Ngược núi tìm lao động
Phiên chợ việc làm tháng 3.2022 đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với UBND huyện Nam Trà My tổ chức. Đây là cơ hội kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động tốt nhất.
Tìm cơ hội việc làm
Là con thứ hai trong một gia đình 4 anh chị em, chị Hồ Thị Chín (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) phải bôn ba vào tận Bình Dương làm công nhân trong một nhà máy xốp ngay sau khi học xong lớp 12.
Tuy nhiên chị Chín làm việc ở xa cũng rất lo lắng khi cha đã qua đời, ở nhà chỉ còn mẹ và em. Lúc dịch bệnh Covid-19 phức tạp vào giữa năm 2021, mẹ lo nhiều nên chị Chín đã chọn quay về quê.
Chị Chín tâm sự: “Làm trong Bình Dương, tăng ca thì lương cũng được 8 - 10 triệu/tháng, nhưng chi phí tốn kém nhiều nên không tiết kiệm được gì. Dịch bệnh phức tạp quá, tôi về quê, vừa hay Hội LHPN xã thông tin huyện phối hợp tổ chức phiên chợ việc làm, nên tôi đi với mấy người bạn nữa tham gia tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân”.
Là bộ đội xuất ngũ, vừa ra quân vào đầu năm 2022, anh Hồ Văn Thụy (xã Trà Linh) cùng những người bạn là lao động (LĐ) cùng địa phương đến phiên chợ việc làm để tìm việc.
Theo lời anh Thụy, sau xuất ngũ anh được hỗ trợ học nghề, nhưng chưa chọn được nghề gì phù hợp nên chưa đăng ký học. Lựa chọn của anh là ưu tiên vừa đi làm lại vừa được học nghề, nên anh đến sàn giao dịch việc làm, hy vọng sẽ tìm kiếm được công việc phù hợp lựa chọn.
Anh Thụy nói: “Khi đến đây tôi thấy nhiều công ty có tuyển LĐ phổ thông vào rồi đào tạo, lựa chọn cũng nhiều. Mà tôi được tư vấn, bộ đội xuất ngũ sức khỏe tốt nên đi xuất khẩu LĐ cũng hay. Tôi cũng mong sớm có việc làm”.
Cơ hội cho LĐ miền núi
Đưa sàn giao dịch việc làm về cơ sở trong bối cảnh thích ứng với dịch bệnh là định hướng trong năm này của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Với sự phối hợp tích cực từ UBND huyện Nam Trà My, sàn giao dịch việc làm tại huyện được khởi động sau 2 năm không thể tổ chức vì Covid-19.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “UBND huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các trường dạy nghề, doanh nghiệp trong và ngoài huyện đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người LĐ, phấn đấu bình quân hàng năm giải quyết việc làm mới cho 400 - 600 LĐ có việc làm ổn định.
Huyện vẫn còn một số thanh niên đến tuổi LĐ, bộ đội phục viên xuất ngũ về địa phương, học sinh, sinh viên ra trường cần tìm việc làm nhưng chưa có cơ hội tìm hiểu thông tin từ các doanh nghiệp tuyển dụng. Tôi hy vọng với sàn việc làm hôm nay, người LĐ của huyện sẽ có cơ hội tìm việc làm phù hợp, góp phần quan trọng tạo nguồn thu nhập cho gia đình, giảm nghèo hiệu quả hơn”.
Tại sàn giao dịch việc làm, có 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ủy thác cho Trung tâm Dịch vụ việc làm và tham gia để tuyển dụng LĐ trực tuyến.
Ông Nguyễn Phước Khang - Giám đốc vận hành nhà máy Công ty CP Tư vấn và phát triển điện Cửu Long thông tin: “Chúng tôi tham gia sàn giao dịch để tuyển dụng 50 LĐ vận hành 2 nhà máy thủy điện và 3 trạm biến áp 110kV tại tỉnh Quảng Nam.
Trình độ yêu cầu trung cấp trở lên, chuyên ngành điện, vào sẽ được đào tạo quản lý và vận hành. Chúng tôi ưu tiên LĐ của Quảng Nam, đặc biệt là các huyện miền núi còn nhiều LĐ và còn ngại đi xa, thì họ sẽ gắn kết với công ty lâu dài hơn”.
Đến với sàn, Công ty CP Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco) cần tuyển dụng để đào tạo và cung ứng cho đối tác phía Nhật Bản 24 LĐ ngành chế biến thực phẩm. Đây là chương trình đưa thực tập sinh Quảng Nam làm việc tại tỉnh Nagasaki theo chương trình hợp tác giữa 2 tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - phụ trách tuyển dụng khu vực Quảng Nam của Suleco nói rằng công ty ưu tiên LĐ miền núi, tuyển dụng đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng, kiến thức cần thiết trước khi đối tác ở Nhật Bản phỏng vấn tuyển dụng. Chương trình này chấp nhận LĐ từ 39 tuổi trở xuống nên là cơ hội tốt cho người LĐ có nhu cầu đi xuất khẩu LĐ sang Nhật Bản.