Tìm hướng hội nhập thị trường lao động

VIỆT NGUYỄN 25/08/2022 07:11

Thị trường lao động Quảng Nam có chất lượng nhân lực chưa cao, chênh lệch cung cầu. Từ chỗ nhận diện những hạn chế, nhiều giải pháp căn cơ được đưa ra…

Quảng Nam đang triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển thị trường lao động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Quảng Nam đang triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển thị trường lao động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Lo với kỹ năng nghề

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phân tích, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tín dụng hỗ trợ tạo việc làm… của tỉnh được các cơ quan, địa phương triển khai kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động.

Đáng lo ngại là lao động trong trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tập trung chủ yếu ở nhóm ngành gia công (may mặc, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô…) nên chất lượng nguồn nhân lực chỉ mới đạt mức trung bình.

Kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp chủ yếu là sản xuất truyền thống, hoạt động thương mại - dịch vụ chưa hình thành chuỗi giá trị cao nên lao động chưa mang tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Tác phong làm việc của người lao động thay đổi chậm, chưa phát huy tối đa năng lực, tính tự giác, chủ động trong sản xuất dẫn đến năng suất lao động chưa cao.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong 3 năm (2019 - 2021), số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài thấp do các thị trường tiếp nhận lao động đóng cửa. Cũng phải thừa nhận, người lao động vẫn còn tâm lý e ngại đi xa, không muốn thay đổi môi trường sống, môi trường làm việc, nhất là lao động ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Quý nói.

Theo thống kê của Sở LĐ&TB-XH, lao động qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng nghề của tỉnh là 245.686 người. Trong tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế có 906.697 người làm việc trong nước (98,64%), 3.252 người đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài (0,36%, chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan). Cả tỉnh hiện có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 7 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp; tổng số lao động tuyển sinh cao đẳng là 5.154 sinh viên, trung cấp là 10.362 học sinh, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 34.022 người.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói, trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam mặc dù được cải thiện song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động, là điểm nghẽn trong phát triển việc làm chất lượng và năng suất cao.

“Có tình trạng khan hiếm lao động ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn và tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19” - ông Đào Ngọc Dung nói.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng nêu tình trạng mất cân đối cung cầu lao động giữa các vùng miền, các khu vực, các ngành nghề kinh tế.

Cơ chế kết nối cung cầu, tự cân bằng của thị trường lao động còn yếu với lý do chính là hệ thống thông tin chưa được phát triển đầy đủ, phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, trong đó, năng lực cán bộ là khâu yếu nhất của quản trị thị trường lao động hiện nay.

Hiện đại hóa nguồn cung lao động

Thế giới việc làm và thị trường lao động quốc tế đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của đại dịch Covid-19. Cộng thêm cách mạng 4.0 đã đặt ra những vấn đề mới, nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm.

Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp (26,2%) trong khi tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số ít nước ở Đông Nam Á vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm.

Phần lớn lao động nông nghiệp của tỉnh chưa mang tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Phần lớn lao động nông nghiệp của tỉnh chưa mang tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương coi lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp. Cần nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như chuyển đổi số, kinh tế xanh…

Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi người lao động được giao dịch, tiếp cận thị trường lao động việc làm. Hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới toàn diện theo hướng mở, linh hoạt để tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cách mạng 4.0.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết Quảng Nam đang thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển thị trường lao động thông qua các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh.

Đó là cơ sở phục vụ phát triển các nhóm ngành kinh tế quan trọng của tỉnh gồm công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, công nghệ thông tin, các ngành du lịch và dịch vụ cũng như hiện đại hóa, nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo chuỗi cung ứng thương mại - dịch vụ của khu vực và quốc tế.

“Một nhiệm vụ quan trọng khác là nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động trong tỉnh, khu vực, cả nước và quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường” - bà Lộc nói.

VIỆT NGUYỄN