Giáo dục nghề nghiệp năm 2023: Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nhân lực
Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy mô tuyển sinh hàng năm hơn 40 nghìn người các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang nỗ lực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Nhiều khó khăn
Theo Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là 28.265 người (đạt 120,28% kế hoạch).
Kết quả thực hiện công tác GDNN đã góp phần nâng tỷ lệ lao động (LĐ) qua đào tạo của tỉnh năm 2022 đạt 69%, trong đó tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 29% (đạt 100% kế hoạch), riêng đối với 9 huyện miền núi của tỉnh đạt tỷ lệ LĐ qua đào tạo năm 2022 đạt 28,24%.
Công tác truyền thông góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của GDNN và các chính sách, pháp luật về GDNN. Các cơ sở GDNN công lập được tăng cường hỗ trợ đầu tư để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phát triển chương trình đào tạo…
Các cơ sở GDNN đã cố gắng khắc phục những khó khăn, linh động trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Quy mô đào tạo nghề nghiệp tại các cơ sở GDNN hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo một số lượng lớn công nhân kỹ thuật, với nhiều cấp trình độ và đa dạng về ngành nghề đào tạo; cơ cấu ngành nghề đào tạo đã từng bước được điều chỉnh phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tuy vậy, ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, công tác GDNN vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, việc đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số LĐ được đào tạo; các chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp không đạt kế hoạch năm 2022 (đạt 91,07%); tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học tại các cơ sở GDNN đạt thấp.
Đội ngũ nhà giáo GDNN còn bất cập, tỷ lệ đạt chuẩn về kỹ năng nghề còn thấp; chương trình, giáo trình đào tạo chưa cập nhật kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật; cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ sở GDNN hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế (tần suất sử dụng thiếu ổn định, thiếu tính đồng bộ).
Cạnh đó, việc giải ngân nguồn vốn các dự án, tiểu dự án về GDNN thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia chưa kịp thời... Những khó khăn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động GDNN của các cơ sở đào tạo cũng như việc thực hiện đào tạo nhân lực chất lượng của địa phương.
Tuyển sinh gắn tuyển dụng
Ông Nguyễn Văn Phục - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO cho biết: “Trong nhiều năm qua, Trường Cao đẳng THACO đã đào tạo hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo trên cả nước để cung cấp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của các đơn vị THACO ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, nông lâm nghiệp và nhu cầu của các doanh nghiệp bên ngoài.
Năm 2022, trường tuyển sinh được 915 người học, có 496 người tốt nghiệp, đều được giải quyết việc làm tại chỗ. Năm này, nhà trường sẽ tuyển sinh đào tạo 800 người học. Từ đầu năm đến nay nhà trường đã đến nhiều địa phương, thông qua các phiên giao dịch việc làm để tuyển sinh, tuyển dụng”.
Theo ông Phục, năm 2023, nhà trường sẽ tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo trình độ cao đẳng nghề công nghệ ô tô chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Nhật Bản được liên kết giữa 3 bên, gồm Trường Cao đẳng THACO, Công ty GKM Việt Nam và Công ty TOPRANK Nhật Bản.
Học viên sẽ học tại trường THACO từ 12 - 15 tháng, học tập và thực tập nghề tại Nhật Bản từ 10 - 12 tháng, cuối khóa học được tham gia dự thi đánh giá tay nghề và cấp chứng chỉ, và được các trung tâm ở Nhật Bản tiếp nhận làm việc 5 năm, mức lương 40 - 50 triệu đồng/tháng.
Với Trường Cao đẳng Quảng Nam, năm 2022 nhà trường tuyển sinh đạt 2.154 học sinh, sinh viên, xét công nhận tốt nghiệp cho 1.332 người học, giới thiệu việc làm đến các doanh nghiệp có liên kết đào tạo và tuyển dụng với nhà trường.
Bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường đã nỗ lực tuyển sinh, đào tạo và liên kết đào tạo, bám mục tiêu xây dựng ngành nghề trọng điểm và xây dựng nhà trường theo tiêu chí chất lượng cao.
Bà Phương Anh nhìn nhận những hạn chế: “Kết quả tuyển sinh của nhà trường trong những năm qua không đạt 100% chỉ tiêu được giao. Công tác tư vấn tuyển sinh thời gian qua tuy có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng về hình thức, từng bước đã làm thay đổi nhận thức của người LĐ về việc học nghề.
Tuy nhiên số lượng học sinh, sinh viên đăng ký ở các nghề chênh nhau quá lớn do nhu cầu tuyển dụng LĐ và sở thích của người học nên có nghề không đủ số lượng để mở lớp.
Ý thức tìm kiếm việc làm của học sinh sinh viên ngay khi ra trường chưa cao, một bộ phận học sinh ra trường chưa đủ tuổi lao động nên phần nào ảnh hưởng đến tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo”.