Đào tạo nghề cho học sinh miền núi

DIỄM LỆ 26/09/2023 08:44

Những học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi của tỉnh, vì nhiều lý do khác nhau không tiếp tục theo học bậc THPT hoặc đại học, đã lựa chọn con đường học nghề tại Trung tâm Đào tạo nghề miền núi tỉnh - thuộc Trường Cao đẳng Quảng Nam.

Học sinh học tập tại Trung tâm đào tạo miền núi thuộc Trường Cao đẳng Quảng Nam được đảm bảo ăn ở, học tập. Ảnh: D.L
Học sinh học tập tại Trung tâm đào tạo miền núi thuộc Trường Cao đẳng Quảng Nam được đảm bảo ăn ở, học tập. Ảnh: D.L

Lựa chọn học nghề

Tốt nghiệp THPT năm này, A Lăng Yến (xã Cà Dy, Nam Giang) được một số trường đại học, cao đẳng gửi giấy thông báo trúng tuyển nhập học. Yến chần chừ giữa lựa chọn đến thành phố học đại học hay học nghề ở Trung tâm đào tạo nghề miền núi gần nhà. Bởi Yến còn đến 3 người em đang đi học, ba mẹ chỉ làm nương rẫy.

Yến nói: ‘’Đi học xa, chi phí cao, nếu không đi làm thêm thì sợ không trụ nổi ở thành phố, rồi cũng bỏ học mà về quê lại như nhiều bạn khác. Nên mình và một số bạn nữa cùng rủ nhau đến đăng ký học nghề ở Trung tâm đào tạo nghề miền núi, nữ học may, nam học mộc, cơ khí.

Trung tâm gần nhà, đi học thì không tốn học phí hay bất cứ khoản tiền nào khác, học xong bậc trung cấp 2 năm có thể đi làm giúp ba mẹ lo cho em. Tụi mình đi học được 1 tháng rồi, nhiều bạn ở các huyện khác ở ký túc xá, ăn cơm tại trường, còn mình ở gần không phải ở lại”.

Với Hồ Thị Tuyết (xã Phước Kim, Phước Sơn), đi học ở Trung tâm đào tạo nghề miền núi là lần đầu tiên em đi xa nhà. Tuyết mới tốt nghiệp bậc THCS và lựa chọn đi học nghề thay vì học tiếp bậc THPT. Tuyết và 5 người bạn nữ khác ở cùng xã, cùng nhau đi học trường nghề với nghề may công nghiệp.

“Em mới xuống đây được một tháng, ở chung phòng ký túc xá với bạn cùng quê nên cũng yên tâm. Thầy cô và nhà trường quan tâm đến học viên chu đáo. Em mong học xong có thể được nhà trường giới thiệu việc làm để có thu nhập, trang trải cuộc sống” - Tuyết chia sẻ.

Hỗ trợ học sinh tối đa

Trường Cao đẳng Quảng Nam hiện nay có 360 học sinh, sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học các ngành nghề. Trung tâm đào tạo miền núi Quảng Nam (cơ sở Nam Giang) đang đào tạo 230 học sinh học nghề đến từ các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn.

Trung tâm đào tạo Nam Quảng Nam (Núi Thành) đang đào tạo 96 học sinh đến từ các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Núi Thành. Ngoài ra, nhà trường cũng tích cực tuyển sinh từ khi kết thúc năm học 2022 - 2023, đưa nhiều học sinh, sinh viên đến học bậc cao đẳng tại điểm trường chính ở TP.Tam Kỳ.

Dù việc tuyển sinh học sinh, sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, vì tâm lý ngại xa nhà, sợ đi học xa... của phụ huynh và học sinh, nhưng đội ngũ giáo viên tuyển sinh của nhà trường đã tích cực đi cơ sở, vận động học sinh theo học nghề, cam kết sẽ kết nối doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho học sinh ngay sau khóa học.

Theo bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số khi đi học sẽ không đóng học phí, được hỗ trợ nhiều chi phí để các em yên tâm học tập.

Theo chính sách chung của tỉnh, học sinh, sinh viên có có hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam thì được hưởng chế độ phụ cấp 800 nghìn đồng/tháng theo Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng 1,8 triệu đồng/tháng theo Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Phương Anh cho biết: “Bên cạnh việc hưởng mức hỗ trợ theo quy định, học viên còn được đảm bảo ăn uống tại chỗ ngày 3 bữa. Nhà trường thuê cấp dưỡng nấu ăn cho các em. Ký túc xá cũng ở các điểm trường đều đã và đang được sửa chữa, đảm bảo các điều kiện cho các em ở lại.

Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp có mối liên hệ với nhà trường cũng hỗ trợ thêm nhiều phần học bổng tặng các em học sinh, sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tốt. Sau khi các em học xong, nhà trường sẽ giới thiệu việc làm trong và ngoài nước để có thu nhập tốt”.

DIỄM LỆ