Kiên định mục tiêu đào tạo nghề ở miền núi
Sau sáp nhập, cơ sở đào tạo nghề miền núi của Trường Cao đẳng Quảng Nam dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn tiếp tục kiên định với mục tiêu đào tạo nghề cho lao động vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn có chuyến khảo sát, làm việc với cơ sở đào tạo nghề miền núi thuộc Trường Cao đẳng Quảng Nam tại thôn Pà Dồn (xã Cà Dy, Nam Giang).
Kể từ ngày 1.6.2021 đến nay, trở thành cơ sở đào tạo miền núi của Trường Cao đẳng Quảng Nam, vượt qua những lo lắng lúc mới sáp nhập, những khó khăn ban đầu và cả bây giờ, đội ngũ giáo viên tại cơ sở tiếp tục miệt mài với sự nghiệp đào tạo nghề cho lao động (LĐ) vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Như lời ông Trần Xuân Hải - giáo viên tại cơ sở thì học sinh, sinh viên (HSSV) theo học chủ yếu ở 6 huyện miền núi của tỉnh, nên việc ăn ở, học tập đều tập trung tại trường.
“Vì thế giáo viên ở đây vừa là thầy cô giảng dạy trên giảng đường, vừa là người thân của HSSV sau giờ tan lớp. HSSV phần đông học hết lớp 9 không tiếp tục học THPT, được tuyển sinh học nghề.
Cuộc sống lần đầu tiên xa nhà, xa cha mẹ khiến các em còn lạ lẫm. Vì thế, ngoài dạy nghề, thầy cô còn dạy các em cả việc thích nghi với cuộc sống tự lập, tác phong công nghiệp, để sau này khi đi làm việc ở doanh nghiệp (DN) sẽ không bỡ ngỡ, lo lắng.
Trong quá trình học, DN tiếp nhận các em vào thực tập, làm quen với dây chuyền máy móc, công nghệ, cam kết nhận các em sau khi tốt nghiệp. Khóa đào tạo, cả 100 HSSV ra trường được DN tiếp nhận làm việc, mức lương từ 6 triệu đồng trở lên” - ông Hải thông tin.
Cơ sở đào tạo miền núi của Trường Cao đẳng Quảng Nam hiện có 217 HSSV theo học các ngành điện, điện tử, mộc, may thời trang, cơ khí, nông lâm.
PGS.TS Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho biết: “Chỉ sợ tuyển sinh không được HSSV, chứ không sợ không có việc làm cho các em khi ra trường. Bởi nhà trường đã có mối liên kết đào tạo với nhiều DN trong và ngoài tỉnh, các DN đang cần LĐ, nên đào tạo được bao nhiêu họ cũng nhận vào làm việc. Với cơ sở đào tạo miền núi, vai trò đào tạo nghề cho LĐ càng quan trọng hơn, giúp các em có việc làm, góp phần cho gia đình thoát nghèo bền vững”.
Qua cuộc làm việc với cán bộ, giáo viên của cơ sở đào tạo miền núi và Trường Cao đẳng Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá, thời gian qua cơ sở miền núi đã góp phần đào tạo nghề, tạo việc làm cho LĐ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo chuyển biến nhận thức cho bà con trong việc học nghề, lập nghiệp để hướng đến mục đích cuối cùng là phát triển của kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững.
Qua khảo sát thực tế ở cơ sở đào tạo miền núi, ông Tuấn nói, các khối nhà ký túc xá, nhà ăn, giảng đường, nhà xưởng thực hành đều xuống cấp, hư hỏng, thấm nước, hệ thống điện hư hỏng gây mất an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Trường Cao đẳng Quảng Nam khảo sát lại hiện trạng của cơ sở đào tạo miền núi, hạng mục nào sửa chữa được thì sửa chữa, không sửa chữa được thì làm thủ tục thanh lý tiêu hủy. Đảm bảo chỗ ăn ở cho HSSV là cần thiết, giúp các em và gia đình các em yên tâm cho con em theo học nghề.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn lưu ý nhà trường phải khớp nối với DN, chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng LĐ do DN đặt hàng. Tập thể cán bộ, giáo viên của trường phải xây dựng được thương hiệu Trường Cao đẳng Quảng Nam trên thị trường, từ đó làm tốt công tác tuyển sinh, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.