Phụ nữ vùng cao học nghề truyền thống
Mỗi tối đến, khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng tại xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) lại rộn tiếng nói cười của chị em đang học nghề làm chổi đót. Nghề truyền thống của người dân được khôi phục bằng tâm huyết truyền nghề và sự hỗ trợ của địa phương.
Cuối tuần, vừa chập tối, nhà sinh hoạt cộng đồng xã Trà Mai đã rộn rã tiếng í ới của chị em đi học nghề. Bên cạnh những phụ nữ đi học nghề làm chổi đót, còn có nhiều đứa trẻ theo chân mẹ.
Từ làng Tăk Chươm (xã Trà Mai), bà Nguyễn Thị Lan đến chăm chỉ học nghề tại đây, bà nói: “Tôi học thấy cũng dễ, không khó lắm. Trên này, đến mùa đót thì đi bứt bán tươi hoặc phơi khô bán cho người buôn, chứ không biết làm chổi. Giờ học làm được chổi đót rồi, thì sau này sẽ làm chổi, chứ không hái về bán ký như mấy hồi nữa”.
Cũng như bà Lan, bà Nguyễn Thị Hải Yến (thôn 1, xã Trà Mai) cũng không bỏ học buổi nào kể từ khi lớp học nghề được mở ra. Theo lời bà Yến, hôm nào có học nghề, bà tranh thủ buổi chiều đi làm về sớm, lo cơm tối cho con xong, con ở nhà học bài là bà đi học làm chổi đót.
“Vậy mà trước nay toàn bán ký cho người mua thôi, chứ tôi không biết làm chổi. Chị em đang làm thế này, mà nghe Hội Phụ nữ xã nói đăng lên mạng đã có người đặt mua, nên phấn khởi lắm. Sau này làm để bán cho họ thì cũng có nguồn thu nhập” - bà Yến tâm sự.
Là người làm nghề bện chổi đót thành thạo, ông Nguyễn Văn Út nhiệt tình dạy cho chị em đang theo học. Theo ông Út, đót được người dân hái về, phơi khô rồi bán ký thì giá trị thấp, nhưng làm thành chổi để bán giá trị sẽ cao hơn.
Chổi đót được buộc bởi dây mây như cách làm truyền thống, nên cây chổi sẽ đẹp, bền hơn. Vì thế mà người mua cũng thích hơn các loại chổi đót được buộc bằng dây nhựa hay thép.
Ông Út cho hay: “Chị em học nghề rất nhanh, có người chỉ vài ba hôm là đã làm hoàn thiện được một cây chổi rồi. Lúc đầu làm cây chổi không được đẹp, nhưng từ từ rồi nó sẽ đẹp mắt hơn”.
Theo bà Lê Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nam Trà My, lớp nghề chổi đót là lớp dạy nghề dưới 3 tháng, đến nay 35 phụ nữ đã học được 2 tháng. Đây là nghề truyền thống của người dân, nhưng chỉ còn một số già làng biết làm, nếu không dạy nghề thì sẽ mai một.
Khi chị em học nghề xong, Hội LHPN huyện sẽ định hướng thành lập các tổ phụ nữ liên kết với nhau để sản xuất và bán sản phẩm. Nam Trà My là nơi có nguồn nguyên liệu đót dồi dào nên không lo thiếu nguyên liệu. Nhu cầu chổi đót của khách hàng cũng cao nên đây sẽ là nghề giúp phụ nữ ở Nam Trà My có thêm nguồn thu nhập trong thời gian rảnh rỗi.
Trong năm 2022, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam mở 4 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng (trong đó có 2 lớp sản xuất mây tre đan xã Trà Vinh, Trà Nam, 1 lớp làm chổi đót tại xã Trà Mai, 1 lớp sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi xã Trà Nam) với 140 học viên.