Thăng Bình đào tạo nghề cho lao động nông thôn

GIANG BIÊN 26/07/2022 06:18

Nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn đang thu hút rất nhiều người trên địa bàn huyện Thăng Bình tham gia. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức, các học viên còn biết vận dụng để có thể kiếm sống từ nghề đã học.

Lớp học nghề lắp đặt điện nội thất vừa khai giảng vào giữa tháng 6 tại xã Bình Nam. Ảnh: G.B
Lớp học nghề lắp đặt điện nội thất vừa khai giảng vào giữa tháng 6 tại xã Bình Nam. Ảnh: G.B

Chị Trần Thị Tâm vốn có một quán ăn nhỏ tại thôn Hà Bình xã Bình Minh. Quán của mình, nhưng đầu bếp phải thuê từ bên ngoài. Năm 2021, chị Trần Thị Tâm tham gia lớp học nghề chế biến món ăn do Hội LHPN xã Bình Minh phối hợp tổ chức. Trong 3 tháng, chị Tâm đã tiếp thu lĩnh hội kiến thức từ các giáo viên giảng dạy. Từ lớp học nghề, chị bắt đầu kiêm luôn đầu bếp của quán mình.

Chị Tâm cho hay: “Trong thời gian học nghề, tôi thường chọn quán để làm địa điểm thực hành chế biến các món ăn. Chỗ nào không hiểu thì trực tiếp hỏi người hướng dẫn và học dần từ các bạn học viên.

Sau khi học nghề, tôi biết cách chuẩn bị nguyên liệu, chế biến nước dùng, nước sốt, canh, các món ăn. Tôi còn được học cách trang trí các món ăn cho bắt mắt; xây dựng thực đơn, quản lý nguyên liệu chế biến…”.

Năm 2022 này, huyện Thăng Bình phấn đấu đào tạo nghề cho 449 lao động, trong đó đào tạo 140 lao động nghề phi nông nghiệp với các nghề vận hành máy nông nghiệp, lắp đặt điện nội thất, kỹ thuật chế biến thức uống.

Thăng Bình thực hiện đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, nâng cao của các địa phương.

Ảnh: G.B
Ảnh: G.B

Bà Võ Thị Ngọc Ánh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình cho hay, trong 10 năm qua, toàn huyện đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho hơn 5.000 lao động nông thôn, có hơn 80% số lao động sau khi đào tạo đã có việc làm ổn định cuộc sống. Sau học nghề, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, cho thu nhập cao...

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô đào tạo đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Phấn đấu, hằng năm giải quyết việc làm tăng thêm cho 2.500 - 3.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt hơn 40% vào năm 2025 theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XXI đã đề ra.

GIANG BIÊN