưới hình thức trắc nghiệm đối với một số môn học (Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ) những năm qua cho thấy có nhiều ưu điểm như chấm bài nhanh, khách quan, chính xác. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, việc tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm khá phù hợp với học sinh phổ thông và cũng  phù hợp với yêu cầu học sinh nắm được kiến thức cơ bản theo chiến lược trong khung chương trình giáo dục quốc gia của Bộ GD-ĐT. Thầy Nguyễn Thành Khoa - Tổ trưởng tổ Sử - Địa Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) cho rằng, thi trắc nghiệm thuận lợi đối với học sinh; việc đánh giá kết quả cũng công bằng, mang tính chất định lượng rõ hơn thi tự luận và yêu cầu học sinh phải học đều, kiến thức rộng; trong khi đó, tự luận yêu cầu kiến thức sâu.

Tuy nhiên, thi trắc nghiệm cũng có nhiều hạn chế nhất định, như đề thi không thể ra những câu hỏi mang tính chất “mở” để yêu cầu học sinh nhận xét, đánh giá vấn đề. Lâu nay học sinh vốn ít quan tâm đến các môn khoa học xã hội. Việc tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm càng không rèn thêm cách viết, góp phần cùng với môn Văn làm giàu ngôn ngữ, phát triển tư duy. Theo thầy Khoa, không nên thi trắc nghiệm 100%; mà đề thi chỉ nên ra 50% điểm câu hỏi trắc nghiệm đối với nội dung yêu cầu kiến thức rộng; 50% điểm câu hỏi tự luận đối với yêu cầu đi sâu phân tích, đánh giá. Một giáo viên khác nêu ý kiến, thi trắc nghiệm khó phân hóa được học sinh nhưng dù thi theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận, học sinh phải nắm chuẩn kiến thức chung. Trong đó, trắc nghiệm yêu cầu kiến thức bao quát, tự luận nghiêng về kiến thức chuyên sâu. Còn theo em Đặng Nguyễn Vĩ, học sinh lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tổ chức thi trắc nghiệm đối với môn Toán xem ra không phù hợp lắm; với những câu hỏi khó, học sinh không hiểu vẫn có thể đánh dấu theo kiểu “hên - xui”.

Niềm vui của học sinh Quảng Nam sau khi làm bài trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: CHÂU NỮ
Niềm vui của học sinh Quảng Nam sau khi làm bài trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: CHÂU NỮ

Chuẩn bị sớm

Sở GD-ĐT xem kỳ kiểm tra kết thúc học kỳ 1 tới đây là đợt tập dượt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Sau đó, sẽ tổ chức đoàn kiểm tra các trường THPT, đặc biệt là các trường ở vùng khó khăn để kịp thời hỗ trợ về tài liệu và tháo gỡ những vướng mắc trong dạy học cũng như tổ chức ôn thi cho học sinh lớp 12”. (Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT)

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, những năm gần đây, ngành giáo dục đã tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh theo hình thức trắc nghiệm nên có thể nói, giáo viên và học sinh đã quen hình thức này. Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều điểm đổi mới nên Sở GD-ĐT đã chủ động lo trước từ đầu năm học, trong đó có việc thông tin kịp thời để giáo viên các trường THPT và phụ huynh nắm bắt. Sở GD-ĐT định hướng cho ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn các trường về phương pháp thi trắc nghiệm; cung cấp đề minh họa để giáo viên tham khảo. Từ đó, các trường có phương pháp tổ chức giảng dạy, kiểm tra phù hợp. “Sở GD-ĐT xem kỳ kiểm tra kết thúc học kỳ 1 tới đây là đợt tập dượt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Sở sẽ ra đề kiểm tra học kỳ 1 đối với 9 môn thi tốt nghiệp năm nay theo 4 mức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để học sinh vừa làm quen với hình thức thi mới, vừa phân loại được học sinh để có hướng phụ đạo phù hợp. Sau đó, sở sẽ tổ chức đoàn kiểm tra các trường THPT, đặc biệt là các trường ở vùng khó khăn để kịp thời hỗ trợ về tài liệu và tháo gỡ những vướng mắc trong dạy học cũng như tổ chức ôn thi cho học sinh lớp 12” - ông Hà Thanh Quốc nói.

