"Thư viện xanh" giữa sân trường

LÊ THIÊN NGÂN 25/11/2016 10:16

Với mô hình độc đáo này, học sinh có thể đọc sách báo ngay tại sân trường mà không cần phải đăng ký với nhân viên quản lý thư viện, hay phải đọc trong một không gian gò bó như thư viện truyền thống.

Khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi đã điểm, rất đông các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Quế Phước (huyện Nông Sơn) lại tìm đến các kệ sách di động được bài trí trên sân trường. Từ các đầu sách về lịch sử, văn học, sách tham khảo, đến các tờ báo, tạp chí dành cho lứa tuổi thiếu niên được bài trí gọn gàng. Mới được đầu tư xây dựng hơn 3 tháng, số lượng đầu sách còn ít, tuy nhiên cách làm này đã có những hiệu ứng tích cực. Số học sinh đọc nhiều gấp đôi so với trước. Em Trần Mai Sương - Học sinh lớp 8, vui vẻ cho biết: “Con thấy tổ chức như thế này thích hợp và gần gũi hơn. Tụi con có thể đọc sách bất cứ lúc nào rảnh rỗi”.

Các em đọc sách giữa thiên nhiên. Ảnh: L.T.N
Các em đọc sách giữa thiên nhiên. Ảnh: L.T.N

Cô Võ Thị Thục Uyên - giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học và THCS Quế Phước chia sẻ, bây giờ các em có quá nhiều kênh và chương trình để giải trí nên việc tìm tới thư viện để đọc sách rất ít. Vì thế, việc nâng cao chất lượng thư viện và cách bố trí không gian đọc hài hòa là điều quan trọng để thu hút các em, hình thành văn hóa đọc ngay từ nhỏ. Cô Uyên nói: “Từ việc để học sinh tìm đến với sách, mô hình thư viện xanh này đã chủ động đưa sách đến với người đọc, giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận với nguồn tri thức hơn”. Cô cho biết thêm, điểm khác biệt lớn nhất giữa thư viện xanh là thư viện truyền thống chính là không gian đọc sách. Các em học sinh được đọc sách trong một không gian mở và có thể tự do lựa chọn thể loại sách cần đọc. Đồng thời các em học sinh không cần phải đăng ký với nhân viên quản lý và có thể đọc nhiều thể loại sách cùng một lúc. “Việc không giới hạn các em trong một không gian đọc sách nhất định đã góp phần giúp các em tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn” - cô Uyên nói. Ngoài ra, để hoạt động thư viện thêm phong phú, nhà trường còn thường xuyên thay đổi các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách như: tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề; kể chuyện, vẽ tranh theo sách; giới thiệu sách mới ở bảng tin; đọc sách tập thể…

Công trình này được xây dựng với các hạng mục như: nhà vòm, mái che bằng lưới, bố trí ghế đá. Bên trong nhà vòm được trang trí các chậu hoa, cây cảnh và bình nhựa đựng sách báo. Tổng kinh phí xây dựng là 11 triệu đồng do đội viên, thiếu niên trong toàn huyện đóng góp qua phong trào “Kế hoạch nhỏ” và Chương trình phát triển vùng huyện Nông Sơn hỗ trợ. “Điều đáng mừng là các em học sinh trong nhà trường tự nguyện tặng nhiều sách cũ và hàng tháng, hàng quý liên đội đều bổ sung những đầu sách mới cho thư viện”, anh Lê Thạnh Luận - Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Nông Sơn, cho biết.

Cũng hướng tới một “thư viện thân thiện”, thầy và trò Trường Tiểu học và THCS Phước Kim (huyện Phước Sơn) đã xây dựng thành công thư viện xanh. Tại một góc sân trường có nhiều cây xanh, nhà trường “quy hoạch” thành “thư viện xanh”. Dưới bóng mát của những cây phượng, cây bàng, mỗi cuốn sách, truyện được đặt vào những hộp nhựa treo gần tầm tay với của học sinh. Bên dưới là những chiếc ghế đá chắc chắn, sạch sẽ, để các em ngồi đọc tại chỗ. Chính hình thức mới lạ này đã khuyến khích trí tò mò của các em. Sau khi đọc xong, các em tự giác bỏ sách vào đúng nơi mình lấy. “Mô hình này còn có hạn chế là gặp những hôm trời mưa thì các em không thể đọc sách được. Tuy nhiên, nó vẫn là giải pháp hữu hiệu để kéo các em lại sau giờ chơi có thể tựa ghế đá ngồi đọc sách thoải mái” - chị Lê Thị Nhã Trúc - Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học và THCS Phước Kim nói.

LÊ THIÊN NGÂN

LÊ THIÊN NGÂN