Đưa chính sách đến với lao động
Thời gian qua, các gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ các cấp đã nhanh chóng đi vào đời sống, song vẫn còn chính sách chưa thể thực thi.
195 nghìn người được hỗ trợ
Ngày 1.7.2021, Nghị quyết số 68 của Chính phủ ra đời nhằm hỗ trợ khó khăn cho người lao động (LĐ) và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngày 22.7.2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45 nhằm hỗ trợ kịp thời cho LĐ tự do, không giao kết hợp đồng LĐ.
Ban đầu, việc triển khai các chương trình hỗ trợ của các địa phương gặp không ít lúng túng, vướng mắc, cơ quan thường trực hướng dẫn thực hiện là Sở LĐ-TB&XH phải qua nhiều lần trao đổi, tháo gỡ.
Mọi việc dần đi vào quỹ đạo, các địa phương tiến hành hỗ trợ, đưa chính sách đến với người LĐ vào thời điểm dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp. Vì thế chính sách đã phát huy tác dụng, động viên người LĐ giữa lúc khó khăn bủa vây.
Theo Sở LĐ-TB&XH, sau 5 tháng thực thi Nghị quyết 68, 45, đến ngày 17.12.2021, toàn tỉnh đã có 195.292 người được phê duyệt danh sách và đang được chi trả các khoản hỗ trợ. Tổng nguồn kinh phí các địa phương đã thực hiện chi trả hơn 111,5 tỷ đồng.
Người được nhận hỗ trợ là những hộ kinh doanh, LĐ mất việc làm và trẻ em con người LĐ, LĐ phải thực hiện cách ly y tế, trong vùng phong tỏa theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, LĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, LĐ chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, viên chức nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch, người phải điều trị Covid-19.
Chính sách hỗ trợ LĐ tự do theo Nghị quyết 45 vẫn tiếp tục thực hiện ở địa phương, đến ngày 15.1.2022 phải hoàn tất hồ sơ và 25.1.2022 là hạn cuối thực hiện việc chi trả chế độ đến với người LĐ.
Còn nhiều trăn trở
Trong số các chính sách theo Nghị quyết 68, chính sách hỗ trợ người sử dụng LĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người LĐ có hiệu lực đến ngày 30.6.2022. Thế nhưng đến nay, chính sách này vẫn chưa thể triển khai và đây cũng là trăn trở của những người thực thi chính sách.
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Để thực hiện được việc hỗ trợ người sử dụng LĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho người LĐ phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Thứ nhất là doanh nghiệp (DN) có muốn tiếp cận chính sách hay không.
Bởi họ là chủ thể của chính sách, nên chỉ khi họ muốn thụ hưởng chính sách thì cơ quan thực thi chính sách mới hướng dẫn, hỗ trợ họ thực hiện. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH cùng các địa phương vẫn đang chủ động liên hệ, làm việc để xác định DN nào hội đủ điều kiện hỗ trợ. Kế đến là về điều kiện hỗ trợ, nhiều DN sẽ bị vướng”.
Theo ông Quý, đối với điều kiện sụt giảm 10% doanh thu thì nhiều DN lớn sẽ bị vướng, bởi DN lớn thường chủ động đơn hàng, công việc có lúc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng họ lại không bị sụt giảm về doanh thu.
Với điều kiện là DN đang tham gia bảo hiểm xã hội cho người LĐ thì những DN nhỏ, DN gặp khó khăn nhiều do dịch bệnh Covid-19 lại bị vướng. Đặc biệt, DN du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề 2 năm qua, nên phần đông người LĐ đã nghỉ việc, tạm dừng việc thì cũng không tham gia bảo hiểm xã hội. Từ đó mà những DN nhỏ, DN du lịch lại khó tiếp cận với chính sách này.
Trong việc đào tạo LĐ, ngoài việc cơ sở đào tạo nghề tiếp cận đào tạo LĐ cho DN thì việc đào tạo trong DN nếu tự phát huy được sẽ rất tốt. DN có nhu cầu tự đào tạo để được hưởng chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì Sở LĐ-TB&XH phải cấp giấy phép đào tạo nghề.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận nguồn hỗ trợ đồng nghĩa với việc hoạch định tài chính thu - chi trong DN lại phát sinh khó khăn khi DN sử dụng nhiều LĐ, DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài không thể xuất hóa đơn để nhận được sự hỗ trợ. Đằng nào cũng vướng, trong khi DN đã nặng gánh trong điều kiện dịch bệnh khó khăn, lo nguyên liệu, đơn hàng, việc làm, thu nhập cho người LĐ. Để nhận được một chính sách hỗ trợ, đều đáng quý cả, nhưng nếu phải vướng víu thủ tục, DN thường bỏ qua sự hỗ trợ đó.