Rộng cửa với lao động hồi hương

DIỄM LỆ 10/01/2022 06:24

Lo việc làm cho lao động về từ các tỉnh phía Nam do dịch Covid-19 đang được Quảng Nam thực hiện bằng nhiều cách linh hoạt. Doanh nghiệp cùng vào cuộc, rộng cửa đón chào lao động hồi hương.

Với Nguyễn Phước Kỳ (Tam Ngọc, Tam Kỳ), được về quê đã may mắn, giờ có việc làm càng may mắn hơn. Ảnh: D.L
Với Nguyễn Phước Kỳ (Tam Ngọc, Tam Kỳ), được về quê đã may mắn, giờ có việc làm càng may mắn hơn. Ảnh: D.L

Hồi hương!

Khi chuyến xe nghĩa tình đón đồng bào về quê về đến khu cách ly tập trung vào tháng 7.2021, Nguyễn Phước Kỳ (sinh năm 1994, Tam Ngọc, Tam Kỳ) có 8 năm bon chen nơi đất khách. Dịch bệnh bùng phát, Kỳ trở thành F1, hết thời gian cách ly thì công việc cũng không còn, thành phố bắt đầu giãn cách cứng.

“Hai tháng bám trụ ở phòng trọ, tôi cố gắng cầm cự nhờ những tấm lòng tốt cứu giúp. Ba mẹ ở quê lo lắng, tôi cũng sợ hãi. Khi các anh chị ở hội đồng hương gọi điện thông báo tôi được về quê, tôi chỉ biết khóc mừng rỡ” - Kỳ nhớ lại.

Về quê, Kỳ được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu làm việc sửa chữa máy tính tại cửa hàng Nguyễn Ninh (Tam Kỳ) từ tháng 9.2021. Kỳ vẫn phải vừa học nghề vừa làm để nâng cao trình độ.

Kỳ xem đây là may mắn, được về quê, có công việc ổn định, ở bên gia đình. Có thể tiền lương ở quê không bằng khi làm trong thành phố, nhưng Kỳ không phải lo ăn lo ở, nên cuộc sống vẫn thong thả hơn nhiều. 

Nhiều lao động (LĐ) hồi hương như Kỳ, đang có cơ hội mở ra một cánh cửa khác, khi cánh cửa việc làm ở các tỉnh thành phía Nam khép lại do đại dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp cần lao động

Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng hiện có số lượng LĐ lớn nhất tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng (Tam Kỳ), với hơn 7.400 LĐ.

Lao động có tay nghề, có trình độ về từ các tỉnh, thành phố phía Nam được các công ty ưu tiên tiếp nhận. Ảnh: D.L
Lao động có tay nghề, có trình độ về từ các tỉnh, thành phố phía Nam được các công ty ưu tiên tiếp nhận. Ảnh: D.L

Theo ông Han Chul Joon - Tổng Giám đốc công ty, khi dịch bệnh phía Nam phức tạp, nhà máy của công ty tại Bình Dương phải dừng hoạt động, toàn bộ đơn hàng được chuyển về nhà máy tại Quảng Nam sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời cho đối tác. Kế hoạch sản xuất của Panko Tam Thăng đã ổn định đến tháng 5.2022, nên công ty vẫn liên tục tuyển dụng thêm LĐ, đến khi đạt đủ 10.200 LĐ.

Ông Han Chul Joon nói: “Chúng tôi biết tỉnh đang có nhiều chính sách hỗ trợ LĐ về quê, trong đó có việc tạo việc làm. Công ty chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận nguồn LĐ về từ các tỉnh. Với LĐ phổ thông, công nhân may dễ tuyển dụng. Nhưng với chuyên gia, việc tuyển dụng ở Việt Nam để thay thế chuyên gia từ nước ngoài gặp khó.

Nếu LĐ có trình độ tốt, chúng tôi có thể tiếp nhận và đào tạo dần để thay thế chuyên gia nước ngoài. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho công ty và cho cả người LĐ nếu có nguyện vọng quay về Quảng Nam, ở lại lâu dài và làm việc ổn định”.

Khi các địa phương, Ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN tỉnh khảo sát về nhu cầu tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp (DN), có 100 DN đã gửi đầy đủ thông tin nhằm tìm kiếm được nguồn LĐ, hỗ trợ LĐ về từ phía Nam. Hơn 16.800 vị trí việc làm đang chờ đợi người LĐ, đặc biệt là LĐ có tay nghề về từ vùng công nghiệp phát triển năng động phía Nam.

Ông Nguyễn Ngọ - Trưởng ban Quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) thông tin: “Các DN trong KCN có nhu cầu tuyển thêm hơn 1.600 LĐ, đặc biệt là LĐ có tay nghề về từ các tỉnh thành do dịch bệnh được ưu tiên tiếp nhận. LĐ mà DN tuyển dụng đa dạng ngành nghề, trình độ nên người LĐ hoàn toàn có thể yên tâm là sẽ có việc làm phù hợp.

Trong thời điểm khó khăn, các DN có thể tuyển thêm LĐ là một tín hiệu đáng mừng. Người LĐ về quê có việc làm tại DN, cũng đồng nghĩa với chính sách an sinh xã hội dành cho nhóm LĐ này được hiện thực hóa”.

DIỄM LỆ