Đào tạo nghề ở Đông Giang: Chưa thể đột phá
Dù đã nỗ lực thực hiện nhưng do gặp nhiều khó khăn, huyện Đông Giang chưa thể tạo ra bước đột phá trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nỗ lực...
Một trong 3 nhiệm vụ đột phá mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đông Giang lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đặt ra là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động trẻ và đội ngũ cán bộ, công chức viên chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Triển khai nhiệm vụ đột phá trên, địa phương đã chú trọng đào tạo các ngành, nghề một cách phù hợp với thị trường lao động gắn với giải quyết việc làm. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, khai thác và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản trên địa bàn; kỹ năng đối thoại và đón khách du lịch; hướng dẫn thủ tục hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã để làm đầu tàu giúp cho nhân dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm ra.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Giang - ông Lê Duy Thắng cho biết, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn là 18.580 người; trong đó lao động có việc làm 14.942 người, lao động qua đào tạo 3.766 người (tỷ lệ 25,2%).
Đáng chú ý, Tập đoàn FVG vừa qua tuyển dụng 300 lao động là người địa phương để đào tạo, đưa vào làm việc tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Ngày 1.4 tới đây, doanh nghiệp này sẽ tuyển dụng thêm 100 lao động, mức thu nhập ổn định 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Cho biết thêm về đào tạo nghề, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đỗ Hữu Tùng chia sẻ, năm 2020 địa phương đã mở 2 lớp dạy nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng, chăm sóc quế Trà My cho 105 học viên; tổ chức 2 đợt tư vấn tuyển sinh và phân luồng học sinh tại các trường THCS.
Năm 2021, huyện tuyển sinh mở lớp đào tạo nghề lắp đặt điện nội thất cho 22 học viên tại xã Mà Cooih; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam tổ chức sàn giao dịch việc làm theo cụm xã, qua đó đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 300 lượt lao động. Dự kiến năm nay sẽ mở lớp đào nghề cho 90 lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm; kết nối với các công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động.
Nhiều khó khăn
Đông Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ hơn 43% (khoảng 7.597 người). Sau gần 2 năm triển khai, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có việc làm mới đạt 25,2%.
Ông Đỗ Hữu Tùng cho rằng, nguyên nhân là chính sách đào tạo nghề chưa tạo được sức hút đối với người dân vì còn nhiều bất cập. Thời gian của các lớp đào tạo nghề chỉ khoảng 3 tháng nên học viên mới sơ bộ nắm được cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản, còn tư duy và kỹ năng chưa đủ để xin việc hoặc tự tạo việc làm riêng. Mặt khác, do thói quen canh tác, người dân ít khi áp dụng kiến thức, kỹ năng nghề vào công việc dẫn đến hiệu quả sau đào tạo nghề thấp.
Trong khi đó, Đông Giang gần với TP.Đà Nẵng, người dân có xu hướng tự đi làm tại các nhà máy nên không đăng ký tham gia theo chính sách của nghị quyết, chính vì vậy chỉ tiêu đào tạo nghề hàng năm không đạt. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh gặp nhiều khó khăn...
Theo ông Lê Duy Thắng, sắp tới đây, Huyện ủy sẽ giao cho UBND huyện phân kỳ, lộ trình, xúc tiến doanh nghiệp vào đầu tư để tuyển dụng, đào tạo lao động và giải quyết việc làm.
Mở các hợp tác xã để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vừa giải quyết việc làm. Huyện cũng kiến nghị cấp trên cần hạn chế đào tạo nghề dưới 3 tháng, phải đào tạo nghề dài hạn theo hướng “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, để sau đào tạo người dân có thể dựa vào ngành nghề đó để mưu sinh…