Vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: Lao động thời vụ gặp khó
Các địa phương trong tỉnh bắt đầu đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động sau đại dịch COVID-19. Nhưng hiện nay, người lao động đi làm việc thời vụ ở nước ngoài chưa thể vay được nguồn vốn do chưa có quy định.
Sau dịch COVID-19, Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, chính quyền các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động (LĐ), kết nối thông tin cung cầu LĐ, tổ chức các lớp đào tạo nghề nhằm phục hồi thị trường LĐ.
Sở LĐ-TB&XH và các địa phương cũng phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh thực hiện tốt các chương trình vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm, tự tạo việc làm cho người LĐ.
Tính đến 30/11, toàn tỉnh có 965 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 96,5% kế hoạch năm); ước đến cuối năm 2022 đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao.
Trong số LĐ đi làm việc ở nước ngoài thì có LĐ ở huyện miền núi đi làm việc thời vụ theo chương trình thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương ở Việt Nam và nước đối tác. Thế nhưng, nhóm LĐ này lại đang gặp khó khăn trong việc vay vốn giải quyết việc làm để đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Nam Trà My và quận Hamyang (Hàn Quốc), huyện đã có 23 LĐ đi làm việc thời vụ 5 tháng ở Hamyang với mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng. Nhưng LĐ miền núi phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, nên khó lo được chi phí xuất cảnh ban đầu. Huyện phải mượn tiền để hỗ trợ họ.
Người LĐ đi 5 tháng, về nước lại thì có thể tiếp tục đi tiếp, nên hiệu quả rất cao, phù hợp cho LĐ miền núi khi tâm lý ngại đi lâu, xa nhà lâu. Vì thế, chúng tôi mong muốn tỉnh có kiến nghị để Trung ương có quy định cho vay vốn đối với nhóm LĐ này, hoặc tỉnh có nguồn ngân sách ủy thác để địa phương cho vay thông qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH”.
Tất cả chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm hiện có, như Nghị định số 61 ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm, Nghị định số 74 ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Quyết định số 4122 ngày 23/11/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác..., đều không có quy định cho vay đối với nhóm LĐ thời vụ, do mới phát sinh sau này theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương. Điều này chứng tỏ rằng thực tế đã đi trước nhưng chính sách chưa theo kịp.
Bà Trần Thị Minh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, đơn vị đã tổ chức các hoạt động cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 3.000 người LĐ từ nguồn vốn 160 tỷ đồng được Trung ương phân bổ cho Quảng Nam để thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
“Đối chiếu với tất cả quy định, đều chưa có quy định cho vay ngắn hạn đối với LĐ đi làm việc thời vụ ở nước ngoài. Từ trước đến nay đều thực hiện cho vay theo hợp đồng LĐ, ở đây là thực hiện giữa 2 địa phương nên chưa thể áp dụng quy định nào vào để cho vay. Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Sở LĐ-TB&XH có văn bản gửi Trung ương tháo gỡ cho phù hợp với thực tế” - bà Minh nói.
Đối với vướng mắc này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, trong khi chờ Trung ương có quy định hay hướng dẫn cụ thể, thì ngay trong tháng 1/2023, Sở LĐ-TB&XH và Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh bàn với nhau, có văn bản báo cáo, tham mưu UBND tỉnh hướng tháo gỡ theo cơ chế ủy thác vốn vay của tỉnh trước để giúp LĐ, vì đây là con đường giảm nghèo khá hiệu quả của LĐ miền núi trong giai đoạn hiện nay.