Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Ưu tiên thị trường chất lượng
Hôm qua 18/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhiều ý kiến tại hội nghị khẳng định đây là con đường thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Khởi động sau dịch bệnh
Sau thời gian dài công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, Quảng Nam đã khởi động lại công tác này. Theo Sở LĐ-TB&XH, đến ngày 13/10, toàn tỉnh có 741 NLĐ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), đạt 74,1% so với kế hoạch năm 2022 là đưa 1.000 người đi XKLĐ.
Những thị trường được NLĐ lựa chọn nhiều là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Lào. Các địa phương có tỷ lệ NLĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài cao gồm Thăng Bình: 169 NLĐ, Đại Lộc (121), Quế Sơn (83), Núi Thành (71), Tiên Phước (55), Phú Ninh (38).
Tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để đạt được mục tiêu đưa 5.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2025, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, tuyên truyền về công tác này; xác định đây là giải pháp giúp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, hấp dẫn, thiết thực. Ông Tuấn cũng đề nghị tập trung thực hiện đào tạo và giáo dục định hướng nghề nghiệp cho NLĐ để tạo nguồn nhân lực có chất lượng tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cần nâng cao năng lực hoạt động để thực hiện chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Các ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, phối hợp triển khai thực hiện nên tạo chuyển biến mạnh mẽ.
Số NLĐ đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng; thu nhập, đời sống của NLĐ và gia đình họ được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo trở thành hộ khá, có tích lũy, chuyển đổi nghề nghiệp, mở rộng sản xuất.
Ông Quý cho biết: “NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, môi trường làm việc hiện đại, tính kỷ luật, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, tác phong làm việc công nghiệp với yêu cầu cao, sau khi hoàn thành hợp đồng về nước sẽ là nguồn lao động chất lượng cao của tỉnh.
Kết quả của việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Bao gồm các chỉ tiêu như số NLĐ có việc làm tăng thêm, tỷ lệ NLĐ qua đào tạo, giảm tỷ lệ thất nghiệp chung của tỉnh, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội”.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ trong công tác XKLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam đã khởi động lại 27 phiên tuyên truyền, tuyển dụng NLĐ làm việc trong và ngoài nước lưu động ở 10 huyện.
Qua kênh của trung tâm đã có 12 NLĐ đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung tâm phối hợp với Thaco tuyển 50 người đi làm việc ở Lào. Ngoài việc phối hợp tuyển dụng, trung tâm cùng với các công ty động viên gia đình có NLĐ đi XKLĐ. Với gia đình có NLĐ bỏ trốn, cư trú, làm việc bất hợp pháp tại thị trường Hàn Quốc thì trung tâm đến xác minh, nắm thông tin, giải thích để gia đình hiểu, kêu gọi NLĐ trở về nước.
Lựa chọn thị trường chất lượng
Đối với các công ty thực hiện chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh, lựa chọn thị trường chất lượng là ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ NLĐ và gia tăng uy tín của công ty. Nhật Bản là lựa chọn của rất nhiều công ty. Như Công ty CP Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (SULECO), hiện nay chỉ thực hiện duy nhất đối với thị trường Nhật Bản.
Ông Phạm Quốc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty SULECO, cho biết: “Đối với NLĐ của Quảng Nam, SULECO có nhiều chế độ hỗ trợ thêm như trả chậm chi phí sau khi sang Nhật làm việc, ở ký túc xá miễn phí trong quá trình đào tạo tập trung tại Tam Kỳ...
Chúng tôi chỉ đưa NLĐ sang Nhật Bản, bởi đây là thị trường uy tín, chất lượng và nhu cầu tiếp nhận lao động lớn, đa dạng ngành nghề nên NLĐ có nhiều lựa chọn. Nhưng kết quả của SULECO tại Quảng Nam đạt chưa cao, chỉ mới có 68 người sang Nhật làm việc và 15 NLĐ đang được đào tạo. Hạn chế thì chúng ta đã nói nhiều, điều cần là phải tập trung, cùng nhau khắc phục nhằm mang lại kết quả tốt nhất”.
Theo ông Thắng, truyền thông cần đa dạng hơn, làm sao để NLĐ tiếp cận được thông tin, đưa chương trình phủ sóng đến NLĐ theo đúng nhu cầu, đến tận thôn, bản, xóm làng qua chính quyền địa phương ở cơ sở. Truyền thông tốt sẽ giải đáp được nỗi lo, thắc mắc, định hướng việc làm cho NLĐ kịp thời, đúng hướng.
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Phát triển nhân lực Tocontap Sài Gòn, trong năm 2022 và 2023, công ty có kế hoạch tuyển dụng đến 1.600 người đi làm việc ở Nhật Bản, gồm các ngành nghề như kỹ sư cơ khí, điện, xây dựng, công nghệ thông tin, điều dưỡng, công nhân may, hàn, và cả NLĐ phổ thông làm việc chế biến thực phẩm, đóng gói, dịch vụ khách sạn, điện tử.
Ông Nguyễn Đức Quốc - Giám đốc Nhân sự Công ty Tocontap Sài Gòn, cho hay: “Sau đại dịch, phía Nhật Bản đã tiếp nhận lại NLĐ nước ngoài nhưng số lượng cần tuyển dụng đáp ứng đơn hàng của đối tác không đủ. Để khuyến khích NLĐ đi làm việc ở Nhật Bản sau đại dịch, chúng tôi đã rà soát và chọn lại những công ty phía Nhật uy tín, vẫn duy trì hoạt động tốt sau dịch bệnh nhằm đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ. Với NLĐ của Quảng Nam, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho ứng viên thi tuyển, đào tạo, hạn chế di chuyển tốn kém tài chính”.