Điện Bàn phát triển nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề

KHÁNH LINH 14/10/2022 10:05

Nghệ nhân, thợ giỏi được xem là hạt nhân của làng nghề. Bồi dưỡng, phát triển nghệ nhân, thợ giỏi cũng chính là cách Điện Bàn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề hiện nay.

Việc công nhận các nghệ nhân, thợ giỏi sẽ giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề. Ảnh: K.LINH
Việc công nhận các nghệ nhân, thợ giỏi sẽ giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề. Ảnh: K.LINH

Vai trò hạt nhân

Ông Nguyễn Văn Tiếp – chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp là nghệ nhân nhân dân (NNND) duy nhất của thị xã Điện Bàn tính đến thời điểm hiện tại. Đối với ông, danh hiệu NNND không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm trong việc “giữ hồn cốt” cho làng nghề. Trước đây, bình quân mỗi năm cơ sở của ông Tiếp đào tạo khoảng 20 thợ, là các thế hệ kế tiếp để duy trì, phát triển làng nghề.

“Nghệ nhân, thợ giỏi là những nhân tố rất quan trọng vì họ là người giỏi nghề, tâm huyết với nghề nên sẽ có nhiều kinh nghiệm, đóng góp quý báu vào quá trình sản xuất, truyền nghề, từ đó giúp bảo tồn, phát huy các giá trị làng nghề hiệu quả” - ông Tiếp nói.

Điện Bàn hiện có 6 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận gồm nước mắm Hà Quảng, bánh tráng Phú Chiêm, chiếu chẻ Triêm Tây, đúc đồng Phước Kiều (công nhận năm 2004); mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp và mỹ nghệ đất nung Lê Đức Hạ (công nhận năm 2017), cùng với đó là hàng chục cơ sở sản xuất làng nghề khác.

Trước sự cạnh tranh của thị trường, nhất là với các sản phẩm công nghiệp, việc duy trì ổn định, phát triển làng nghề được xem là yếu tố sống còn; vì vậy vai trò, tài năng của các nghệ nhân, thợ giỏi càng quan trọng, thậm chí được xem như là hạt nhân, cánh chim đầu đàn để làng nghề tồn tại, phát triển.

Việc công nhận các nghệ nhân, thợ giỏi sẽ giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề. Ảnh: K.LINH
Việc công nhận các nghệ nhân, thợ giỏi sẽ giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề. Ảnh: K.LINH

Từ năm 2013 đến nay, Điện Bàn phát triển được 16 nghệ nhân, thợ giỏi (gồm 1 nghệ nhân nhân dân, 4 nghệ nhân ưu tú, 8 nghệ nhân cấp tỉnh và 3 thợ giỏi). Không ít nghệ nhân, thợ giỏi đã đưa ra nhiều ý tưởng, giải pháp tốt nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống.

Theo nghệ nhân ưu tú (NNUT) Trần Thu – Giám đốc Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc, danh hiệu nghệ nhân chính là sự ghi nhận, tôn vinh của Nhà nước đối với những đóng góp của đội ngũ người làm nghề.

Mặc dù Nhà nước hiện chưa có chế độ hỗ trợ cụ thể dành cho nghệ nhân, thợ giỏi nhưng không vì thế trách nhiệm của các nghệ nhân, thợ giỏi với công cuộc bảo tồn làng nghề bị ảnh hưởng. Trước đây, mỗi năm gỗ Âu Lạc đào tạo hàng chục học viên, ông Thu xem đó cũng là trách nhiệm của mình đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghề.

Hỗ trợ xét duyệt nghệ nhân, thợ giỏi

Ngày 25/12/2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 123 quy định về xét tặng danh hiệu NNND và NNUT trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Từ đó đến nay, Điện Bàn trở thành một trong ít địa phương của tỉnh có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề được công nhận.

Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, căn cứ các văn bản hướng dẫn của tỉnh và Trung ương, hàng năm UBND thị xã đều ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương liên quan tích cực tham mưu, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho các làng nghề, nghề truyền thống, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn đăng ký xét tặng các danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi.

Dù vậy, do nhiều nguyên nhân như một số lao động trẻ chưa quan tâm đến việc đem sản phẩm tham gia các cuộc thi tìm kiếm giải thưởng hoặc không tham gia trưng bày triển lãm tại các hội chợ..., dẫn đến thiếu điều kiện để đề nghị xét tặng, công nhận các danh hiệu.

“Điện Bàn xác định các nghệ nhân, thợ giỏi là nhân tố giúp các làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thích ứng với sự thay đổi của thị trường bằng việc kết hợp giữa tay nghề tinh xảo với công nghệ hiện đại, tiên tiến ứng dụng vào sản xuất sản phẩm, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh nên luôn tạo cơ hội và khuyến khích các thợ nghề làm hồ sơ xét duyệt” - ông Chơi nói.

Qua hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc phát triển nghệ nhân, thợ giỏi của Điện Bàn bị gián đoạn (do không có nhiều cuộc triển lãm, hội thi tay nghề) nhưng thị xã vẫn có 4 hồ sơ đề nghị công nhận NNUT và 1 hồ sơ đề nghị xem xét NNND đối với ông Lê Đức Hạ (cơ sở đất nung Lê Đức Hạ).

Ông Nguyễn Đức Chơi khẳng định, thời gian tới, bên cạnh việc khôi phục, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, Điện Bàn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, động viên người thợ cố gắng gắn bó với nghề, giữ nghề truyền thống.

Tăng cường đưa sản phẩm tham gia các cuộc thi về tay nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tham gia các hội chợ, triển lãm đảm bảo các điều kiện lâp hồ sơ xét tặng công nhận các danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi...

KHÁNH LINH