Kinh tế Quảng Nam trong vòng vây khó khăn: Gánh lo oằn vai lao động
Mất việc, giảm giờ làm... là thực trạng mà người lao động đang đối diện, khiến cuộc sống của họ ngày càng rơi vào khó khăn.
Cậy nhờ bảo hiểm thất nghiệp
Chị Thái Thị Quỳnh Chi (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) nói: “Trong dịch bệnh COVID-19 có khi công việc lại nhiều hơn cả bây giờ”. Dừng hợp đồng lao động (LĐ) tại Công ty Y.S Vina (Cụm công nghiệp Trường Xuân, TP.Tam Kỳ), chị Chi chỉ biết cậy nhờ vào bảo hiểm thất nghiệp để trang trải hàng ngày, chờ tìm việc khác.
Chị Quỳnh Chi trải lòng: “Tôi không thuộc diện bị cắt việc làm, nhưng công việc ít hơn trước rất nhiều, thu nhập cũng ít hơn, không đủ tiền cho con đi trẻ chứ chưa nói đến các khoản chi tiêu cuộc sống hàng ngày, nên xin nghỉ việc. Tôi đã làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, còn bảo hiểm xã hội vẫn giữ để khi tìm được công việc mới thì tiếp tục đóng”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Sử (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) cũng vừa chấm dứt hợp đồng LĐ tại Công ty Ducksan Vina, Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng, TP.Tam Kỳ sau hơn 3 năm làm việc tại đây. Công việc không còn nhiều như trước kia, mà theo lời anh Sử là công ty cũng đã thông báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn do không có đơn hàng đến người LĐ.
Việc ít, thu nhập sụt giảm, nên nhiều người như anh Sử đã chọn cách nộp đơn xin nghỉ việc, với hy vọng có thể tìm kiếm một công việc khác. Nhưng thời điểm bây giờ, tìm được một công việc nào đó phù hợp trở nên khó khăn hơn. Thế nên khoản trợ cấp thất nghiệp lại trở thành cứu cánh, giúp anh Sử trang trải trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.
Giảm giờ làm, cắt giảm lao động
Từ KCN Bắc Chu Lai (Núi Thành) đến KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), bắt chuyện với những LĐ sau giờ tan ca hỏi về công việc, hầu như nhận được cùng câu trả lời cùng nội dung liên quan đến khó khăn trong thu nhập do việc ít, giảm giờ làm, có công ty còn cắt giảm LĐ.
Chị Nguyễn Thị Diệp (công nhân may tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc) nói: “Ngay cả thời gian cao điểm của dịch COVID-19, đơn hàng vẫn nhiều hơn bây giờ. Lúc đó đơn hàng từ miền Nam chuyển về để làm nhiều nên chỉ cần giữ an toàn dịch bệnh thì sản xuất cũng đảm bảo đời sống cho người LĐ. Tôi bị giảm giờ làm và không tăng ca ngày thứ Bảy, thu nhập giảm sút nhiều nhưng phải chấp nhận. Chúng tôi cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp!”.
Tại KCN Bắc Chu Lai, ông Trần Thanh Bền có thâm niên tay nghề trong lĩnh vực mộc công nghiệp. Thời gian gần đây, thu nhập của ông liên tục sụt giảm vì quá ít đơn hàng. Cũng như nhiều LĐ khác, trong tình hình hiện nay, ông Bền chỉ hy vọng giữ được ngày làm đủ 8 tiếng đã là may mắn, chứ mong gì có giờ tăng ca.
“Tôi đi làm còn lo cho 2 đứa con đang học đại học năm cuối và năm nhất. Lo lắm! Việc làm bấp bênh thế này thì tiền gửi hàng tháng cho con ăn học cũng khó khăn hơn.
Vợ tôi ở nhà chỉ chạy chợ lo miếng ăn từng ngày, chứ con cái thì trông cả vào mấy đồng lương của tôi. Các con điện về hỏi thăm, ba mẹ cũng chỉ dám nói mọi việc đều ổn, sợ chúng nó lo. Hy vọng mọi việc khá lên trở lại, công ty có nhiều đơn hàng để người LĐ ổn định cuộc sống”, ông Bền nói.