Hỗ trợ lao động quay lại thị trường
Sau dịch bệnh, hoạt động sản xuất phục hồi cũng là lúc lao động quay lại thị trường làm việc. Các chính sách hỗ trợ đang tiếp tục được thực hiện để người lao động sớm ổn định cuộc sống.
Những tháng đầu năm 2022 ghi nhận sự trở lại rộn ràng của những sàn giao dịch việc làm. Người lao động (LĐ) quay lại thị trường LĐ với những bộ hồ sơ đi tìm việc làm mới. Từ đồng bằng đến miền núi, những phiên giao dịch việc làm về tận cơ sở đã diễn ra, kết nối doanh nghiệp (DN) và người LĐ để hỗ trợ LĐ sớm quay lại làm việc.
Như trường hợp chị Nguyễn Thị Tâm (Điện Dương, Điện Bàn) đã tìm được công việc mới tại Công viên Ấn tượng Hội An sau khi tham gia sàn việc làm. Có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch nên chị Tâm dần ổn định cuộc sống trở lại bằng những tháng lương đầu tiên khi đi làm ở nơi mới.
Chị Tâm nói: “Khi tôi muốn đi làm trở lại thì được hỗ trợ tìm việc làm, điều đó rất kịp thời với những LĐ quay lại sau thời gian nghỉ do Covid như tôi. Bây giờ công ty còn triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, nhưng nhà tôi gần thì không ở trọ nên tôi không làm thủ tục hưởng chính sách này. Trong công ty có nhiều bạn ở trọ đều đang được hỗ trợ làm thủ tục”.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho người LĐ theo Quyết định số 08 (ngày 28.3.2022) của Thủ tướng Chính phủ đang được triển khai toàn tỉnh. Những buổi đối thoại với DN nhằm tháo gỡ vướng mắc, giải đáp chính sách cũng đã diễn ra.
Các DN đều đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ để trình các cơ quan chức năng gồm Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và địa phương nơi người LĐ tạm trú thẩm định, xác nhận thực hiện chế độ.
Quảng Nam là tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nên tất cả người LĐ đang làm việc, vừa quay lại thị trường LĐ trong DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện đều được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Kỉnh - Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Xây lắp điện Quảng Nam cho rằng, đây là sự tiếp nối của nhiều chính sách mà Trung ương, tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua, nhằm hỗ trợ người LĐ quay lại làm việc, có điều kiện ổn định cuộc sống. Các cơ quan chức năng triển khai thực hiện chính sách cũng đã phát huy trách nhiệm, lắng nghe DN để thực hiện chính sách tốt hơn.
Tuy vậy, có chính sách thực hiện được khi thủ tục dễ, nhưng cũng có chính sách DN không thể tiếp cận như chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người LĐ theo Nghị quyết 68, 126 của Chính phủ.
Nhiều buổi đối thoại, trao đổi, tìm giải pháp triển khai chính sách này đã diễn ra nhưng DN không thực hiện được bởi vướng thủ tục quy định. Hơn nữa, như chia sẻ của nhiều đại diện DN, họ đang dần ổn định và thúc đẩy sản xuất mạnh mẽ hơn trước khi có đại dịch, nên không có thời gian để thực hiện các thủ tục - vốn khá phức tạp, rườm rà.
DN không mặn mà với chính sách, dù mỗi ngày họ vẫn đang thực hiện việc đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người LĐ tại xưởng sản xuất. LĐ được tuyển mới luôn đồng nghĩa với việc tốn một khoảng thời gian để đào tạo thích ứng với công việc.
Thực tế thì có đào tạo, nhưng để đáp ứng các điều kiện để được hỗ trợ từ chính sách thì rườm rà, nên DN bỏ qua phần này, để tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, tạo lợi nhuận, chăm lo cho đời sống người LĐ tốt hơn.