Nhân lực cho doanh nghiệp sau đại dịch
Hậu Covid-19, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực từ nghề phổ thông đến các trình độ cao hơn ở nhiều ngành nghề để phục hồi, phát triển sản xuất. Nguồn nhân lực của tỉnh đến nay tuy được xem là dồi dào, nhưng không đủ đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhân lực là then chốt
Nếu không có con người, sự phát triển của công nghệ sản xuất dù hiện đại đến đâu vẫn không đủ để phục vụ cho sự phục hồi của doanh nghiệp (DN) sau đại dịch. Đó là quan điểm của phần lớn DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, ở những ngành cần nhiều lao động (LĐ) như sản xuất giày da, may mặc, cơ khí, dịch vụ, du lịch...
Như lời của bà Hoàng Thị Ái Nhân - Quản lý nhân sự chi nhánh Quảng Nam - Công ty CP Vinpearl thì sau nhiều lần đóng cửa, đến khi hoạt động trở lại, nhân lực là bài toán đầu tiên cần lời giải đối với hoạt động của công ty.
“Khi thị trường du lịch dần ấm lên cũng là lúc DN ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi, hoạt động trở lại và ồ ạt tuyển dụng LĐ, người LĐ cũng đứng trước nhiều cơ hội lựa chọn công việc.
Mức độ cạnh tranh trong tỉnh về nguồn nhân lực ở lĩnh vực này cao nên công ty cũng gặp không ít khó khăn khi tuyển dụng để phục vụ cao điểm du lịch mùa hè 2022.
Chúng tôi đã phối hợp với các cơ sở đào tạo để tuyển dụng nhân sự, nhưng lượng LĐ này hầu hết ở cấp nhân viên và tổ trưởng. Các vị trí quản lý đòi hỏi kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ thì chúng tôi phải thu hút trong cả nước và nước ngoài” - bà Nhân cho biết.
Từ đó, theo bà Nhân, để giúp DN hoạt động tốt và bứt phá, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, các cơ sở đào tạo nghề và DN cần có sự hợp tác tốt hơn, kết nối liên tục và có chiều sâu để đảm bảo được nguồn nhân lực đạt chất lượng, trình độ, kiến thức và kỹ năng. Nhà trường và DN cùng đào tạo nhằm tạo được một đội ngũ nhân lực sau khi tốt nghiệp tại nhà trường thì có thể đáp ứng ngay nhu cầu của DN.
Còn ông Lê Viết Tấn - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Jay Jay (KCN Tam Thăng, Tam Kỳ) cho rằng đang có thực trạng cơ sở đào tạo vẫn còn đào tạo theo ngành họ có chứ chưa mở rộng đào tạo ngành nghề xã hội đang cần. Nên ông Tấn cho rằng cơ sở đào tạo cần làm việc với DN, nắm nhu cầu của DN để tránh xảy ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu: thừa ngành không cần nhưng thiếu ngành mà DN cần.
Cung không đủ cầu
Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton (Khu công nghiệp Đông Quế Sơn) hoạt động ở lĩnh vực may mặc xuất khẩu, đang có hơn 3.000 người LĐ. Năm 2022 hoạt động được khôi phục sau thời gian dài khó khăn, DN này cần tuyển thêm 600 LĐ ở ngành may và các ngành phụ trợ ngành may.
Công ty đã tham gia sàn giao dịch việc làm, tuyển dụng thông qua loa phát thanh xã, huyện, băng rôn, pano. Nhưng trong dòng chảy chung, các DN khác cùng lĩnh vực cũng hoạt động mạnh và tuyển dụng lượng lớn LĐ, nên DN gặp không ít khó khăn trong tuyển dụng.
Đại diện DN này cho rằng, sau dịch bệnh, người LĐ có tâm lý e ngại làm việc tập trung mà nghỉ việc để tìm kiếm công việc khác, hoặc ở nhà tự tạo việc làm. Dù công ty đã mở thêm các tuyến xe đưa đón người LĐ ở xa, tăng các chế độ đãi ngộ nhưng vẫn chưa thể tuyển đủ số lượng LĐ cần. Các chính sách đào tạo nghề dành riêng cho LĐ miền núi của tỉnh đang tạm dừng nên LĐ ở miền núi còn nhiều nhưng lại không đến nhà máy làm việc.
Từ đầu năm 2022 đến nay, đặc biệt sau khi dịch bệnh không còn là mối đe dọa lớn, các cơ sở đào tạo tích cực tuyển sinh tận cơ sở để đào tạo nguồn LĐ theo nhu cầu của DN. Các sàn giao dịch việc làm thì liên tục đưa về tận cơ sở, đến từng huyện, xã, nhất là khu vực miền núi để tuyển dụng LĐ.
Trong mỗi phiên giao dịch việc làm như thế, có nhiều cơ sở đào tạo đến tư vấn tuyển sinh, nhiều DN đến tuyển dụng hàng nghìn LĐ. Nhưng thực tế nhu cầu đăng ký tìm việc chỉ dừng lại ở những con số khiêm tốn chỉ vài chục, hoặc nhiều lắm chỉ vài trăm LĐ.
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Nhiều năm qua, người LĐ miền núi dù đã được đào tạo, được tuyên truyền nâng cao nhận thức lập thân lập nghiệp, nhưng tâm lý họ vẫn còn e ngại đi xa nhà.
Đây là rào cản rất lớn khiến tình trạng miền núi thừa LĐ nhưng lại thiếu việc làm, trong khi DN thì thiếu LĐ. Kết nối giữa địa phương, cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển dụng và DN sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để giải quyết bài toán nhân lực phục vụ cho sự phát triển của DN”.