Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ban Bí thư đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống GDNN. Đồng thời yêu cầu đưa nội dung phát triển GDNN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Ban Bí thư đánh giá, trong những năm qua, GDNN luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống GDNN được hình thành theo hướng mở, liên thông, cơ bản phù hợp với các nước trên thế giới; mạng lưới cơ sở GDNN phát triển mạnh...
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ và tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo đều tăng. Nhiều học sinh, sinh viên đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới...
Kết quả của GDNN đã góp phần quan trọng hình thành đội ngũ lao động lành nghề, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân hiện đại, lớn mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, Ban Bí thư cũng chỉ rõ, quy mô GDNN còn nhỏ; cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp; chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng tiên tiến.
Trong khi đó, chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; nguồn lực đầu tư cho phát triển GDNN chưa tương xứng; năng lực quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương còn hạn chế.
Việc gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo chậm đổi mới, chưa đa dạng, linh hoạt để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động; công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng, chưa tạo cơ hội và khuyến khích người lao động tham gia học tập suốt đời.
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có khoảng 90 cơ sở GDNN chất lượng cao, trong đó có một số cơ sở GDNN thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng; một số cơ sở GDNN tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; có khoảng 200 ngành nghề trọng điểm, trong đó có 15 - 20 ngành nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới. Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Muốn đạt được mục tiêu này, Ban Bí thư yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, khẳng định tầm quan trọng của GDNN trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ. Cần huy động toàn xã hội tham gia vào GDNN. Chính sách pháp luật về GDNN cần được bổ sung, hoàn thiện, gắn với thị trường lao động.
Có hình thức hỗ trợ phù hợp, tôn vinh người có kỹ năng nghề, phát triển GDNN ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Khuyến khích phát triển cơ sở GDNN của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”; nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo. Đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học, người lao động; phát triển hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng GDNN.
Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, gắn kết cung - cầu lao động với GDNN. Nhà nước tăng cường nguồn lực cho GDNN. Cơ sở GDNN chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia, nhà giáo, người học với các nước.
Ban Bí thư yêu cầu, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị phù hợp với tình hình của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.