Khi Bộ GD-ĐT công bố đổi mới phương án thi THPT quốc gia, giáo viên các trường THPT trên địa bàn tỉnh cũng nhanh chóng đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh làm quen. Nguyễn Tiểu Giang - học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) chia sẻ, dù bất ngờ với hình thức thi mới nhưng thầy cô đã hướng dẫn cách làm bài thi trắc nghiệm, nhất là đối với môn học lần đầu thi trắc nghiệm trong năm 2017 như Toán, Lịch sử, Địa lý; hướng dẫn sử dụng máy tính để giải các bài toán về tích phân, đạo hàm… nên học sinh cũng có phần yên tâm. Một giáo viên dạy Toán của Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc) cho biết, năm học này, 100% đề kiểm tra 1 tiết nhà trường ra theo hình thức trắc nghiệm đối với học sinh lớp 12; đối với học sinh lớp 10 và 11, nhà trường cho các em làm quen bằng việc ra 50% điểm câu hỏi tự luận, 50% điểm câu hỏi trắc nghiệm. Hay tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, lâu nay thầy Nguyễn Thành Khoa vẫn dạy môn Lịch sử theo chuyên đề như đi sâu phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu trên cơ sở xâu chuỗi một số sự kiện lịch sử cơ bản. Tuy nhiên, cách dạy này không phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm nên năm học này thầy đã đổi mới phương pháp bằng cách hạn chế dạy chuyên đề, thay vào đó truyền đạt kiến thức rộng để học sinh nắm nội dung cơ bản, cần thiết để làm bài thi đạt yêu cầu. Thầy Khoa nói: “Giáo viên tổ Sử - Địa của trường cũng đã tổ chức nghiên cứu và xây dựng ngân hàng đề thi theo từng nội dung để học sinh làm quen”.

Có phản ánh đúng năng lực học sinh?

Ở góc độ của một giáo viên thường xuyên tiếp xúc với bài làm của học sinh, tôi thấy kiểm tra trắc nghiệm có những vấn đề đáng quan tâm. Trong cách kiểm tra tự luận, khi chấm bài, giáo viên không chỉ căn cứ vào đáp án, biểu điểm để đánh giá. Từng học sinh có cách diễn đạt và suy luận, lập luận riêng, không ai giống ai. Mỗi bài làm là một nét chữ, một kiểu trình bày. Giáo viên đọc từng bài làm, phát hiện ra những cách lý giải, phân tích thông minh để các em phát huy hay những vụng về cần uốn nắn, sửa chữa. Một bài toán có phương pháp giải độc đáo; một biểu đồ địa lý khéo léo; một cách phân tích, lý giải vấn đề lịch sử sâu sắc... Hình thức kiểm tra trắc nghiệm không thể phát hiện ra những điều đó. Đấy là chưa kể, dù không phải bài kiểm tra môn Văn, thầy cô vẫn có thể sửa lỗi chính tả, lỗi về câu hoặc cách diễn đạt ngây ngô của học trò. Mặt khác, mỗi lời phê của thầy cô trong bài tự luận sẽ giúp học sinh khắc phục điểm yếu và phát huy sở trường của mình, giúp các em có thêm động lực học tốt.

Giờ đây, các bài kiểm tra các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa... chỉ là những ký hiệu khô khan trong các ô tròn hoặc vuông đã được quy định sẵn. Thiển  nghĩ, đó chỉ là “phần xác”, còn “phần hồn” nằm ở các bài tự luận. Để một bộ đề trắc nghiệm thực sự có giá trị, giáo viên phải đầu tư rất công phu trên một diện kiến thức khá rộng để rồi nhận lại những ký hiệu. Mà những ký hiệu ấy có phản ánh đúng trình độ, năng lực của học sinh hay không lại phụ thuộc vào ý thức làm bài của các em. Vì học sinh cũng có thể trả lời đúng nhờ... hên, với phương châm “thà tô nhầm hơn bỏ sót”.

NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN (Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước)

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